Mai Quang Hiền - Thực phẩm sạch và cái giá của niềm tindimanche 31 décembre 2023
Thuymy
Kinh doanh thực phẩm sạch không khác gì húc đầu vào đá tảng.
Nếu tư duy theo cách thông thường, rằng khi vấn đề an toàn thực phẩm rất đáng lo ngại, thì kinh doanh thực phẩm sạch sẽ là một cơ hội tốt.
Nhưng không, trong bối cảnh mà niềm tin đã trở nên đắt đỏ, thì kết quả sẽ trở thành ngược lại.
Người tiêu dùng không thể bằng mắt thường mà phân biệt được thực phẩm sạch hay bẩn, trong khi "công cụ xác nhận" lại không giúp họ yên tâm, thì họ không biết bấu víu vào đâu ngoài thông tin quảng cáo. Sẽ rất ít người sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua thực phẩm sạch, trong khi không biết và không tin được rằng nó có sạch thật hay không?
Nếu cơ quan chức năng nào đó đủ uy tín để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được thực phẩm sạch hay bẩn, thì doanh nghiệp sẽ không cần phải tốn ngân sách khổng lồ cho marketing. Và chỉ khi đó, giữa giá cả và niềm tin mới cân bằng, đường cầu về thực phẩm sạch sẽ dịch chuyển để tạo ra mức giá tốt và sản lượng đủ để doanh nghiệp tồn tại.
Còn khi mà cái giá của niềm tin đã quá đắt (đồng nghĩa doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều tiền để có được niềm tin của người tiêu dùng), thì doanh nghiệp làm thực phẩm sạch khó lòng mà sống được nếu không làm láo.
TP HCM mới có quyết định thành lập hẳn một sở chỉ để phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm. Chắc rằng lãnh đạo thành phố cũng đã nhìn ra vấn đề. Khi chỉ số niềm tin thấp, thì tất cả đều phải trả giá, chứ không riêng gì doanh nghiệp hay người tiêu dùng.
Bản thân khái niệm "thực phẩm sạch" đã nghe rất mỉa mai và xót xa trong một thế giới văn minh. Còn khi thị trường đã phải mang yếu tố "sạch" ra để quảng cáo cho sản phẩm như một sự khác biệt hiếm hoi và ưu việt, thì chúng ta phải biết tự thương xót lấy chính mình!
MAI QUANG HIỀN 31.12.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment