Friday, December 29, 2023

VNTB – Phan Quốc Việt có lý trong bài tự bào chữa trước tòa quân sự
Cát Tường
29.12.2023 9:10
VNThoibao



(VNTB) – Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đã thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit Việt Á cung cấp

Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội tiếp tục xét xử 7 bị cáo trong vụ án liên quan đến Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Trong phần tự bào chữa, về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, bị cáo Phan Quốc Việt cho biết, khi xác định tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất kit test “thì một điều rõ ràng là Việt Á thiệt hại”. Bị cáo cho rằng nếu Học viện Quân y làm được quy trình nghiên cứu, sản xuất kit test thì Việt Á không bao giờ đầu tư vào. “Nếu có động cơ thì sẽ không để bị thiệt hại như vậy”, bị cáo Việt nói. Tiếp tục bào chữa, ông chủ Việt Á khẳng định khi người này “xông vào tâm dịch” thì “chấp nhận hy sinh cả tính mạng, nên không có lý do gì để động cơ vụ lợi”.

Theo bị cáo, thời gian đầu chỉ có Việt Á có kit test, không ai có cả. Đến sau này mới có một số đơn vị nhưng không ai đáp ứng được, có chất lượng như Việt Á. “Cả nước cần Việt Á về kit test, chống dịch, tôi nói thẳng điều đó”, bị cáo Việt trình bày.

Tuy nhiên dích dzắc ở vụ án này người đã nghiên cứu để đưa ra quy trình sản xuất mẫu kit test là bà Hồ Thị Thanh Thuỷ – Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Bà Thủy là vợ của ông Phan Quốc Việt.

Theo hồ sơ, khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2-2020, bà Hồ Thị Thanh Thuỷ đã nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu do Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và một số nước khác công bố trên mạng Internet, sau đó, bà Thuỷ đã xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gene đích là N phát hiện vi rút SARS-CoV-2.

Ngày 7-2-2020, bà Thuỷ đã nghiên cứu xong quy trình thành phần tạo nên kit gồm 11 hoá chất và đặt hàng mua các hoá chất để sản xuất kit phát hiện vi rút SARS-CoV-2. Khoảng giữa tháng 2-2020, Phan Quốc Việt cho bà Hồ Thị Thanh Thuỷ từ TP.HCM mang các bộ kit ra Hà Nội để đánh giá chất lượng.

Thời điểm đó, phía Học viện Quân y cũng bước đầu tìm ra quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sử dụng gene đích là P và E và real-time RT-PCR; sử dụng gene đích là P phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Ngày 10-2-2020, Hồ Anh Sơn – khi đó là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y đã ký biên bản bàn giao quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR với Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm theo yêu cầu của Đề tài nhưng không có nội dung chi tiết về công thức mồi và mẫu dò.

Ngày 21-2-2020, Hồ Anh Sơn và Phan Quốc Việt thống nhất cho chạy thử bộ sinh phẩm do nhóm nghiên cứu Học viện Quân y chế tạo và bộ sinh phẩm do Công ty Việt Á mang đến trên máy real-time tại labo phòng thí nghiệm của đơn vị. Khi biết kết quả bộ kit do Việt Á đưa đến có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm Học viện Quân y thì Phan Quốc Việt đã báo kết quả này đến Trịnh Thanh Hùng – cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Vụ án bắt đầu từ đây…

Ngày 2-3-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả giai đoạn 1. Hôm sau, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đã thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit Việt Á cung cấp và kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép để sử dụng phòng, chống dịch.

Ngày 4-3-2020, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký tạm thời để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc. Cũng qua các khâu, cuối cùng ngày 4-12-2020, Bộ Y tế ra quyết định về việc cho phép đánh giá đối với sản phẩm nghiên cứu đề tài. Tiếp đó, các ngày 22, 29-10 và ngày 25-12-2021, các hội đồng đều nghiệm thu và đánh giá kết quả đề tài ở mức “đạt”.

Ngày 21-7-2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ra công văn, nội dung thể hiện: Công thức về quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR, real-time RT-PCR của Công ty Việt Á không phải được tối ưu từ quy trình của Học viện Quân y…

Như vậy vụ án này rất rõ ở tình tiết của tham nhũng khoa học, khi nhân danh quyền lực, người ta sẵn sàng ‘cướp’ tài sản nghiên cứu, bất chấp liêm chính.


No comments:

Post a Comment