Tuesday, January 23, 2024

Giáo dân Cồn dầu vừa đến Mỹ tị nạn: “Các con khủng hoảng tinh thần khi chứng kiến cha mẹ bị đàn áp”
2024.01.23
RFA

Giáo dân giáo xứ Cồn Dầu khiếu kiện nhiều năm ở Hà Nội.
Facebook Huynh Trường

“Chính sự xuống đường của chúng tôi hàng ngày ở Hà Nội lại gây ra sự cản trở và khó chịu cho chính quyền. Từ đó, chính quyền có những biện pháp mạnh tay hơn đối với tôi và gia đình. Thứ nhất là họ cho người canh cửa, thứ hai là sách nhiễu vợ con của tôi.

Chính bản thân của tôi bị đánh đập rất nhiều lần. Từ đó tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải rời bỏ đất nước để mà ra đi thôi, chứ nếu tôi ở lại thì chắc chắn là sẽ ngồi tù.” 

Ông Huỳnh Ngọc Trường, một giáo dân Cồn Dầu (Đà Nẵng), vừa đến Mỹ tị nạn hôm 19/1 chia sẻ với RFA về câu chuyện của mình, ông đã đấu tranh đòi đất như thế nào, bị đàn áp ra sao đến mức phải rời bỏ đất nước.

Tị nạn theo một thoả thuận giữa Mỹ - Việt

Ông Trường là một trong hai nhân vật được đưa đến Hoa Kỳ theo một thỏa thuận đàm phán trước chuyến thăm Hà Nội của tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9/2023. Reuters dẫn nguồn tin từ hai quan chức Hoa Kỳ giấu danh tính cho biết gia đình của họ dự kiến sẽ được tái định cư ở Mỹ theo chương trình tị nạn “Ưu tiên 1” (Priority 1).

Chỉ khi truyền thông rầm rộ đưa tin về chuyện có hai nhà hoạt động  sẽ được đi Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Biden thì ông Trường mới nhận ra mình chính là một trong hai trường hợp này. Trước đó, trong những lần trao đổi với nhân viên sứ quán Hoa Kỳ, không ai nói gì với ông về chuyện có hay không một thoả thuận giữa hai chính phủ Việt - Mỹ. Ông Trường nói với RFA: 

“Cho đến khi sau chuyến thăm của Tổng thống Biden (đến Hà Nội - PV) thì tôi mới biết tôi được dùng làm món hàng để trao đổi, chứ trước đó tôi chỉ biết là Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận đơn xin tị nạn của tôi.”

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, khi được yêu cầu bình luận về thông tin trên, đã trả lời RFA qua email rằng “Vì lý do bảo mật và quyền riêng tư, chúng tôi không thể cung cấp thông tin cụ thể về trường hợp này.”

Phóng viên RFA cũng gởi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng chưa nhận được hồi đáp ngay.

Tiếp tục đấu tranh dù ở hoàn cảnh nào

Screen Shot 2024-01-24 at 1.50.48 AM.png
Ông Trường nhiều lần ra Hà Nội khiếu kiện đòi đất. Ảnh: Facebook Huỳnh Trường

Từ tiểu bang North Carolina, ông Trường cho biết, ông làm hồ sơ tị nạn sau khi bị cấm xuất cảnh và tịch thu passport (hộ chiếu) từ năm 2019. Sau hai lần phỏng vấn bởi đại diện của Cao uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc và Sứ quán Mỹ, ông Trường được Hoa Kỳ chấp thuận cho ông và cả gia đình được định cư ở đất nước này vào cuối năm 2023.

Ông Trường được chính quyền Hà Nội trả lại passport vào cuối năm 2023, cùng lời nhắn rằng nên ra đi trong im lặng và đừng có phản ứng, phát biểu gì chỉ trích Nhà nước Việt Nam.

Đáp lại, ông Trường và gia đình vẫn tiếp tục ra Hà Nội khiếu kiện dù đã sắp sửa rời khỏi Việt Nam. Ông nói:

“Lần này thì họ mạnh tay hơn, đã bắt tôi rất nhiều lần. Họ tịch thu điện thoại và điều tra tôi suốt ba tuần. Nếu không có sự can thiệp của tổng lãnh sự và các cơ quan quốc tế khác thì tôi nghĩ là mình sẽ ngồi tù.”

Đồng thời khẳng định mình sẽ tiếp tục đấu tranh dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào:

“Thường thì họ chọn cách im lặng để ra đi. Nhưng mà đối với tôi, khi tôi thấy sự không công bằng và quyền tự do ngôn luận của tôi bị hạn chế thì tôi không thể chấp nhận chuyện đó được, mình phải ct lên tiếng nói dù bất cứ ở một đất nước nào, bất cứ một hoàn cảnh nào. Cho nên tôi vẫn tiếp tục.”

Khi được hỏi phía Sứ quán Hoa Kỳ phản ứng thế nào mỗi lần ông bị bắt, bị câu lưu vì đi khiếu kiện dù đã sắp rời Việt Nam, ông Trường cho biết:

“Tổng lãnh sự có nói chuyện với tôi nhưng mà họ vẫn nói là tôn trọng quyền tự do ngôn luận của tôi và bảo vệ đến cùng. Cho dù tôi có biểu tình hay bị cái gì đi nữa thì vẫn bảo vệ anh đến cùng. Tự do tôn giáo và nhân quyền là lẽ đương nhiên.”

Con cái khủng hoảng tinh thần

Nói về lý do từ bỏ quốc tịch Việt Nam, xin tị nạn ở xứ cờ hoa, ông Trường cho biết chuyện bắt đầu từ năm 2010, chính quyền Đà Nẵng đã đàn áp mạnh tay giáo dân Cồn Dầu khi người dân định chôn một giáo dân ở nghĩa trang của giáo xứ vì chính quyền quy hoạch khu đất này giao cho doanh nghiệp dù người dân Cồn Dầu không chấp nhận. Vụ đàn áp đã khiến bảy người bị truy tố và nhiều người phải bỏ trốn sang Thái Lan. 

Sau khi một số người tích cực khiếu kiện đòi đất của giáo xứ bị bỏ tù hoặc trốn chạy, ông Trường, cùng với những bà con Cồn Dầu còn lại tiếp tục ra Hà Nội khiếu kiện đòi đất:

“Thì vô hình chung là nó gây sự khó khăn, ghen ghét từ phía chính quyền Đà Nẵng. Từ đó, tôi thành trở thành điểm để người ta chụp mũ, vu khống những tội này tội kia. Cuối cùng chúng tôi chịu không nổi cái đòn đó và chúng tôi chấp nhận xin tị nạn.”

Tháng 11/2018, nhà của ông bị chính quyền Đà Nẵng cưỡng chế đập bỏ để bàn giao đất cho dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Khi chuyển đến nơi ở mới, gia đình ông vẫn luôn bị an ninh theo dõi, canh giữ liên tục: 

“Mặc dù sau khi bị đập nhà chúng tôi phải rời đi chỗ khác nhưng mà vẫn bị an ninh theo dõi liên tục. Họ ngồi trước cửa canh gác rất nhiều ngày, có lúc họ canh cả 15 ngày nửa tháng. Tôi dắt xe đi đâu thì họ chạy theo phía sau.”

Chính vì vậy mà các con của ông đều bị khủng hoảng tâm lý nặng nề. Ông Trường có bốn người con, đứa lớn nhất 15 tuổi, hai bé giữa 11 tuổi và một bé mới ba tháng tuổi. Cả ba bé lớn, vì không chịu nổi sự đe doạ và giám sát liên tục của an ninh nên đã nghỉ học từ ba năm trước:

“Các con của tôi cũng bị ảnh hưởng. Cái sự canh phòng đó giám sát đó làm cho con của chúng tôi rất khiếp sợ. Bao nhiêu lần họ đến nhà sách nhiễu, đe dọa rồi đàn áp. Tất cả những hành động của họ khiến cho con của tôi không thể nào đi học được, và tôi cho nó nghỉ cho đến khi nào ly lại được đất và nhà thì chúng tôi tiếp tục cho các con đi học.”

Không chỉ an ninh trực tiếp đe doạ, một loạt các bài viết trên các tờ báo nhà nước bôi nhọ, chỉ trích ông Trường là “không chấp hành chủ trương của nhà nước, liên tục khiếu kiện, đưa ra những yêu cầu vượt mức quy định của pháp luật mà địa phương không thể đáp ứng.” 

Giờ đây, khi cả gia đình đã đặt chân đến Mỹ, ông Trường cho biết sẽ đi học rồi kiếm việc làm để sớm ổn định, cho các con trở lại trường học.

Tin, bài liên quan
THỜI SỰ

No comments:

Post a Comment