Nguyễn Văn Tuấn - Tản mạn đầu năm: Ai là trí thức?mardi 2 janvier 2024
Thuymy
Tôi là một giảng viên đại học và cũng là một người làm nghiên cứu khoa học, mà lại hay viết báo, nên bạn bè xem tôi là 'trí thức'. Nhưng thú thiệt, tôi không biết cái danh xưng đó có nghĩa là gì. Trong những buổi tán gẫu chuyện đời, bạn bè tôi ở Úc có khi nói ngẫu nhiên 'ông là trí thức', và tôi thường hỏi lại "nếu tôi là trí thức, vậy ông là gì? Là 'trí ngủ' hả"? Và, từ trong thâm tâm tôi cũng không dám nhận mình là bậc trí thức vì không hiểu rõ ý nghĩa của danh từ đó.
Thành ra, tôi ngạc nhiên khi thấy trong các hội nghị khoa học ở trong nước người ta tự xem mình là bậc trí thức. Ban tổ chức hội nghị thường hay tổ chức những buổi lễ vinh danh những người đó. Thỉnh thoảng người ta còn cho danh xưng 'trí thức trẻ', làm tôi tự hỏi 'vậy ai là trí thức ... già?'. Nghĩ chơi vậy thôi.
Trong các hội nghị khoa học ở nước ngoài mà tôi có dịp tham dự (trong nhiều vai trò khác nhau), người ta không có những chữ như 'trí thức' (intellectual). Cũng chẳng có lễ vinh danh trí thức gì cả; họ chỉ vinh danh những người có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành bằng mấy loại giải thưởng. Do đó, tôi có cảm nhận rằng hình như người Việt chúng ta hiểu 'trí thức' khác với người phương Tây?
Có lẽ chúng ta hay hiểu theo kiểu mặc định rằng những ai làm nghề 'sư sĩ' có bằng đại học ở trên là những bậc trí thức. Hiểu theo nghĩa này thì Việt Nam có nhiều trí thức lắm. Theo thống kê ở Việt Nam, cứ 100 người trong độ tuổi 18-22 thì có 35 người có bằng cấp đại học. Đó là chưa kể hơn 20.000 tiến sĩ và hơn 15.000 giáo sư. Có khi anh tài xế xe Grab cũng là trí thức theo cái nghĩa trên.
Có lẽ cách hiểu 'trí thức = nghề sư sĩ' là quá rộng.
'Thức' hiểu nôm na và dân giả là 'không ngủ'. (Dĩ nhiên, thức còn có nghĩa là tri thức). Vậy, người trí thức là người không ngủ. Họ không ngủ, nên họ cũng làm cho xã hội không ngủ. Nói cách khác, trí thức [nói đơn giản và cho dễ hiểu] là người làm cho xã hội lúc nào cũng thức tỉnh.
Không cần phải có bằng cấp đại học mới làm cho xã hội thức tỉnh. Cũng chẳng cần phải làm nghề sư sĩ mới làm cho xã hội thức tỉnh. Nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, nhà sư, linh mục, nông dân, dân oan, v.v…tất cả đều có thể làm cho xã hội thức tỉnh.
Có những người có bằng cấp đại học, thậm chí tiến sĩ, có khi cả giáo sư, nhưng họ không làm cho xã hội thức tỉnh; ngược lại, họ ru ngủ xã hội. Thật ra, bản thân họ cũng không thức tỉnh, và hay ru ngủ rằng 'chỉ quan tâm đến chuyên môn'. Những người này không nằm trong phạm vi định nghĩa của hai chữ 'trí thức' đích thực.
Những bậc trí thức đích thực thường là những kẻ 'vượt biên' (chữ của anh bạn Nguyễn Ngọc Tuấn). Vượt biên ở đây có nghĩa là vượt ra khỏi lằn ranh chuyên môn. Trí thức đích thực là những kẻ vượt rào, quan tâm đến những vấn đề ngoài chuyên môn của họ. Tiêu biểu cho nhóm này là Noam Chomsky (nhà ngôn ngữ học) và Albert Einstein (nhà vật lý học) vì họ quan tâm đến các vấn đề chánh trị - xã hội, hoàn toàn ngoài chuyên môn của họ. Họ làm cho xã hội và cả nhà cầm quyền thức tỉnh vì họ có những cái nhìn mới từ kẻ 'ngoại đạo', không bị giới hạn và tiêm nhiễm bởi cái nhìn của người trong cuộc.
Trí thức là người không ngủ, bởi vì từ bản chất họ là những kẻ hoài nghi - nhưng hoài nghi lành mạnh. Vì hoài nghi, nên họ nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Chính vì bản tánh này mà họ làm cho nhà cầm quyền khó chịu. Những người theo quan điểm 'Dân chi phụ mẫu' (quan chức như cha mẹ của dân) rất bực mình với nhóm trí thức này, vì họ lúc nào cũng thấy bất ổn, chất vấn và đặt vấn đề, trong khi giới quan chức thì thấy là ổn định.
Tóm lại, trí thức là người lúc nào cũng tỉnh thức, trăn trở, không hài lòng với hiện tại và lúc nào cũng lo lắng đến tương lai. Người trí thức làm cho xã hội phải trăn trở và tỉnh thức như họ. Hiểu như vậy để thấy tuyệt đại đa số những người hành nghề dưới danh xưng 'sư sĩ' hay 'nhà' không phải là trí thức.
NGUYỄN VĂN TUẤN 01.01.2024
No comments:
Post a Comment