Các nhà sử học ngầm thách thức quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Nguồn: Ian Johnson, “Who Gets to Tell China’s Story?,” Foreign Affairs,
19/12/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vietluan
Với nỗi tuyệt vọng sâu sắc, Phương đã viết “Chứng mất trí nhớ của Trung Quốc” (bản dịch tiếng Anh: The Chinese Amnesia), một bài tiểu luận giải thích tại sao những bi kịch cứ liên tục ập đến với Trung Quốc. Ông cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kiểm soát lịch sử một cách gắt gao đến mức đại đa số người dân vẫn không nhận thức được chu kỳ bạo lực bất tận của đảng này. Kết quả là người dân chỉ biết được những gì bản thân họ đã trải qua, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tuyên truyền của đảng, “Theo cách này, cứ khoảng một thập niên, bộ mặt thật của lịch sử sẽ bị xóa hoàn toàn khỏi ký ức của xã hội Trung Quốc,” Phương nhận xét. “Đây là mục tiêu của chính sách ‘Lãng quên Lịch sử’ của Cộng sản Trung Quốc.”
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc ngày nay ủng hộ cách nhìn nhận của Phương. Họ cho rằng quyền kiểm soát lịch sử của ĐCSTQ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi vì đảng hiện được hỗ trợ bởi một nhà nước kỹ trị hùng mạnh hơn, được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo cam kết minh oan cho quá khứ. Trong khi đó, hệ thống giám sát quốc gia rộng lớn luôn để mắt tới bất kỳ ai có quan điểm khác biệt về quá khứ hoặc hiện tại. Chứng mất trí nhớ của Trung Quốc dường như đã trở thành bệnh kinh niên.
Tuy nhiên, quan điểm này là sai. Phương đã mô tả chính xác Trung Quốc ở thời điểm đầu thập niên 1990. Nhưng một vài năm sau đó, mô hình xóa bỏ lịch sử này đã bắt đầu bị phá vỡ. Lý do chính là sự nổi lên của phong trào sử gia công dân, những người đang thách thức sự kiểm soát lịch sử của đảng. Nền tảng cho những nỗ lực của họ là hai công nghệ kỹ thuật số cơ bản mà chúng ta thường không để tâm đến: PDF và máy ảnh kỹ thuật số. Vì quá phổ biến trong cuộc sống hiện đại nên chúng thường dễ bị bỏ qua, tuy nhiên, chúng đã thay đổi căn bản cách ký ức lịch sử được bảo tồn và lan truyền ở các quốc gia độc tài như Trung Quốc. Chúng cho phép người ta hồi sinh những cuốn sách bị cấm hoặc không còn xuất bản, và tạo ra những ấn phẩm mới mà không cần máy in hay máy photocopy. Chúng cũng giải phóng các nhà làm phim khỏi những thiết bị cồng kềnh và đắt tiền, mà trước đây chỉ các hãng phim hoặc hãng truyền hình mới có thể mua được. Kết quả là hai thập niên tràn ngập sách báo, tạp chí, và phim ảnh được làm trên máy tính xách tay và được chia sẻ khắp nơi qua email, tập tin, và thẻ nhớ.
Những công cụ này đã được chứng minh là vũ khí thời hiện đại của kẻ yếu, cho phép một nhóm người nổi lên đối đầu với chính phủ về vấn đề nguồn gốc của tính chính danh: cách thể hiện lịch sử giống như thần thoại. Theo câu chuyện huyền thoại hóa của đảng về quá khứ, ĐCSTQ đã lên nắm quyền vào giữa thế kỷ 20 để cứu đất nước Trung Hoa, và sau đó tiếp tục điều hành đất nước nhờ thành tích gần như không tì vết. Khi quảng bá câu chuyện này, đảng có những lợi thế to lớn, bao gồm độc quyền về truyền hình, phim ảnh, xuất bản, và chương trình giảng dạy ở trường học. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản các sử gia công dân tiếp tục thách thức nhà nước ngay cả vào thời nay, dưới sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã coi việc kiểm soát lịch sử là một trong những chính sách đặc trưng của mình.
Các sự kiện như biểu tình “giấy trắng” hồi năm ngoái, nhằm chống lại lệnh phong tỏa COVID và nền kinh tế đang chậm lại, đã cho thấy cách một lượng lớn người dân Trung Quốc nhìn thấu sự tư lợi trong câu chuyện quá khứ của chính phủ. Các nhà tuyên truyền của chính phủ có thể đưa phiên bản thực tế của họ lên các kênh truyền thông chính thức, hoặc cản đường những thông tin không mong muốn. Hình thức kiểm duyệt phức tạp này đồng nghĩa là hầu hết người dân vẫn đồng ý với phiên bản sự kiện của chính phủ. Tuy nhiên, hiện đã có đủ người được tiếp cận với những cách giải thích khác nhau để thúc đẩy việc đặt câu hỏi cho chính phủ một cách sâu rộng và thường trực. Những nỗ lực ngày càng mạnh tay của đảng nhằm kiểm soát lịch sử đã chứng minh sức mạnh của cuộc nổi dậy này, vốn được Tập coi là một cuộc đấu tranh sinh tử mà đảng phải giành chiến thắng bằng mọi giá.
XOÁ BỎ TẤT CẢ
Kể từ thời Mao Trạch Đông, ĐCSTQ đã sử dụng những huyền thoại để giải thích quá khứ gần đây của họ. Thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Nạn đói lớn, từ năm 1959 đến năm 1961, giết chết tới 45 triệu người, gấp khoảng 20 lần số người chết trong Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, về mặt chính thức, cái được gọi là “Ba năm Đói kém” này chỉ giết chết vài triệu người, và lý do chỉ là vì thiên tai và sự rút lui của các cố vấn Liên Xô. Nói cách khác, đảng vô tội. Tuy nhiên, quan điểm xuyên tạc lịch sử này đã bị hầu hết các nhà sử học hàng đầu ở cả trong và ngoài nước bác bỏ, chưa kể đến những người đã sống qua thời kỳ đó. Họ biết rõ rằng nạn đói xảy ra do chính sách kinh tế ảo tưởng của Mao, buộc nông dân phải theo đuổi các chiến lược công nghiệp và nông nghiệp viển vông, khiến mùa màng bị phá huỷ suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, cho đến gần đây, khác biệt này không phải là vấn đề lớn đối với đảng, vì nó chỉ tạo ra sự xa cách ở một vài nhóm nhỏ – một số người có thể biết phiên bản của đảng là sai sự thật, nhưng hầu hết mọi người chỉ biết đến phiên bản của đảng mà thôi. Nhưng các sử gia không chính thức của Trung Quốc đã làm lung lay cách giải thích của đảng trong một loạt các sự kiện bước ngoặt quan trọng trong gần 75 năm cai trị của ĐCSTQ. Chúng bao gồm các vụ thảm sát trong thập niên 1940 và 1950 chống lại tầng lớp quý tộc từng điều hành các vùng nông thôn (mà đảng gọi là chiến dịch chống “địa chủ”), Nạn đói lớn, Cách mạng Văn hóa, Thảm sát Thiên An Môn, và gần đây nhất là phong toả COVID-19.
Một trụ cột của phong trào phản lịch sử này là tạp chí sinh viên ra đời vào năm 1960, có tên là Tinh Hoả (tên tiếng Anh: Spark). Tạp chí được thành lập bởi những sinh viên đã bị cuốn vào một chiến dịch hồi những năm 1950, nhằm chống lại tầng lớp trí thức của Trung Quốc, đày những người này đến miền tây đất nước. Tại đó, họ đã tận mắt nhìn thấy hậu quả của Nạn đói lớn: ăn thịt đồng loại, chết đói hàng loạt, và các quan chức quá sợ Mao nên không dám báo cáo sự thật. Họ thành lập tạp chí với hy vọng khơi dậy sự phản đối chế độ độc đảng, xuất bản các bài báo chống chế độ chuyên quyền (despotism), viết về sự thiếu tự do ngôn luận, và sự bất lực của nông dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay sau khi Tinh Hoả ra mắt, chính quyền đã đóng cửa và tịch thu tất cả các bản sao của tạp chí này. Bốn mươi ba người bị bắt, ba người bị hành quyết, và số còn lại bị đưa đến các trại lao động. Sau khi Mao qua đời vào năm 1976 và những nhân vật tương đối ôn hòa lên nắm quyền, đảng đã bù đắp một phần cho những hành vi quá đáng của thời kỳ đó. Một số người đã được phép xem hồ sơ nhân thân của mình, hay còn gọi là đương án, loại hồ sơ mà nhà nước dùng để giám sát mọi công dân, chứa đựng đủ loại thông tin từ điểm thi trung học đến án tích. Vào những năm 1980, một trong những sinh viên có liên quan đến Tinh Hoả, Đàm Thiền Tuyết, đã được xem đương án của mình và nhận ra chính quyền đã lưu giữ các bản sao của mọi thứ dùng để kết án bà một cách vô cùng nghiêm túc. Chúng bao gồm các bản sao của tạp chí, lời thú tội của tất cả các sinh viên, và thậm chí cả những bức thư tình mà bà đã viết cho bạn trai mình, người từng là động lực thúc đẩy tạp chí, và đã bị hành quyết vào năm 1970.
Đàm đã chụp ảnh tất cả các tài liệu trong hồ sơ, nhưng suốt nhiều năm, bà chỉ giữ chúng trong căn hộ của mình. Thế rồi, vào những năm 1990, bạn của bà đã sử dụng những bức ảnh này để tạo thành tệp PDF. Điều đó đã giúp hồi sinh Tinh Hoả ở định dạng kỹ thuật số và cho phép mọi người tìm hiểu về lời phê bình trước đây của sinh viên đối với chế độ độc đảng. Nó cũng cho phép mọi người chia sẻ hàng trăm trang tài liệu của cảnh sát về các sinh viên, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim, nhà báo, và nhà tư tưởng độc lập ở Trung Quốc làm phim, viết sách, và bình luận về các sinh viên và tạp chí của họ. Những ký ức từng là ký ức cá nhân nay trở thành ký ức tập thể – dù không phải đối với tất cả người Trung Quốc, nhưng cũng là một số lượng đáng kể người dân, mà nhiều người trong số đó có trình độ học vấn cao và có ảnh hưởng.
Suốt hai mươi năm qua, việc tái khám phá quá khứ và tạo ra kiến thức lịch sử mới này đã được lặp lại vô số lần. Hàng trăm cuốn sách đã gạt bỏ phiên bản quá khứ của đảng và đang được phổ biến rộng rãi trên mạng, trong khi các nhà quay phim thực hiện những bộ phim tài liệu và lịch sử truyền miệng đầy tham vọng, nhằm bảo tồn những tiếng nói đã từng bị biến mất.
HỌC CÁCH LÊN TIẾNG
Một cách để hiểu mối quan hệ đang thay đổi của Trung Quốc với ký ức lịch sử là tìm hiểu về một trong những nhà văn Trung Quốc vĩ đại nhất trong nửa thế kỷ qua, tiểu thuyết gia Vương Tiểu Ba.
Vương bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi vợ ông, Lý Ngân Hà, người được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về tính dục ở Trung Quốc. Bà đã nghiên cứu và viết về phong trào đồng tính nam và đồng tính nữ ở Trung Quốc, thậm chí trong những năm gần đây còn đứng lên bảo vệ những công dân chuyển giới và song tính. Hai người gặp nhau vào năm 1979 và kết hôn một năm sau đó. Năm 1984, cả hai đến Đại học Pittsburgh, nơi Lý lấy bằng tiến sĩ và Vương lấy bằng thạc sĩ. Khi họ trở về Trung Quốc vào năm 1988, Lý đảm nhận một vị trí tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong khi Vương giảng dạy lịch sử và xã hội học tại Đại học Nhân dân và Đại học Bắc Kinh.
