Wednesday, January 24, 2024

Bất chấp luật quốc tế, Nga dùng khí độc trên chiến trường Ukraina
Thụy My
Đăng ngày: 24/01/2024 - 07:21
RFI

Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, các đặc phái viên của Le Monde tại nhiều điểm ngoài mặt trận trong bài phóng sự ngày 23/01/2024 báo động tình trạng Nga sử dụng khí độc vốn bị công ước quốc tế cấm đoán. Viện Kiểm sát Ukraina khẳng định trong 626 ca ghi nhận được, có 64 ca quân Nga dùng khí CS. Tuy vậy chính quyền Kiev lại ít đề cập đến.

Ảnh minh họa : Một quân nhân Ukraina trong chiến hào trên tiền tuyến ở vùng Sumy, Ukraina, ngày 20/01/2024. REUTERS - GLEB GARANICH

Matxcơva muốn gieo rắc kinh hoàng

Trung tá Dmytro Klymenko, chỉ huy lữ đoàn đặc biệt số 1 Ivan Bohun, cho biết từ nhiều tháng qua tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Bắt đầu là lựu đạn hơi cay do drone ném xuống và nay là bằng đại bác, trước kia chỉ thả vào những địa điểm khép kín như chiến hào hay xe bọc thép, nay thì khắp nơi. Vị sĩ quan này khẳng định đã phải cấp cứu nhiều chiến sĩ bị thương, và một quân nhân do không đưa ra kịp đã tử vong vì khí độc trong chiến hào. Việc dùng khí độc có hai mục đích : buộc các chiến binh ra khỏi hầm trú ẩn để giết chết họ bằng drone tự sát, và loại ra khỏi vòng chiến càng nhiều người càng tốt. Bởi vì một người lính bị thương không đi nổi cần được bốn đồng đội dìu, như vậy dễ chiếm được một vị trí hơn.

Trung tâm phân tích NRBC chấp nhận tiết lộ thêm một số thông tin. Ngoài hơi cay CS, những vụ tấn công hóa học khác đang được điều tra. Đó là những loại khí gây nghẹt thở, nôn mửa, ngứa ngáy trên da và mắt và nếu đậm đặc sẽ gây phỏng. Một người lính Ukraina đã bị mù sau khi phỏng mắt vì khí. Đại úy Dmytro Serhiyenko khẳng định việc dùng khí độc gần đây đã trở thành « chiến thuật chung » của quân Nga, thậm chí cẩm nang sử dụng còn được phổ biến trên các mạng xã hội. Trưởng bộ phận điều tra của Viện Kiểm sát ở Kiev, Yuriy Belousov, cho biết hầu như tất cả khí CS đều từ lựu đạn K-51.

Nhiều chiến binh bực tức vì chính phủ không thẳng thừng tố cáo tội ác này của quân Nga. « Họ luôn nói về những tin tốt lành, còn chúng tôi hàng ngày sống trong địa ngục ». Một sĩ quan cho rằng chính quyền muốn binh lính giữ vững tinh thần, nhất là sau một năm đầy khó khăn và chuẩn bị động viên. Bởi vì, như đại úy Dmytro Serhiyenko nhận xét, « mục tiêu của việc dùng khí độc là gieo rắc kinh hoàng ».

Kim Jong Un quyết định gây xung đột…

Tại châu Á, Le Figaro nói về « Mối đe dọa chiến tranh từ Kim Jong Un khiến phương Tây lo ngại ». Nhà độc tài Bắc Triều Tiên liên tục có những hành động khiêu khích như sắp lao vào một cuộc xung đột.

Từ đầu năm Bắc Triều Tiên đã có những hành động thù địch : oanh kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, hăm he « chiếm đóng toàn bộ » nước anh em tư bản chủ nghĩa, dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Từ nay Hàn Quốc bị ghi vào Hiến Pháp là « quốc gia thù địch số một », Bình Nhưỡng quay lưng lại với mục tiêu « thống nhất » xưa nay, làm sống lại bóng ma chiến tranh Triều Tiên. Thứ Sáu tuần trước, Bắc Triều Tiên loan báo thử nghiệm một hệ thống vũ khí nguyên tử dưới biển để trả đũa cuộc tập trận của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson với Hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy chế độ Bắc Triều Tiên vẫn thường có những hành động thị uy, lần này trong bối cảnh Mỹ bận bịu với cuộc chiến Gaza và Ukraina, « Kim Jong Un đã có quyết định chiến lược là gây xung đột » - theo hai nhà nghiên cứu Robert Carlin và Siegfried Hecker,  từng phát hiện địa điểm nguyên tử ở Yongbyon năm 2010. Kim Jong Un  có thể tiến hành những hành động « vượt khỏi mọi sự tính toán của chúng ta » và liên kết với Matxcơva.

…Hay chỉ là « chiến tranh tâm lý » ?

Bình Nhưỡng sở hữu 50 đến 60 đầu đạn nguyên tử, đã thử nghiệm một hỏa tiễn ICBM mới là Hwasong 18, và hôm 14/01 đến lượt hỏa tiễn tầm trung (IRBM) trang bị đầu đạn siêu thanh khó phát hiện. Những tiến bộ này được tuyên truyền ầm ĩ nhưng khó thể xác định được. Nhiều người cho rằng Kim Jong Un muốn phục thù sau khi thất bại trong cuộc gặp Donald Trump ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang của Sejong Institute cho rằng « Bắc Triều Tiên rất tự tin với những tiến bộ vũ khí, nhất là chiến tranh ở Ukraina bộc lộ sự hạn chế của viện trợ Mỹ cho các đồng minh ». 

Theo ông Cheong, Kim Jong Un không còn muốn đàm phán với Hoa Kỳ, mà nay có thể dựa vào Nga và Trung Quốc. Còn theo Jean Lee, cựu giám đốc văn phòng Associated Press ở Bình Nhưỡng, Kim Jong Un vẫn hy vọng được đàm phán với Trump. Nhưng nhà nghiên cứu Go Myong Hyun ở Seoul cho rằng, đây chỉ là « chiến tranh tâm lý » của Bắc Triều Tiên, lợi dụng dịp bầu cử và có sự hỗ trợ của Nga. Hàn Quốc sẽ bầu Quốc Hội vào tháng Tư và Mỹ bầu tổng thống tháng 11.

« Thống chế » có thể đi xa đến đâu ? Tuy việc xâm lăng một láng giềng -có hiệp ước hỗ tương quốc phòng với Washington và sở hữu kho vũ khí thuộc loại tiên tiến nhất - có thể coi là tự sát, nhưng Bắc Triều Tiên có thể oanh kích để thử phản ứng của Mỹ, tiếp tục đòi hỏi năm hòn đảo tranh chấp ở Hoàng Hải.

Putin, « người bạn thiết của nhân dân Bắc Triều Tiên » thăm Bình Nhưỡng

Trong khi đó Vladimir Putin sắp được tiếp đón trọng thể tại quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) ở Bình Nhưỡng. Hôm Chủ nhật chế độ độc tài loan báo « Người bạn thân thiết nhất của nhân dân Triều Tiên » đã chấp nhận lời mời của Kim Jong Un – một cách vừa thách thức phương Tây vừa « đá xéo » Trung Quốc của Tập Cận Bình. Tuần trăng mật giữa « lãnh tụ tối cao » và ông chủ điện Kremlin bắt đầu từ cuộc gặp ở Xibêri tháng Chín năm ngoái. Sự kiện này xác nhận việc Bắc Triều Tiên cung cấp đạn cho quân đội Nga trên chiến trường Ukraina, đổi lại được Matxcơva trợ giúp trong lãnh vực không gian.

Từ tháng 10/2023 Mỹ khẳng định Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga trên 1.000 container vũ khí, đạn dược. Đáng lo nhất là trong đó có nhiều hỏa tiễn. Loại KN-23 tương đương với hệ thống đạn đạo Iskander của Nga, có thể phóng đầu đạn 500 kg xa 450 kilomet, loại KN-24 tầm xa 410 kilomet, và các hỏa tiễn tương tự như MGM-140 Atacms của Mỹ. Kênh truyền hình dân tộc chủ nghĩa Nga Tsargrad đưa tin này từ tháng 11 năm ngoái, nói rằng Matxcơva còn nhận được « vũ khí bí mật » KN-25, là loại rốc-kết phóng loạt (MLRS) dùng loại đạn lên đến 600 ly, độc nhất trên thế giới...

Theo phía Mỹ, Nga đã dùng hỏa tiễn Bắc Triều Tiên trong đợt tấn công quy mô vào Ukraina vừa qua. Cụ thể hôm 30/12 một tên lửa của Bắc Triều Tiên đã rơi xuống Zaporijia và ngày 02/01 thêm nhiều hỏa tiễn khác bắn vào lãnh thổ Ukraina. Nhưng trang Grey Zone vốn thân cận với Wagner nói rằng trên thực tế vũ khí từ kho tồn trữ cũ của Bắc Triều Tiên « đúng là đồ hàng mã », không đánh trúng mục tiêu và lượng thuốc súng thì ít hơn so với thông tin.

