Friday, December 1, 2023

VNTB – Ai đang điều hành giá vàng ở thị trường Việt Nam?
Hàn Lam
01.12.2023 7:41
VNThoibao



(VNTB) – Chỉ có Ngân hàng Nhà nước được phép xuất nhập khẩu vàng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới đến sáng ngày cuối cùng của tháng 11-2023 được giao dịch ở mức 2.043 USD/ounce, sau khi nhảy vọt lên sát 2.050 USD/ounce vào đêm trước đó ở thị trường Mỹ.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 60,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn 24K trong nước khoảng 2,2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC tới 12,8 triệu đồng/lượng.

Ngoài yếu tố giá thế giới, giá vàng trong nước tăng mạnh còn bởi theo quy luật cung – cầu. Trên thị trường trong nước, nhu cầu về vàng thời điểm này tăng, dù không quá cao, bởi đang là mùa cưới, song nguồn cung hạn chế, do từ nhiều năm nay, nhà sản xuất không có nguồn nguyên liệu nhập khẩu để gia công vàng SJC nên nguồn cung vàng SJC trên thị trường rất ít. Vì thế, sức cầu chỉ tăng nhẹ cũng đẩy giá tăng cao.

Với vàng nhẫn và vàng trang sức, vàng nguyên liệu không được cấp phép nhập khẩu để gia công vàng trang sức, vàng nhẫn, trong khi doanh nghiệp không dám mua vàng trôi nổi trên thị trường như trước bởi sợ mua vào vàng lậu nên cũng khiến giá mặt hàng này tăng.

Theo dự báo, khi giá vàng vượt mức 2.010 USD/ounce thì cũng sớm vượt mức cản 2.050 USD/ounce. Từ nay đến cuối năm, nếu những yếu tố khiến giá vàng tăng tiếp tục được duy trì, giá vàng thế giới có thể vượt mức kỷ lục 2.068 USD/ounce và hướng đến mốc 2.100 USD/ounce. Giá vàng trong nước có thể tăng theo, phá mức kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng.

Ông Shaokai Fan – Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiêm Giám đốc toàn cầu về Ngân hàng Trung ương của Hội đồng Vàng thế giới bày tỏ sự tin tưởng vào tình yêu vàng của người Việt. “Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam vẫn tin tưởng vào vàng như một biện pháp tin cậy chống lạm phát. Người Việt luôn ưu ái vàng như một cách bảo vệ khỏi những rủi ro. Vì vậy, trong tình hình hiện tại, rất có khả năng rằng những yếu tố này vẫn tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư Việt Nam chú trọng đến vàng”.

Thắc mắc lâu nay lại được nhắc lại: Ai là người quyết định giá vàng trong nước?

“Chúng tôi điều chỉnh theo giá thị trường, mà giá thị trường do cung cầu quyết định. Chúng tôi làm sao một mình ấn định được giá”, đại diện SJC nói. Công ty được Nhà nước nắm giữ 100% vốn, có doanh số kinh doanh vàng lớn nhất nước, sở hữu thương hiệu vàng SJC, nhưng không phải người quyết định giá vàng trong nước.

Cũng như nhiều doanh nghiệp vàng quốc doanh, cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn khác, SJC phải đảm bảo trạng thái vàng của mình: mua được bao nhiêu, bán ra bấy nhiêu và ngược lại. Để có tiền mua vàng, ngay cả vàng móp méo nhằm gia công lại, SJC phải vay ngân hàng và chịu lãi suất như mọi pháp nhân khác trong nền kinh tế.

Thông thường, các tiệm vàng mở cửa muộn và giá giao dịch thực sự trong ngày chỉ có từ khoảng 9g trở đi. Trước đó, vào 8g sáng, SJC và một số ngân hàng đã niêm yết giá vàng nhưng mang tính chiếu lệ. SJC thường căn cứ vào giá vàng đóng cửa ngày hôm trước và giá quốc tế để đưa ra giá lúc 8g.

Những nhà buôn vàng sỉ không định giá tùy tiện như một số ý kiến suy luận. Giá được xác định theo cung cầu và cung cầu dựa chủ yếu vào thông tin. Thí dụ, biết được tin tức một ngân hàng trong ngày hôm đó phải trả cho khách hàng 1.000 lượng vàng tiết kiệm đến hạn mà chưa có ngay vàng vật chất, giá sẽ được đẩy lên. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, khi nhu cầu ấy không còn, giá lập tức trở về mức cũ.

Hoặc có thông tin ngân hàng cần bán vàng để giải quyết thanh khoản tiền đồng, giá sẽ giảm bởi người mua chủ yếu là các đầu mối bán sỉ tập trung. Ngân hàng không thể bán lẻ hết lượng vàng cần bán cho người dân chỉ trong một ngày.

Tương tự khi mua, ngân hàng phải mua từ các đầu mối bán sỉ lớn, không thể đợi người dân đến bán hoặc mua gom từ các tiệm vàng.

Ở đây có một lưu ý là việc cấp phép nhập khẩu và xuất khẩu vàng chỉ có một địa chỉ duy nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và đây cũng chính là đầu mối có khả năng điều tiết toàn bộ thị trường vàng ở Việt Nam.

Như vậy nếu thị trường vàng ở Việt Nam bị lũng đoạn thì đó là trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lúc đó dĩ nhiên là đi kèm sẽ còn loạt thắc mắc: Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng… Chính sách vàng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay để kéo giá vàng SJC về gần giá vàng thế giới?


No comments:

Post a Comment