Vào thời điểm diễn ra phong trào sinh viên năm 1989, Vương đã giữ im lặng trước các cuộc biểu tình. Ông đã bị tổn thương sau Cách mạng Văn hóa, và cũng không chắc chắn về phong trào non trẻ mới. Ai là người lãnh đạo nó? Mục tiêu của nó là gì? Giống như nhiều người cùng thế hệ, ông cảnh giác với những phong trào lớn, đôi khi vô trật tự kiểu này. Giữ im lặng đã trở thành chủ đề trong bài tiểu luận nổi tiếng nhất của Vương, “Đa số Im lặng.” Ông mô tả thời đại Mao đã làm mọi người phải im lặng như thế nào trước sự hiện diện khắp nơi của lãnh tụ: những suy nghĩ, ý tưởng, và lời nói của ông ấy trút xuống ngày đêm. Điều đó đã để lại một vết sẹo, mà đối với Vương có nghĩa là, “Tôi không thể tin tưởng những người thuộc xã hội ngôn luận.” Cuộc đấu tranh để tìm ra tiếng nói đã trở thành một hành trình cá nhân đối với Vương và là một câu chuyện ngụ ngôn đối với toàn bộ người dân Trung Quốc.
Đây chính là điều đã thu hút Vương nghiên cứu về cộng đồng người đồng tính ở Trung Quốc. Các nhóm thiệt thòi đã bị bịt miệng. Họ đã bị tước đi tiếng nói. Xã hội đôi khi còn phủ nhận sự tồn tại của họ. Thế rồi, Vương chợt nhận ra: phần lớn xã hội Trung Quốc không có tiếng nói – không chỉ những người có xu hướng tính dục khác biệt, mà cả sinh viên, nông dân, người di cư, thợ mỏ, người dân sống ở các khu đô thị lịch sử sắp bị phá bỏ, và nhiều người khác nữa. Họ không chỉ là thành viên của một vài nhóm lợi ích đặc biệt, mà còn đại diện cho một bộ phận lớn trong xã hội Trung Quốc. Ông viết, “Những người này giữ im lặng vì bất kỳ lý do gì. Một số là vì họ thiếu khả năng hoặc cơ hội để lên tiếng, số khác là bởi họ đang che giấu điều gì đó, và những người khác nữa thì nhận ra mình có sự chán ghét nhất định đối với thế giới ngôn luận.” Ông cũng thêm rằng, “Là một người trong số họ, tôi có nhiệm vụ phải nói ra những gì tôi đã thấy và đã nghe.”
Trên thực tế, Vương bị sốc trước vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và đã tự vấn bản thân vì không ủng hộ những người biểu tình. Nhưng ông tin rằng những người biểu tình, dù họ cao thượng đến đâu, cũng chỉ đại diện cho một cách làm cũ mà ông không còn có thể ủng hộ. Họ tự coi mình là những trí thức xưa, những người muốn gây ảnh hưởng đến nhà nước để rồi tức giận vì bị phớt lờ. Còn Vương nhìn xã hội theo cách khác. Ông tin rằng vấn đề cốt lõi là xã hội đã bị chia cắt thành các nhóm quá yếu để chống lại sức mạnh áp đảo của nhà nước độc đảng. Đây mới là lý do tại sao người Trung Quốc im lặng. Cuối cùng, ông nhận ra rằng mình phải viết về những nhóm này chứ không phải trở thành một trí thức có đặc quyền khác.
ĐI TỪ CƠ SỞ
Vương đã trở thành một trí thức nổi tiếng, người đã viết rất nhiều cho các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Dù ông qua đời chỉ 5 năm sau đó, vào năm 1997, vì một cơn đau tim ở tuổi 44, nhưng ông đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Một trong số những người chịu ảnh hưởng từ ông là học giả nữ quyền và nhà làm phim ngầm Ái Hiểu Minh, tác giả của những bộ phim xoay quanh những nhóm thiệt thòi trong xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như nông dân, nạn nhân bị hãm hiếp, và tù nhân trong trại lao động. Những người khác, chẳng hạn như các nhà văn Diêm Liên Khoa và Liêu Diệc Vũ, cũng bắt đầu mô tả những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, chẳng hạn như các tù nhân và nạn nhân thời Mao. Một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất của Trung Quốc, Giả Chương Kha, thường nói rằng Vương là nhà văn đã truyền cảm hứng cho ông, để kể những câu chuyện cá nhân hơn là những câu chuyện tập thể được nhà nước ưa chuộng.
