Tuesday, January 2, 2024

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: để thiếu điện là trách nhiệm của EVN, giá điện phải tăng để bù lỗ
2024.01.02
RFA

Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện.
AFP

Ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng tình trạng thiếu điện thời gian qua là trách nhiệm của cá nhân ông và lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời cho biết giá điện phải tiếp tục tăng để bù lỗ cho EVN.

Ông Nguyễn Hoàng Anh thừa nhận trách nhiệm như trên tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Truyền thông loan trong ngày 2/1 cho biết thêm cũng tại hội nghị, ông Hoàng Anh khẳng định nếu không tăng giá điện thì không thể giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.

Liên quan đến đề nghị tăng giá điện để giảm lỗ cho EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết bộ đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024.

Theo ông Tân, trong đó có các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An cho rằng ngành điện và EVN trải qua một năm rất cam go, khó khăn, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng điện đã không hoàn thành khi để xảy ra thiếu điện. Qua đó, ông An nói: “Đây là bài học đắt giá cho EVN”.

Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN, thông báo khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ.

Đáng chú ý trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần (tăng 3% từ 4/5/2023 và tăng 4,5% từ 9/11/2023), do đó giá bán điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 69,22 đồng/kWh so với năm 2022.

Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022.

Ông Tuấn cho biết, sản lượng thuỷ điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.

Còn nhiệt điện than - nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn turbin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỷ trọng 10,3% nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỷ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.

Hiện nay, thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN. 

Theo ông Tuấn, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện. truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh.

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment