Friday, December 1, 2023

VNTB – Hôm nay 1-12, Ngoại trưởng Vương Nghị có mặt ở Hà Nội
Đông Đô
01.12.2023 7:52
VNThoibao



(VNTB) – Vương Nghị chuẩn bị ‘dọn đường’ cho chuyến thăm Hà Nội của Tổng bí thư Tập Cận Bình

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng chủ trì phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc tại Hà Nội từ ngày 1 đến 2-12.

Dự kiến ông Vương Nghị sẽ chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; hội kiến với Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Tin tức hậu trường cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đến Hà Nội lần này còn có trọng trách của ‘sứ giả’ cho việc chuẩn bị ‘dọn đường’ cho chuyến thăm Hà Nội của Tổng bí thư Tập Cận Bình trễ lắm là vào đầu năm 2024, tức trước kỳ họp bất thường của Quốc hội Việt Nam khóa XV.

Luật gia Hoàng Việt – chuyên gia thuộc Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đưa ra bình luận nhanh như sau về việc Vương Nghị có mặt ở Hà Nội: “Chúng ta đã thấy cho đến thời điểm này những vấn đề căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam ở trong tình trạng cố gắng hạn chế ở mức tối đa. Có lẽ để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam bên Trung Quốc sẽ kiềm chế tối đa để bầu không khí khi ông Tập Cận Bình đến Việt Nam sẽ được ôn hòa hơn”.

Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Tuy nhiên, hai nước trong nhiều thập kỷ qua cũng có những căng thẳng mà nổi bật nhất là cuộc chiến biên giới năm 1979 và những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam trong các năm qua đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở hai quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông là Hoàng Sa và Trường Sa.

Các nguồn tin thân cận cho biết chuyến thăm Hà Nội lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị còn nhằm tiếp tục thảo luận về việc cùng nhau tồn tại trong một “cộng đồng có chung vận mệnh”, một cụm từ thường được ông Tập sử dụng và một số người thấy gây tranh cãi. Có tin cho biết, các quan chức Việt Nam thận trọng khi thêm tài liệu tham khảo đó.

Với tư cách là chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tới Việt Nam hai lần, với chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương với Donald Trump, Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác.

Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam, về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%). Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 2,1 tỷ USD với 478 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam. Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26 tỷ USD.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Từ ngày 15-3-2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội – Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.

Trong chuỗi sự kiện ngoại giao liên quan thì tin tức cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã qua đời vào ngày 29-11 (giờ Mỹ) tại nhà riêng ở bang Connecticut, hưởng thọ 100 tuổi cũng ít nhiều cho thấy khả năng ‘điều chỉnh’ các dự tính công du của ông chủ Tử Cấm Thành. Hồi 20-7-2023, ở tuổi 100 ông Henry Kissinger vẫn thăm Trung Quốc, được Tập “âu yếm” gọi là “người bạn cũ” của Bắc Kinh.

Với thế giới, Henry Kissinger  là chính khách tài năng nhưng với Việt Nam ông có nhiều nợ nần, nhiều người không có thiện cảm với ông. Nhiều người ca ngợi Kissinger vì sự thông minh và kinh nghiệm chính trường, nhưng có một số người coi ông là tội phạm chiến tranh vì ủng hộ các chế độ độc tài.

Một thế kỷ trên trần thế ông đủ thời gian lật tung cả thế giới, nhưng với Việt Nam ông có nhiều nước đi sai lầm, ảnh hưởng cho tới hôm nay. Liệu Tập Cận Bình sẽ ‘khai thác’ những sai lầm đó từ “người bạn cũ của Bắc Kinh” cho chuyến công cán Việt Nam sắp tới đây? – một chính khách mà mặc dù nghĩa tử là nghĩa tận, song thể chế miền Nam Việt Nam sẽ tiễn bằng câu “cút về địa ngục mà gặp lại Hitler!”…


No comments:

Post a Comment