Friday, December 29, 2023

Trường buộc giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước thôi việc ba tháng sau toà phúc thẩm
2023.12.29
RFA

Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước trước khi bị bắt
Fb Ha Le

Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk ra quyết định buộc thôi việc đối với giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước sau khi ông bị kết án tám năm tù giam và bốn năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước," gia đình cho rằng đây là một quyết định vô lý.

Ông Đặng Đăng Phước, 60 tuổi, là giáo viên âm nhạc của Khoa Giáo dục mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.

Ông bị bắt đầu tháng 9 năm 2022 vì các bài viết trên Facebook cổ suý dân chủ, nhân quyền, và bênh vực các nhà hoạt động, dân oan mất đất. Ông bị Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kết tội trong phiên toà sơ thẩm đầu tháng 6 năm nay và Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên bản án trong phiên phúc thẩm ngày 26/9.

Ba tháng sau phiên phúc thẩm, ngày 21/12, trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk ra quyết định buộc ông Phước thôi việc, với lý do ông bị kết án về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào bản án ngày 26/9.

Vợ của ông Phước, bà Lê Thị Hà, cho rằng quyết định buộc thôi việc của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk là không thoả đáng. Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 28/12:

Những việc anh Phước làm là đúng tránh nhiệm lương tri của một con người. Việc nhà trường quyết định kỷ luật, buộc thôi việc ảnh là hết sức vô lý.

Phóng viên gọi điện cho Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành, Hiệu phó phụ trách của trường, với đề nghị ông giải thích về quyết định kỷ luật ông Phước, được vị lãnh đạo này cho biết trường ra quyết định căn cứ vào Luật viên chức số 58/2010. Tuy nhiên ông từ chối trả lời chi tiết và yêu cầu phóng viên đến cơ quan để được giải đáp.

Điều 57 của luật này quy định “Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Bà Hà cho biết sau khi ông Phước bị bắt, hàng tháng trường chỉ trả ông hơn 4 triệu đồng, bằng nửa số lương mà ông được nhận trước đó cho dù trường không đưa ra bất cứ một văn bản, quyết định nào.

Tháng 12 là lần gần nhất bà nhận được chuyển khoản của nhà trường vào tài khoản ngân hàng của ông Phước. Bà cho rằng trường sẽ không tiếp tục trả lương sau khi buộc ông thôi việc, và điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình, vì hai vợ chồng có hai người con đang là sinh viên trong khi việc thăm nuôi ông trong tù cũng mất nhiều chi phí.

Ông Phước bị chuyển đi thi hành án

Cuối tuần trước, ông Phước đã bị chuyển đi thi hành án ở Trại giam Xuân Phước (tỉnh Phú Yên) mà gia đình không được thông báo.

Bà Lê Thị Hà chỉ được biết việc chồng mình đã bị chuyển đi thi hành án khi đến thăm vào ngày 26/12 ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Đắk Lắk, nơi ông bị giam giữ kể từ ngày bị bắt.

Chiều ngày 27/12, bà Hà nhận được cuộc gọi của chồng từ trại giam. Bà thuật lại nội dung cuộc đàm thoại với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

Anh nói là anh bị chuyển trại vào sáng thứ sáu ngày 22/12. Anh chuyển về đội 9, phân trại số 1 của Trại giam Xuân Phước thuộc huyện Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên.

Cuộc sống trong trại mới thì anh nói cũng ổn và trước tiên là anh đang học nội quy của trại, chưa có làm gì khác.

Sức khoẻ anh ổn, về trại mới anh cảm thấy thoải mái hơn ở Trại tạm giam Đắk Lắk.”

Ông còn cho vợ biết thêm là đang bị giam cùng khu với ông Y Wo Niê- người đang thụ án tù bốn năm chỉ vì đòi quyền tự do tôn giáo của đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên, và 14 người khác.

Bà nói nơi giam giữ mới cách nhà mình khoảng 200 km và phải mất 5-6 giờ đi xe khách vì đường đi rất xấu. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển cho bà biết khí hậu ở khu vực này rất khắc nghiệt, và trại giam này được ví như “thung lũng tử thần” vì sự đối xử nghiệt ngã của giám thị, quản giáo nơi đây nhiều thập niên trước.

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment