Sunday, December 31, 2023

VNTB – Đấu tranh bất bạo động cho nhân quyền Việt Nam
Quang Nguyên
01.01.2024 3:59
VNThoibao



(VNTB) –

 Việt Nam trước đến nay không từ chối sử dụng “bạo lực cách mạng”,  muốn giành thắng lợi bằng mọi giá dù phải hy sinh nhiều thế hệ con em. Cho tới nay chính quyền Việt Nam vẫn dùng bạo lực đối phó với những người bất đồng quan điểm bằng cách đàn áp, bỏ tù, tra tấn hay quản thúc tại gia.

Có một số người cho rằng giải pháp nhanh nhất để chấm dứt chế độ cộng sản độc tài trong nước là sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên sử dụng vũ lực có thể gặp phải nhiều vấn đề khách quan phát sinh về đạo đức, pháp lý, và tác động không dự đoán được. Nó cũng có thể đối diện với giá trị nhân quyền quốc tế. Sử dụng vũ lực thường đi kèm với nguy cơ gây thương tích và mất mạng cho người dân vô tội. Sử dụng vũ lực có thể gia tăng khả năng xung đột và mở rộng quy mô của cuộc đấu tranh, gây hậu quả không lường trước được. Việc này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khó thoát ra và làm trầm trọng thêm tình hình. Một số người cũng cho rằng việc dùng võ lực không hợp lý khi đang đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Cộng đồng quốc tế ưa thích các giải pháp hòa bình, đối thoại, áp lực kinh tế, chính trị quốc tế để đạt được thay đổi xã hội. Rất nhiều người Việt trong và ngoài nước cũng có khuynh hướng không sử dụng võ lực trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền.

Nhiều cá nhân và tổ chức tin rằng, bằng cách đối thoại, đàm phán và áp đặt áp lực quốc tế thay vì đối đầu với bạo lực của cộng sản, sẽ dẫn đến thắng lợi cuối cùng của lẽ phải, dù phải chấp nhận rủi ro và thời gian dài hơn để đạt được mục tiêu.

Mặc dù có những lợi ích trong việc không sử dụng vũ lực, nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng mọi tình huống đều có thể khác nhau, và không có một giải pháp chung cho mọi tình huống. Quyết định này thường đòi hỏi sự đánh giá kỹ lưỡng về bối cảnh cụ thể và các yếu tố quốc tế và nội địa.

Nhiều tổ chức có đường hướng đấu tranh khác nhau tuy cũng một mục đích mưu tìm tự do, dân chủ, nhân quyền cho đối tượng phục vụ. 

Quyết định giữa việc sử dụng “thế” trong tình huống yếu hơn, hay bởi nhiều lý do khác như nhằm vào việc tạo ra sự hòa bình và ổn định thông qua áp lực, thương lượng, và hợp tác, giúp giải quyết xung đột mà không phải sử dụng quân lực, thay vì “lực”, đòi hỏi một chiến lược thông minh và linh hoạt.

*Tạo Áp Lực Quốc Tế thông qua các tổ chức quốc tế, đối thoại ngoại giao, đàm phán để tìm kiếm giải pháp và thỏa thuận giữa các bên xung đột. Các tổ chức như Liên Hợp Quốc thường tổ chức các cuộc đàm phán và hòa giải để đưa ra các giải pháp hòa bình qua thương lượng. Các tổ chức dân sự luôn biết lợi dụng các phiên họp liên quan đến nhân quyền của Liên Hiệp Quốc với một nước nào đó để đấu tranh cho tự do, dân chủ cho nước có liên quan.

Áp lực quốc tế có thể kèm theo các biện pháp trừng phạt từ nhẹ đến nặng của các quốc gia khác. Mới đây, Ngày 29-30/11/2023, Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (Committee on the Elimination of Racial Discrimination, viết tắt là CERD) đã có phiên rà soát nhà nước Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, Ủy ban này đã khuyền nghị nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; bảo đảm cho người tham gia tố tụng tại tòa án có quyền dùng tiếng mẹ đẻ; đào tạo cho luật sư, cố vấn pháp lý, thẩm phán… về vấn đề phân biệt, theo luật quốc tế; nâng cao nhận thức của người dân; điều tra, truy tố, và trừng phạt những hành vi trả thù với nạn nhân làm đơn khiếu nại. Không được sử dụng ngôn ngữ thù hận và các tội ác , Không phần biệt chủng tộc, phải bình đẳng về các vấn đề công cộng và chính trị, tôn trọng tự do tôn giáo,  đi lại của công dân v..v

Năm 2022, Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ đã liệt Việt Nam vào Cấp độ 3 (Tier 3) về tội buôn người.

*Thu Hút Sự Ủng Hộ Quốc Tế và hợp tác, hỗ trợ đa phương, tạo sự đồng thuận với cộng đồng quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các nước có thể ủng hộ mục tiêu của mình và mục tiêu chung cũng là việc sử dụng các chiến dịch truyền thông để tạo ra ý thức và sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, tăng cường áp lực đối với chính quyền áp bức.

*Chiến Lược Đối Đầu Linh Hoạt: Tìm kiếm các cơ hội để đối đầu mà không cần sử dụng sức mạnh trực tiếp. Có thể bao gồm những cuộc biểu tình chiến lược, chiến thuật, và các hình thức đối đầu khác.

Có lẽ quan trọng hơn cả là các tổ chức bênh vực cho nhân quyền cần tìm được cơ hội đối thoại để giải quyết mâu thuẫn với đối thủ và tìm kiếm giải pháp thông qua các cuộc thương lượng. Điều này rất khó vì các quốc gia dộc tài, cộng sản luôn từ chối đối thoại và, với họ, luôn luôn phải chiến thắng, Không đối thoại, tương nhượng, thỏa thuận nếu họ không thấy có lợi.

Các tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ của người Việt trong và ngoại nước cho Việt Nam rành rẽ những điều đại cương, phổ quát trên nhưng đạt được toàn bộ các chỉ tiêu trên thì hiếm có khả năng đấu tranh toàn diện về mặt nhân quyền đối với thế lực vô cùng mạnh mẽ của nhà nước Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc của tổ chức BPSOS có trụ sở tại Hoa Kỳ, từng đã cung cấp cho Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức bênh vực cho nhân quyền trên thế giới những tài liệu, chứng cứ về chính quyền cộng sản vi phạm trầm trọng quyền con người, và là tổ chức bị chính quyền Việt Nam căm ghét nhất, cho biết về tổ chức của ông và đường lối bất bạo động đấu tranh cho nhân quyền cho Việt Nam. Ông viết cho VNTB: 

[Chúng tôi] “Đào tạo nhân sự cho các cộng đồng yếu thế ở trong nước để hoạt động ngày càng quy củ, liên kết các cộng đồng ấy với nhau và với quốc tế nhằm tạo thế bứt mây động rừng, tạo cơ hội cho các cộng đồng ấy, vừa riêng rẽ vừa trong sự liên kết, để lấy thế quốc tế mà cân bằng lại thế yếu ở trong nước, và từng bước đoạt được sự nhượng bộ của nhà nước nhằm nới rộng không gian dân sự cho chính mình”.

Đường lối đấu tranh bất bạo động cho nhân quyền là rất quan trọng và có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng quốc tế. Sự tăng cường nhận thức về nhân quyền và bất bạo động trên phạm vi quốc tế đang tăng lên, với sự chú ý và ủng hộ ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế.

Sự xuất hiện và phát triển của các chiến dịch, biểu tình quốc tế, như Chiến Dịch #MeToo, Chống Biến Đổi Khí Hậu, và các chiến dịch nhân quyền khác, đã chứng minh sức mạnh của sự đoàn kết và ảnh hưởng toàn cầu.

Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức và hỗ trợ những nỗ lực bất bạo động và nhân quyền, không chỉ từ tổ chức chính trị mà còn từ các tổ chức phi chính phủ và cá nhân. Sự tăng cường sự hợp tác và đoàn kết giữa các tổ chức quốc tế, như Liên Hiệp Quốc, Amnesty International, Human Rights Watch… để tạo ra một tầm ảnh hưởng mạnh mẽ chung là cần thiết.

Phong trào nhân quyền ngày càng đa dạng, có sự đại diện từ nhiều lĩnh vực và nhóm dân khác nhau, giúp tăng cường tính đa dạng và sự phong phú trong đấu tranh. Sự sáng tạo trong áp dụng các biện pháp kinh tế và áp lực quốc tế, thay vì sử dụng vũ lực, đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp không bạo lực và thông minh.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng kêu gọi,  “Người Việt ở hải ngoại là nguồn lực và tài nguyên sẵn có để hỗ trợ cho các cộng đồng yếu thế ở trong nước phát huy năng lực, liên kết quốc tế, và tận dụng cơ hội trên các ‘sân chơi’ ở ngoài Việt Nam.”

Những chiến lược, chiến thuật nói trên- kể ra còn thiếu- nhằm vào việc tạo ra sự hòa bình và ổn định thông qua áp lực, thương lượng, và hợp tác, giúp giải quyết xung đột mà không phải sử dụng võ lực. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng có thể phụ thuộc vào sự hợp tác và cam kết của các bên tham gia trong xung đột, có thể thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và tình hình quốc tế. Nhưng có lẽ sự hợp tác và áp lực kết hợp từ nhiều phía có thể tạo nên sức mạnh lớn hơn trong việc thúc đẩy các thay đổi tích cực về nhân quyền.

______________

Tham khảo:

https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2078-uy-ban-xoa-bo-ky-thi-chung-toc-co-khuyen-nghi-gi-cho-viet-nam.html

 


 

No comments:

Post a Comment