Tạ Duy Anh - Bảo tàng Đông Dương một tuổimardi 2 janvier 2024
Thuymy
Mạnh mẽ, lãng tử, hào sảng… là những nét tính cách ai cũng nhận ra ngay lần đầu tiếp xúc với ông chủ trang trại cá sấu lớn nhất Đất Cảng - Tuấn Cá Sấu.
Nhưng hóa ra đấy chỉ là những gì thuộc về vẻ bề ngoài, của một con người có một khát vọng lớn về vẻ đẹp tinh thần. Sớm từng trải nhờ những năm tháng kiếm sống trong nhọc nhằn và nguy hiểm, Tuấn cá sấu lại là người đam mê lịch sử, thơ ca, nghệ thuật nói chung.
Ông có cả một khu vườn cảnh thơ mộng, tại đó ông cho khắc những câu thơ nổi tiếng, của các tác giả trong và ngoài nước, vào từng phiến đá. Bên cạnh đó là những chiếc ao cá sấu, nuôi giống cá sấu Xiêm, vốn chỉ quen với khí hậu và thổ nhưỡng phương Nam nóng ẩm, giờ nhờ ông, đã an cư thoải mái trên đất Bắc và đem lại nguồn sống cho khá nhiều người.
Một ông chủ trang trại thuộc loại rất đặc biệt.
Đặc biệt ở chỗ, nếu chỉ có ý định làm giầu, thì ông Cao Văn Tuấn đã giầu từ lâu rồi, từ hồi ông theo tàu viễn dương đi “đánh” hàng bãi từ Nhật về Việt Nam. Một người có thể mang được cả cái máy ép nho thủ công hàng chục tấn từ Pháp về trưng bày, thì còn có thứ gì muốn có mà ông không thể.
Nếu chỉ nghĩ đến tiền, thì chỉ riêng cái trang trại cá sấu gần như độc nhất vô nhị hàng thập kỷ, với hệ thống cửa hàng phục vụ tại chỗ, từ ăn đến hàng lưu niệm, những sản phẩm thuần túy từ cá sấu, ông cũng thừa ung dung để muốn gì được nấy.
Nếu chỉ để thỏa mãn ước muốn thành đại gia, thì với khối tài sản hiện có, ông chả kém cạnh bất cứ đại gia nào.
Nhưng nếu thế thì đã không có một ông Tuấn Cá Sấu lúc nào cũng đau đáu nghĩ về hồn cốt văn hóa Việt, từ đó là thân phận người Việt, như chúng ta đang biết và yêu mến. Trong lúc vui vẻ, ông nửa đùa nửa thật bảo rằng, cái số ông là cứ phải “lên bờ xuống ruộng” mới “yên”.
Trong ngày ra mắt Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương (được thành phố Hải Phòng cấp phép hoạt động), một nỗ lực mà ông và cộng sự đã phải lao tâm khổ tứ trong gần 20 năm để biến điều tưởng không thể thành có thật, ông đã chia sẻ một tâm sự cực kỳ thú vị, cũng là lý do của việc nhất định ông phải cho ra đời cái nhà bảo tàng.
Số là khi còn lận đận làm ăn, ông bắt buộc phải thân quen một số quan chức. Mỗi lần nhờ vả họ, ông đều có quà cảm ơn. Và oái oăm thay, những món quà ông biếu tặng lại thường là những món đồ vật gắn với văn hóa nghệ thuật. Rằng quý thì thật quý, nhưng hồi đó quy ra tiền chẳng được bao nhiêu. Một trong số những ông quan chức thường nhận quà biếu của ông, sau khi về hưu, chợt “ngộ” ra rằng, những món đồ mà ông nhận từ Cao Văn Tuấn, ông không có “duyên” giữ chúng trong nhà. Ông bèn mời chủ nhân xưa kia của nó đến “nhận lại”, sau khi giữ vài thứ lặt vặt làm kỷ niệm.
Cao Văn Tuấn nhớ lại, chuyến xe đặc biệt ông chở những món đồ được nhận lại khi ấy, nếu bán nhanh cũng có giá tới cả triệu đô la. Mà hồi đó, cách nay gần 30 năm, số tiền như vậy nằm ngoài hình dung của cả những người giầu có. Nhưng đến lượt ông “ngộ” ra rằng, chúng, những sản phẩm văn hóa ấy, không nên là sở hữu của cá nhân ai, mà phải thuộc về cộng đồng. Chúng không thể định giá theo cách thông thường là quy ra tiền bạc. Chúng vô giá.
Phòng trưng bày khoảng 13.000 cổ vật, với niên đại từ hàng ngàn đến vài chục năm, vốn là nhà hàng mang tên Nam Phương Hoàng Hậu. Ngay cái tên của nhà hàng cũng là cả một câu chuyện thú vị, mà nếu bạn có dịp ghé thăm, sẽ được chủ nhân của nó hào hứng kể lại.
Tôi không muốn hỏi thẳng ông Tuấn, để có số cổ vật độc đáo này, ông phải bỏ ra bao nhiêu tiền. Tôi không hỏi không chỉ vì tế nhị, mà còn không muốn bị “choáng” thêm một lần nữa, sau khi lướt đi một vòng, tận mắt nhìn, nhiều thứ tận tay sờ, những vật phẩm văn hóa mà chưa khi nào tôi thấy, thậm chí ngay cả nghĩ đến rằng nó còn tồn tại trên đời cũng không dám.
Ngoài cổ vật, Bảo tàng Văn học nghệ thuật Đông Dương còn là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng hàng trăm bức tranh, của các thế hệ họa sĩ Việt Nam, có bức giờ đây bằng giá trị của một tài sản gia đình trung lưu. Công cuộc chăn nuôi, phổ biến sản phẩm cá sấu, từ chỗ là nghề kiếm sống chính, thì nay trở thành nguồn cung cấp tiền bạc để “nuôi” khu Bảo tàng. Bởi ngay từ ý tưởng ban đầu, Bảo tàng đã theo hướng hoạt động phi lợi nhuận.
Giờ đây, ở tuổi Lục thập, ông “vua cá sấu”, từ nay kiêm thêm chức giám đốc Bảo tàng Văn học nghệ thuật Đông Dương, chỉ còn một nỗi lo canh cánh, ấy là tìm được cơ quan nào đó đáng tin, có chuyên môn tốt, để sớm… “Bàn giao” việc quản lý Bảo tàng.
Thành phố Hải Phòng từ nay có thêm một địa điểm du lịch văn hóa độc đáo mà du khách không dễ bỏ qua.
TẠ DUY ANH 02.01.2024
No comments:
Post a Comment