Những toan tính về quân sự của Bắc Triều Tiên vào năm 2024Phan Minh
Đăng ngày: 27/12/2023 - 11:18
RFI
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại trụ sở hải quân của Bắc Triều Tiên, ngày 27/08/2023. © AP
Trang mạng Nhật The Diplomat, ngày 25/12/2023, có bài phân tích dự báo những toan tính của Bắc Triều Tiên sẽ áp dụng với Hoa Kỳ và Hàn Quốc vào năm 2024. RFI xin trích dịch.
Hợp tác quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Nga
Trong bối cảnh liên minh Mỹ-Hàn ngày càng được củng cố, Bắc Triều Tiên thể hiện rõ ý định tăng cường quan hệ với Nga để duy trì đòn bẩy trên bán đảo Triều Tiên. Điều này được thể hiện rất rõ tại hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/09/2023.
Trong vài tháng qua, chính sách ngoại giao của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hoàn toàn tập trung vào việc tăng cường quan hệ với Nga, chẳng hạn như việc tiếp đón ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu. Đồng thời, có nhiều khả năng ông Kim tiếp tục hỗ trợ Nga vào năm 2024, và điều này sẽ khiến Washington và Seoul không thể nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với Bình Nhưỡng.
Kế hoạch khuất phục Ukraina trong thời gian ngắn của Vladimir Putin đã bị ngăn chặn bởi sự kháng cự bất ngờ của Kiev. Để tiếp tục “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina, Putin cần đạn dược từ những nhà lãnh đạo có cùng chí hướng, và Kim Jong-un là một trong số đó. Mặc dù Bắc Triều Tiên phủ nhận cáo buộc cung cấp đạn dược cho Nga, song có nhiều thông tin khẳng định điều ngược lại.
Theo Nhà Trắng, Bắc Triều Tiên đã chuyển 1.000 container thiết bị đạn dược cho Nga vào tháng 9. Cơ quan tình báo Hàn Quốc nhận định Bắc Triều Tiên đã gửi hơn một triệu quả đạn pháo tới Nga kể từ tháng 8. Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc nghi ngờ Bắc Triều Tiên chuyển cho Nga một số loại tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không di động.
Câu hỏi giờ đây là Putin sẽ cung cấp gì cho Bắc Triều Tiên để đổi lấy sự hỗ trợ về đạn dược của Bình Nhưỡng. Xét đến những khó khăn mà Bắc Triều Tiên phải hứng chịu do các lệnh trừng phạt kinh tế tàn khốc của Mỹ và Liên Hiệp Quốc gây ra, Kim Jong-un có thể đã yêu cầu Putin cung cấp ngoại tệ, năng lượng và chuyển giao công nghệ vũ khí. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga đã hỗ trợ Bắc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên, điều mà ông Putin đã hứa thực hiện trong hội nghị thượng đỉnh với ông Kim.
Bắc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự
Ngày 22/11, Bắc Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công vệ tinh do thám lên quỹ đạo. Theo cơ quan vũ trụ Bắc Triều Tiên, tên lửa “Thiên Lý Mã-1/Chollima-1” của nước này đã đưa vệ tinh “Kính Vạn Lý-1/Malligyong-1” lên quỹ đạo vào đêm 21/11. Sau những nỗ lực bất thành trước đó vào tháng 5 và tháng 8 do vấn đề kỹ thuật, Bình Nhưỡng cuối cùng đã thành công sau lần phóng thứ ba. Điều đáng chú ý là Bình Nhưỡng ban đầu tuyên bố thực hiện vụ phóng thứ ba vào tháng 10, song hoãn lại sang tháng 11, và giới chuyên gia nhận định rằng các nhà khoa học tên lửa Bắc Triều Tiên đã hợp tác với Nga để đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo.
Để giám sát Hàn Quốc và các khu vực khác một cách hiệu quả hơn, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng thêm nhiều vệ tinh do thám. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc nhận định Bình Nhưỡng khó có thể tiến hành thêm một vụ phóng vệ tinh nào khác trong năm nay.
Đáp lại những chỉ trích từ Hoa Kỳ và các đồng minh, Bắc Triều Tiên đã tái khẳng định việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh trinh sát quân sự là một quyền chủ quyền không thể bị các thế lực bên ngoài kiểm soát. Tuy nhiên, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh này.
Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám, tổng thống Hàn Quốc Yoon đã phê chuẩn quyết định của Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 22/11 về việc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự đã đạt được giữa cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng vào tháng 09/2018. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc chính thức đình chỉ các thỏa thuận đã ký với Bắc Triều Tiên kể từ khi hai miền đạt được thỏa thuận quân sự đầu tiên vào năm 1991.
Theo Seoul, Bình Nhưỡng đã liên tục vi phạm thỏa thuận quân sự năm 2018 khi tiến hành các hoạt động quân sự gần biên giới liên Triều, vốn bị cấm theo thỏa thuận. Nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa mang vệ tinh do thám hoặc thử tên lửa đạn đạo, Seoul sẽ đình chỉ các điều khoản còn lại và khôi phục các cuộc tập trận giám sát trên không và bắn đạn thật tại các vùng cấm bay gần biên giới liên Triều.
Một ngày sau khi Seoul đưa ra quyết định đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự nói trên, bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên tuyên bố khôi phục ngay lập tức tất cả các biện pháp quân sự đã đuợc tạm đình hoãn theo thỏa thuận. Bình Nhưỡng cũng đe dọa triển khai các loại vũ khí quân sự mạnh mẽ và tân tiến tới đường phân giới quân sự.
