Quan hệ với Bắc Kinh, chủ đề bao trùm bầu cử Đài LoanThanh Phương
Đăng ngày: 02/01/2024 - 14:11
RFI
Ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te – bên phải), phó tổng thống Đài Loan, ứng viên tổng thống của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền trong một cuộc vận động tranh cử ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 29 tháng 12 năm 2023. REUTERS - ANN WANG
Trung Quốc quan tâm đặc biệt vì không từ bỏ mục tiêu thống nhất hòn đảo này với Hoa lục, nếu cần, sử dụng cả vũ lực. Hoa Kỳ cũng chú ý hơn bao giờ hết, do rất muốn tránh căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Trong khi đó, người dân Đài Loan sẽ “chọn mặt gởi vàng” tùy theo lập trường của các ứng cử viên về quan hệ giữa Đài Bắc với Bắc Kinh, một chủ đề cực kỳ nhạy cảm.
Thực ra, chính sách đối với Trung Quốc vẫn là trọng tâm của các cuộc bầu cử cấp quốc gia ở Đài Loan từ thập niên 1990. Nhưng kể từ khi Đảng Dân Tiến lên cầm quyền vào năm 2016, quan hệ giữa Đài Bắc với Bắc Kinh ngày càng xấu đi, nhất là kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình, tái đắc cử nhiệm kỳ ba vào tháng 3 năm ngoái, có giọng điệu hiếu chiến hơn, sặc mùi dân tộc chủ nghĩa hơn đối với Đài Loan.
Trong bài diễn văn mừng Năm Mới 2024 hôm Chủ Nhật, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc “chắc chắn sẽ được thống nhất”. Trước đó, trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden vào giữa tháng 11, lãnh đạo Trung Quốc cũng đã khẳng định việc thống nhất Đài Loan với Hoa lục là “không thể tránh khỏi”.
Kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đắc cử vào năm 2016, Bắc Kinh đã cắt đứt mọi liên lạc cấp cao với Đài Bắc và đã gia tăng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan. Đặc biệt trong năm 2022, quân đội Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận, mô phỏng một cuộc phong tỏa hòn đảo. Sẽ rút lui sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng 5/2024, tổng thống Thái Anh Văn cho tới nay vẫn chủ trương vừa bảo vệ chủ quyền của Đài Loan, vừa bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo. Còn ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến, phó tổng thống đương nhiệm Lại Thanh Đức (Lai Ching-Te), hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, thì được xem là một nhân vật ủng hộ Đài Loan độc lập, tuy chưa bao giờ ông chính thức nói điều này.
Trong cuộc tranh luận truyền hình hôm thứ Bảy tuần trước, ông Lại Thanh Đức đã lên án hai ứng cử viên Quốc Dân Đảng Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) và Kha Văn Triết (Ko Wen-Je) là “đồng lõa với Trung Quốc” phá hoại nỗ lực phòng thủ của Đài Loan trong 8 năm qua. Đáp lại, hai đối thủ của ứng cử Đảng Dân Tiến đả kích ông “gây phương hại” cho an ninh của hòn đảo do có thái độ khiêu khích Bắc Kinh. Ông Hầu Hữu Nghi, vốn vẫn dứt khoát chống lại nền độc lập của Đài Loan, đã tuyên bố :“Chúng ta phải cố duy trì liên lạc và các trao đổi với Trung Quốc. Chính vì các ông đã không làm như vậy cho nên chúng ta mới phải đối đầu với mối nguy hiểm lớn ở bên kia eo biển”.
Theo nhận định của nhật báo Anh Financial Times, một trong những yếu tố quan trọng của cuộc bầu cử sắp tới đó là lá phiếu của thành phần cử tri trẻ, vốn có lập trường nghiêng về phía Đảng Dân Tiến hơn, nhưng ngày càng phân vân về chính sách và thái độ cần phải có với Trung Quốc.
Hiện giờ không thể dự đoán là quan hệ giữa Đài Bắc với Bắc Kinh có sẽ xấu đi thêm trong thời gian bầu cử tổng thống Đài Loan và sau bầu cử hay không. Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu ứng cử viên đảng cầm quyền vượt qua lằn ranh đỏ mà Trung Quốc đã đề ra, tức là thông báo trưng cầu dân ý về nền độc lập của Đài Loan, thì Bắc Kinh sẽ không để yên, thậm chí có thể sẽ xua quân đánh chiếm hòn đảo.
Tóm lại, chưa bao giờ bầu cử tổng thống Đài Loan lại diễn ra trong một bối cảnh căng thẳng như thế và cũng chưa bao giờ lập trường của các ứng viên về quan hệ với Trung Quốc lại có tính chất quyết định như thế đối với kết quả bầu cử, cũng như đối với tình hình eo biển Đài Loan.
No comments:
Post a Comment