Matxcơva hy vọng bớt lép vế trước Bắc Kinh

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên lần đầu tiên từ 24 năm qua gây lo ngại một sự leo thang trên bán đảo và một mặt trận mới tại Đông Á, trong bối cảnh Nga đối đầu với Hoa Kỳ và đồng minh. Vấn đề là Vladimir Putin có tìm cách tăng cường quan hệ để làm đối trọng với phương Tây ở châu Á-Thái Bình Dương hay không. Bắc Kinh và Washington đều theo dõi hồ sơ này, thêm một trắc nghiệm sau Đài Loan và Biển Đông. Đang gặp khó khăn kinh tế, Trung Quốc không mấy ưa việc hai láng giềng ở đông bắc xích lại gần nhau, tuy cùng chống Mỹ, nhưng lại đe dọa sự ổn định ở biên giới.

Chuyên gia Nga Dmitry Mosyakov nhấn mạnh, một khối không chính thức Nga-Trung Quốc-Bắc Triều Tiên sẽ đối đầu với nỗ lực của Mỹ liên kết với Philippines, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc về quân sự. Một liên minh như vậy đã có từ thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Trung Quốc cung cấp lính và vũ khí, Nga yểm trợ trên không và các phương tiện khác. Tất nhiên, tình hình bây giờ khác, Nga đang khốn đốn với Ukraina nên không ham mở thêm một cuộc xung đột mới. Nhưng tam giác Đông Á này, với Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí nguyên tử, là hòn sỏi khó chịu trong chiếc giày Bắc Kinh. Một lá bài mà Matxcơva đặt hy vọng, trong lúc quan hệ với Trung Quốc ngày càng bất lợi.

Bối cảnh bất ổn này nhắc lại mùa hè 1950, khi ông nội của Kim Jong Un gây chiến với miền nam, được Stalin bật đèn xanh nhưng Mao do dự. Thời đó Washington tỏ ra nhập nhằng trước bức màn sắt ở châu Âu. Tính toán sai lầm của Kim Nhật Thành đã làm 3 triệu người chết, trong cuộc « xung đột nóng » đầu tiên của chiến tranh lạnh.

Nikki Haley, cơ hội cuối cùng của cánh hữu chống Trump

Nhìn sang Hoa Kỳ, các báo đều chú ý đến việc bà Nikki Haley đang « chơi ván bài cuối cùng » trước ông Donald Trump ở New Hampsphire, sau khi ông Ron DeSantis bỏ cuộc và tuyên bố ủng hộ ông Trump. La Croix coi New Hampsphire là « Cơ hội cuối cùng của cánh hữu chống Trump », Libération nói về « Nikki Haley, đối thủ cuối cùng của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ »Les Echos tự hỏi, liệu chiến dịch tranh cử sơ bộ có dừng lại tối nay hay không, sau cuộc bỏ phiếu tại bang này ?

Sau Iowa, mà Trump đã chiến thắng tại 98/99 hạt, New Hampsphire chỉ mới là bang thứ hai, nhưng chừng như đã mang tính quyết định. Cử tri độc lập khá nhiều tại đây, nhưng khoảng cách trong thăm dò khá lớn : 50 % cho Donald Trump và 39 % cho cựu thống đốc Nam Carolina. Các nhà tài trợ đang dòm ngó để xem có thể đầu tư tiếp hay không. Một người nhận xét, người ta đi bầu khi hào hứng hoặc phẫn nộ, nhưng hiện nay nhiệt tình chỉ có ở phía ông Trump. The Wall Street Journal dự báo cựu tổng thống có thể được đảng Cộng Hòa đề cử chính thức từ ngày 19/03.

Libération nhận thấy trong thời điểm bình thường thì Nikki Haley là một ứng cử viên tuyệt vời : nghiêm túc, quyết tâm, tài năng, hai lần là thống đốc Nam Carolina, kiến thức đối ngoại hơn hẳn các ứng cử viên khác. Nhưng 2024 không phải là một năm bình thường, « cuộc cách mạng Trump » đã đạt đến mức kiểm soát được đảng Cộng Hòa, và chưa ai tìm được chiến lược đúng đắn để thắng ông Trump. Đối đầu như Chris Christie, bắt chước như Vivek Ramaswany, cạnh tranh như Ron DeSantis đều đã thất bại. Nikki Haley thành công hơn khi tránh tấn công trực diện Donald Trump, nhưng rốt cuộc bà đã « quên rằng vì sao lại ra ứng cử » chống lại Trump.

No comments:

Post a Comment