Trong trường hợp thu thập được những hình ảnh hữu ích về các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc thông qua vệ tinh trinh sát của mình, Bắc Triều Tiên sẽ nâng cao khả năng tấn công phủ đầu với độ chính xác cao.
Bình Nhưỡng cầm cự và hy vọng đàm phán với Trump
Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên tăng cường quan hệ ngoại giao với Nga và tập trung vào việc phát triển quân đội, Bình Nhưỡng dường như không hề quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ với Washington.
Chính sách của tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Bắc Triều Tiên dường như là phiên bản cập nhật của “chiến lược kiên nhẫn” dưới thời chính quyền Obama, nên Bắc Triều Tiên không có ý định nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với Mỹ. Tổng thống Biden lựa chọn duy trì cách làm việc truyền thống từ dưới lên trên khi giải quyết các vấn đề về an ninh, với việc các quan chức cấp chuyên viên đạt được thỏa thuận về các vấn đề cụ thể trước khi các cuộc họp cấp cao được tổ chức.
Trong khi đó, Donald Trump thích cách làm việc từ trên xuống dưới đối với các vấn đề an ninh phức tạp. Nếu tính đến cách thức lãnh đạo tương tự của Kim Jong-un, Bình Nhưỡng sẽ muốn Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 để ông Kim có thể một lần nữa tìm cách thuyết phục Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên.
Mặc dù hai bên không đạt được thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, Bắc Triều Tiên vẫn có lý do để “cảm thấy thoải mái” với Trump hơn so với các nhà lãnh đạo khác. Bình Nhưỡng có thể nhận định rằng các chính trị gia khác của Hoa Kỳ có thể sẽ theo đuổi “mô hình Libya”, gây áp lực buộc chế độ Kim phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi bình thường hóa quan hệ với Washington.
Tuy nhiên, nếu đắc cử vào năm tới, Donald Trump không chắc sẽ quan tâm đến các vấn đề của Bình Nhưỡng, bởi mức độ đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên không thể sánh được với tầm mức của chiến tranh Ukraina và xung đột Israel-Hamas trong mắt Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Bình Nhưỡng sẽ tập trung phát triển những vũ khí hạt nhân mạnh hơn nhằm nâng cao vị thế cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Washington.
Không có đối thoại liên Triều
Kể từ khi ông Yoon đắc cử tổng thống Hàn Quốc, thái độ của Bình Nhưỡng đối với Seoul rất rõ ràng. Do quan điểm diều hâu của ông Yoon về Bắc Triều Tiên - không khác gì những người tiền nhiệm bảo thủ của ông - Bình Nhưỡng đã loại trừ khả năng đàm phán với tổng thống Yoon ngay từ lúc ông mới nhậm chức.
Trong chuyến thăm Seoul vào tháng 11, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp người đồng nhiệm Hàn Quốc Shin Won-sik và ký một phiên bản mới của thỏa thuận Chiến lược Răn đe Phù hợp. Đây là bản sửa đổi đầu tiên trong một thập kỷ nhằm đối phó một cách hiệu quả các chương trình hạt nhân đang phát triển của Bắc Triều Tiên.
Theo bộ trưởng Shin, thỏa thuận này thể hiện cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với an ninh của Hàn Quốc. Trong trường hợp Bắc Triều Tiên tấn công hạt nhân, Mỹ sẽ sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ Seoul.
Trong khi tổng thống Yoon tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ và Nhật Bản để đối phó với hệ thống tên lửa ngày càng lợi hại của Bắc Triều Tiên, thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng về việc mở các cuộc đàm phán với Seoul sẽ không thay đổi trừ khi ông Yoon thay đổi lập trường về Bắc Triều Tiên.
Xét đến việc ông Yoon nhiều khả năng sẽ chọn đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ Bắc Triều Tiên bằng cách dựa vào Hoa Kỳ, tổng thống Hàn Quốc sẽ không tích cực tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để khiến ông Kim quay trở lại bàn đàm phán.
Kết luận
Khác với các vụ phóng tên lửa đạn đạo chưa từng có vào năm 2022, Bắc Triều Tiên có thể sẽ tập trung phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo mới mà có thể được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Hoa Kỳ.
Theo kế hoạch 5 năm phát triển vũ khí chiến lược được công bố tại Đại hội đảng Lao Động vào đầu năm 2021, Bắc Triều Tiên đặt mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, đầu đạn lượn siêu thanh, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vệ tinh trinh sát.
Ngày 15/11, Bắc Triều Tiên cho biết đã thử thành công động cơ nhiên liệu rắn mới được thiết kế cho tên lửa đạn đạo tầm trung. Dựa trên các hoạt động thử nghiệm tên lửa, Bình Nhưỡng có thể tập trung phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới, nâng cao khả năng tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp đạn dược cho Nga. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và xung đột Israel-Hamas vẫn đang diễn ra quyết liệt, các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng có thể sẽ không gây nhiều tiếng vang như những năm trước.
Đồng thời, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên trầm trọng hơn khi hai bên không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự năm 2018 về việc tạm ngưng các hoạt động quân sự gần biên giới liên Triều.
Nhìn chung, 2024 dường như sẽ tiếp tục là một năm căng thẳng với tình hình an ninh ngày càng đáng báo động trên bán đảo Triều Tiên.
No comments:
Post a Comment