Hoành tráng Giáng sinh, đừng quên cái nhìn toàn cảnhTrần Đông A
01/01/2024
VOA
Tôn giáo… Nhân quyền, Đảng đều dồn vào ‘một rọ’
Noel có nhiều tên gọi khác như Giáng Sinh, Christmas, Xmas… là dịp lễ đặc biệt trong năm, kỷ niệm ngày ra đời của Chúa Jesus (Giêsu). Theo lịch Do thái từ cổ đại, hoàng hôn mới là thời điểm bắt đầu ngày mới, thay vì nửa đêm. Lễ Giáng Sinh được tổ chức vào 25/12, gọi là ‘Lễ Chính ngày’, còn trước đó, đêm 24/12, gọi là ‘Lễ Vọng’. Cả lương lẫn giáo đều chọn ngày ấy để gặp mặt người thân, bạn bè. Dịp Giáng Sinh, các nhà thờ đều được trang trí lung linh huyền diệu, cùng các khu hang đá để kỷ niệm ngày Hài đồng chào đời. Nhà thờ Lớn là địa điểm không thể bỏ qua khi nhắc đến những ‘chốn xưa’ đẹp nhất Hà thành. Sở hữu cây thông siêu to được ‘décor’ thêm những dây đèn lấp lánh ngay trước Cổng chính, tạo một không khí phồn hoa hiếm thấy tại đất Kinh thành (1).
Nhưng đằng sau ‘bức màn tre’ năm nay là sự thật ‘sắt máu’ mà ĐCSVN muốn che đậy, bưng bít đến nỗi ngay cả các con chiên và tín đồ đôi khi cũng ngây thơ nhầm tưởng, giai cấp toàn trị đang nới lỏng chút tự do. Tháng 3 năm nay, lần đầu tiên chính quyền cộng sản công bố ‘Sách trắng’, khẳng định các tôn giáo ở Việt Nam đều ‘bình đẳng trước pháp luật’, và rằng nhà nước ‘không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo’... ‘Sách trắng’ cho biết thêm chính quyền đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo (2). Nói vậy nhưng không phải vậy! Con số này trên thực tế là quá ít so với 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (27% dân số), trong đó có Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hội thánh Tin Lành, đặc biệt là Cao Đài và Hòa Hảo...
Từ mùa hè năm nay, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã kết luận và tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách ‘Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt’ (CPC), vì tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ‘nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn’. USCIRF cũng cho biết thêm, tổ chức này hy vọng việc đưa Việt Nam vào Danh sách ‘Theo dõi Đặc biệt’ (SWL) sẽ khuyến khích chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể đã cam kết để giải quyết các mối quan ngại lâu dài về tự do tôn giáo. USCIRF đề xuất chính phủ Hoa Kỳ cần buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về vi phạm quyền tự do tôn giáo với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) và hối thúc Việt Nam cho phép các chuyên gia Đặc biệt của Liên hợp quốc (UN) có liên quan được đến nước này để theo dõi và điều tra tự do tôn giáo và các vi phạm nhân quyền khác. Trước đó, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với nhiệm kỳ ba năm, bất chấp những lo ngại rộng rãi và sâu sắc về hồ sơ nhân quyền của đất nước này (3).
Tuy nhiên, tự do tôn giáo vẫn chỉ là lĩnh vực hẹp trong toàn bộ bức tranh về dân chủ và nhân quyền của Việt Nam. Năm 2023 dường như là thời điểm chính quyền cộng sản chủ trương ‘bắt vét’ các tù nhân lương tâm lẫn các nhà hoạt động tôn giáo và môi trường dưới hai điều luật mơ hồ 117 và 331. Các nước trên thế giới, nhất là các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế lên án chính quyền Việt Nam đã/đang thực hiện các chuyến ‘bắt vét’ đối với các nhà hoạt động chính trị, môi trường vẫn bằng những tội danh là ‘trốn thuế’ hoặc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ (4) Điển hình là trường hợp đối với PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), TS. Minh Đường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA và hàng loạt nhà hoạt động môi trường khác. Các vụ án ấy phi lý đến mức, Tòa Hà Nội buộc phải xử kín một số vụ, đặc biệt là trường hợp đối với Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao.