Bản thân Vương cũng chịu ảnh hưởng của nhiều nhà tư tưởng. Khi còn là một thanh niên lớn lên ở Trung Quốc thời Mao, ông đã bí mật đọc các tác phẩm của Bertrand Russell và nội hoá ý tưởng về tự do cá nhân. Tại Pittsburgh, ông cũng đọc thêm Michel Foucault và mô tả của ông ấy về mối quan hệ quyền lực giữa các cá nhân và nhà nước. Bên cạnh việc tác động đến suy nghĩ của Vương, Foucault cũng giúp giải thích vai trò của chính Vương trong xã hội Trung Quốc. Foucault mô tả cách mà rất nhiều trí thức đã chuyển từ việc giảng dạy về các chủ đề phổ quát kinh điển – như tự do, đạo đức, sự tồn tại – sang các lĩnh vực cụ thể mà họ sở hữu kiến thức chuyên môn. Chính nhờ những kiến thức chuyên môn này, họ có thể can thiệp một cách hiệu quả vào các cuộc tranh luận công khai, thường là thay mặt cho các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người nhập cư, hoặc người nhiễm HIV/AIDS.
Tại phương Tây, bước chuyển đổi này bắt đầu vào giữa thế kỷ XX, nhưng ở Trung Quốc, nó chỉ trở thành hiện thực nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số. Trong thập niên sau cái chết của Vương, các sử gia công dân đã xuất hiện khắp nơi, không chỉ nhờ các tệp PDF và máy ảnh kỹ thuật số giá rẻ, mà còn – trong một vài năm – nhờ Internet tương đối tự do. Điều đó cho phép các blog, bản tin, và mạng xã hội phát triển mạnh, mang lại một nền tảng cho những tiếng nói không chính thức này.
Sự nổi lên của Tập Cận Bình là một phần trong phản ứng dữ dội chống lại kỷ nguyên cởi mở đó. Ông đã trấn áp các đảng viên ương ngạnh, cũng như các tổ chức phi chính phủ, và các cuộc thảo luận về chính sách công. Nhưng một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông là kiểm soát lịch sử. Năm 2013, Tập ra lệnh cấm chỉ trích thời Mao. Năm 2016, ông đóng cửa Viêm Hoàng Xuân Thu, tạp chí phản lịch sử hàng đầu – dù chính cha ông, Tập Trọng Huân, một quan chức cấp cao, từng ủng hộ mạnh mẽ tạp chí này. Và vào năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã viết lại các hướng dẫn về cách mô tả lịch sử, tìm cách che giấu hơn nữa những sự kiện quan trọng như Cách mạng Văn hóa.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh kiểm soát quá khứ ngày một gắt gao hơn, công việc của các sử gia công dân vẫn tiếp tục tiến triển. Trong khi một số cá nhân nổi bật nhất, chẳng hạn như các nhà làm phim Ái Hiểu Minh và Hồ Kiệt, thường xuyên bị quấy rối, thì những người khác vẫn tiếp tục làm việc. Tạp chí lịch sử ngầm có ảnh hưởng nhất, Ký ức (Remembrance), đã xuất bản liên tục dưới dạng PDF kể từ năm 2008; gần đây, nó đã xuất bản số thứ 245.
Không phải ngẫu nhiên mà trong số những “trí thức cơ sở” này lại dễ dàng tìm thấy những tiếng nói nữ giới, như Ái Hiểu Minh, nhà thơ Lâm Chiêu, và nhà văn Giang Tuyết, và những tiếng nói thiểu số, như nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ đang bị cầm tù Ilham Tohti và nhà thơ Tây Tạng Tsering Woeser. Những tiếng nói như của họ thường bị loại khỏi văn hoá chính thống, xuất phát từ truyền thống Nho giáo do nam giới thống trị của giới trí thức người Hán, hoặc thế giới của các đại trượng phu của các tiểu thuyết gia có tên tuổi lớn của Trung Quốc. Trong bài tiểu luận mô tả hành trình cá nhân của mình, Vương Tiểu Ba đã mô tả một sự khác biệt với thế giới của các nhà tư tưởng đại chúng truyền thống. Các trí thức và sử gia công dân không phải là một phần của truyền thống Nho giáo, với những bận tâm “cao cả” dành cho đất nước hoặc nhân dân, mà được thúc đẩy hành động vì lý do cá nhân. Ông viết, “Người tôi mong muốn nâng cao nhất chính là bản thân mình. Điều này thật đáng khinh; nó cũng ích kỷ; và nó cũng đúng.”
Vương chia sẻ động lực này với các nhà tư tưởng cấp cơ sở khác. Nhà báo sau này trở thành nhà sử học Dương Kế Thằng đã chứng kiến cha nuôi của mình chết đói trong Nạn đói lớn, và quyết định rằng công việc cả đời của ông sẽ là ghi lại biến cố khủng khiếp đó. Blogger Lão Hổ Miếu (tên thật Trương Thế Hoà) từng là lao động cưỡng bức trẻ em ở một tuyến đường sắt vào những năm 1960, và sau đó cũng quyết định ghi lại câu chuyện lịch sử của mình. Ái Hiểu Minh thì nhìn thấy những phụ nữ bị áp bức. Còn Giang Tuyết khi biết rằng ông mình qua đời vì đói đã bắt đầu nghiên cứu về nạn đói. Gần đây hơn, nhiều người đã phải chịu đau khổ vì cách chính phủ xử lý sai lầm đại dịch COVID-19 và bắt đầu ghi lại trải nghiệm của mình. Phản ứng này có thể được cho là hẹp hoặc cục bộ, nhưng như Vương đã chỉ ra, đó cũng là cách xã hội thay đổi: bởi mọi người đang cố gắng hiểu và mô tả cuộc sống của chính họ.
Tác động của các nhà sử học ngầm này có thể được đo lường theo hai cách. Một là cam kết của chính phủ trong việc loại bỏ họ. Người ta thường cho rằng những nhà lãnh đạo độc tài có “vốn chính trị” vô tận. Trên thực tế, họ phải lựa chọn trận chiến của mình. Quyết định của Tập Cận Bình coi việc kiểm soát lịch sử là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông cho thấy rằng ông cảm thấy nó là điều quan trọng. Trong các bài phát biểu, ông đã lên tiếng rõ ràng chống lại các xu hướng ở Liên Xô những năm 1980, khi lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, cho phép chỉ trích lịch sử đảng như một phần trong chính sách glasnost, hay công khai hoá. Tập nói rằng bằng cách cho phép chỉ trích lịch sử Liên Xô, hành động của Gorbachev đã khiến ý thức hệ của đất nước trở nên rỗng tuếch. Theo phân tích của Tập, đây là lý do chính khiến Liên Xô sụp đổ – và cũng là lý do tại sao ĐCSTQ phải tiêu diệt các nhà sử học không chính thức.
Các cuộc biểu tình giấy trắng gần đây cho thấy những xu hướng ngầm này có thể gây ra hậu quả chính trị, tạo ra thách thức lớn nhất đối với đảng kể từ cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Chính trong thời kỳ này, các nhà văn như Giang Tuyết đã trở nên cực kỳ nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc. Trước đó, trong sự nghiệp của mình, bà từng viết một bài luận dài trên tạp chí Tinh Hoả, và nhiều bài viết khác để phân tích tình trạng bất ổn phổ biến ở Trung và Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các bài viết trong năm 2022 và 2023 của bà, vốn dựa trên những trải nghiệm này, đã bị cơ quan kiểm duyệt cấm nhưng vẫn được đăng đi đăng lại hàng trăm lần.
Trong lúc Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề khó khăn trên nhiều mặt – tăng trưởng chậm, các vấn đề về nhân khẩu học, và môi trường chính sách đối ngoại căng thẳng – thì những sự kiện như các cuộc biểu tình giấy trắng có thể dần trở thành điềm báo về một thời kỳ mới, biến động hơn. Nhưng chúng cũng gợi ý rằng những công dân bình thường của Trung Quốc đã dần sẵn sàng đặt nghi vấn về những câu chuyện chính thức về quá khứ của đất nước họ, và phát triển những cách diễn giải mới về các lực lượng đang định hình hiện tại và tương lai của đất nước.
Ian Johnson là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn sách “Sparks: China’s Underground Historians and Their Battle for the Future” (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2023). Bài viết này được trích lược từ nội dung cuốn sách.
No comments:
Post a Comment