‘Cần thiết như con có cha, vợ có chồng…’
Một trong những nguyên nhân khiến Noel 2023 này được quốc tế chú ý nhiều hơn mọi năm là nhờ ở cái ‘tin mừng’ đối với dân Chúa. Sáng 14/12/2023, khi đến thăm và chúc mừng Toà tổng giám mục Huế nhân Noel và năm mới 2024, theo tin tức từ báo chí trong nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo là đã ‘thay mặt nhà nước Việt Nam’ ký thư mời Đức giáo hoàng Francis đến thăm Việt Nam. Và cũng chỉ trước lễ Giáng sinh 2 ngày, Toà Thánh Vatican đã công bố đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, 60 tuổi người gốc Balan, hiện là Sứ thần Toà thánh tại Singapore kiêm đại diện không thường trú tại Hà Nội, làm Đại diện thường trú của Toà thánh tại Việt Nam (5). Một trong những dân Chúa đã ‘còm’ như sau: ‘Tạ ơn Chúa Chí cao, đã kết hợp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) với Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Việc kết hợp bang giao giữa nước này với nước khác, còn có nhiều trở ngại thay, huống chi là được kết hợp với Tòa thánh Vatican, giống như người được ở trong sự tương giao với Đức Chúa trời. Đây là sự kết hợp cần thiết như con có cha, như vợ có chồng, để đoàn dân Chúa, nhìn thấy tương lai mình tươi sáng hơn, khi được đồng hành với thế giới, nhìn Sự Sáng dẫn lối mỗi ngày, mà tiến bước...’ (6). Đây cũng là bước tiến lịch sử, vì lần đầu tiên, chính quyền Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh ở cấp Đại sứ thường trú.
Theo HĐGMVN, liên quan việc Hà Nội và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ trước khi Giáo hoàng thăm Việt Nam, thì quá trình này có thể còn bao gồm một số bước. Tuy nhiên, đừng quên Đức Thánh Cha là mục tử từ một Giáo hội, trái tim mục tử của Ngài có thể thúc đẩy Ngài làm những việc gì tốt nhất cho đoàn dân của Chúa ở Việt Nam. Cũng có thể có những điều bất ngờ mà chúng ta không biết trước được, vì chúng ta không thể xem xét mọi chuyện theo những tiêu chuẩn và tiêu chí ngoại giao thông thường (7). Cũng có hy vọng, Đại diện Vatican ở Việt Nam sẽ có thể giúp giảm và dần dần loại bỏ các linh mục quốc doanh do cộng sản cài cắm. Một thành viên chủ chốt từ một Tổ chức dân sự nói với người viết bài này, với điều kiện ẩn danh, ông kỳ vọng cũng giống như Liên Xô và Đông Âu trước đây, khi nhà nước Việt Nam có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa thánh, thì có thể ngăn chặn xu hướng thế tục hóa, hoặc chính trị hóa đời sống tôn giáo như hiện nay.
Ở Việt Nam, tính đến nay có hàng trăm tù nhân chính trị bị giam giữ, chỉ vì họ đã thực thi các quyền cơ bản của mình, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Chế độ độc đảng công an trị không bao giờ chấp nhận bất đồng chính kiến, cho nên các nhà hoạt động bị tạm giam trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với luật sư hay gia đình. Noel năm nay, một số tổ chức dân sự không nhớ nổi đã bao lần cùng với người dân xứ đạo từ Nhà thờ Thái Hà hát vang mãi các bài thánh ca như những sứ điệp của Chúa: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người tù nhân lương tâm’. Những khúc hát giải bày tâm tình giữa đất với trời, như kết nối các anh em bên ngoài với hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị đầy đoạ bên trong các trại giam, từ Bắc chí Nam trên giải đất đau thương hình chữ S này. Hy vọng, từ chốn lao tù, anh chị em nghe được ‘tiếng lòng’ của những người đồng cảm, vơi đi phần nào những thương tổn và nỗi đau thể xác trong những đêm đông giá lạnh như thế này (8).
(1) https://routine.vn/tin-thoi-trang/dia-diem-trang-tri-giang-sinh-dep-nhat-2023
(4) https://www.hrw.org/vi/video-photos/interactive/2023/11/13/310927 (Hãy trả tự do cho tù nhân chính trị ở Việt Nam!)
(5) https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-giao-giua-viet-nam-va-vatican/7417675.html.
(6) https://www.voatiengviet.com/a/7416428.html
No comments:
Post a Comment