Tuesday, October 24, 2023

(VNTB) – Vì sao trì hoãn ban hành luật về quyền biểu tình?
Hà Nguyên – Cát Tường
25.10.2023 2:16
VNThoibao



(VNTB) – 3 khóa liền ở vị trí Tổng bí thư, song ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không thể giúp Việt Nam có được luật về quyền biểu tình.

 Vì không có luật về quyền biểu tình nên không quá lời khi quy kết rằng chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gián tiếp đẩy người dân vào vòng lao lý, khi họ phẫn uất nhưng lại không được quyền bày tỏ những bức bối đó.

Ở đây người viết bài muốn nói về vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa thông báo “khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng tại dự án cảng container Long Sơn”.

Thông báo liên quan vụ khởi tố vụ án hình sự của công an nêu: Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, xác minh, xét thấy có dấu hiệu tội phạm gây rối trật tự công cộng quy định tại điểm c, d, khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghi Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 128/QĐ-ĐTTH đối với vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại khu vực trên.

Vụ việc có thể tóm tắt như vầy: lúc 8g30 ngày 23-10, tại khu vực chuẩn bị thi công bến số 3, cảng container Long Sơn có khoảng 300 người tụ tập mang theo băng rôn phản đối việc xây dựng cảng. Sau đó đoàn người đi bộ ra tỉnh lộ 513 từ xã Hải Hà, qua xã Hải Thượng, Hải Yến, thị xã Nghi Sơn và phía công an thị xã Nghi Sơn cho rằng đã “gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này kéo dài khoảng 1km”.

Theo phản ánh của người dân xã Hải Hà, địa phương không còn đất để làm ruộng, nghề muối truyền thống vì dành cho phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn. Người dân lo lắng khi thực hiện dự án cảng container Long Sơn thì phần bờ biển để ngư dân neo đậu tàu thuyền, ra biển khai thác hải sản sẽ không còn.

“Chúng tôi mong muốn chính quyền, chủ đầu tư để lại khu neo đậu tàu thuyền vì hiện nay người dân không còn ngành nghề gì khác. Còn nếu triển khai dự án thì phải hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp, bố trí nơi ở tái định cư để người dân tiếp tục nghề truyền thống của cha ông để lại. Bởi ngư dân chúng tôi lớn lên từ biển, không có trình độ chuyên môn rất khó để hòa nhập với nghề sản xuất công nghiệp” – ý kiến chung của người dân xã Hải Hà.

Các hứa hẹn của chính quyền địa phương gần như ít ai tin vì thời gian qua đã xảy ra những vụ nhập nhèm từ cán bộ địa phương, song không thấy cấp trên nào xử lý.

Đơn cử, trong Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển, đoạn nối đường 513 với đường ven biển tỉnh Nghệ An, ở nhiều diện tích chưa kiểm đếm nhưng chính quyền đã lập phương án, địa chính nhập nhèm đất của dân cho con cháu cán bộ ở địa phương. Người dân đã khiếu nại, phản ánh đến Thanh tra Chính phủ, song việc giải quyết vẫn cứ dằn dai từ cấp tỉnh Thanh Hóa đến huyện Tĩnh Gia và xã Hải Hà.

Dự án đang xảy ra cuộc biểu tình kể trên cũng tương tự về nhập nhèm. Theo đó Dự án khu tái định cư phục vụ di dân xã Hải Hà có tổng diện tích 67,1 ha, nằm trên địa bàn 2 phường Hải Bình và Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn. Dự án được đầu tư với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội tại nơi ở mới cho người dân xã Hải Hà phải di dời do bị ảnh hưởng bởi các dự án trong khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo điều kiện để nhân dân ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Lãnh đạo cấp phường nơi đây nhìn nhận khó khăn hiện nay là đất đai qua nhiều chủ sử dụng, khó xác định chủ sở hữu ban đầu có được giao đất hay không. Bên cạnh đó là tình trạng người dân không đồng thuận, khiếu nại về giá trị bồi thường nhà ở, công trình xây dựng, cây cối hoa màu thấp so với giá thị trường.

Bà Hoàng Thị Thúy, thôn Hà Nam, cho biết, và đây cũng là ý kiến phổ quát của ngư dân nơi đây: “Gia đình tôi có 6 nhân khẩu sống bằng nghề khai thác hải sản. Chúng tôi lớn lên từ biển, mưu sinh từ nghề biển. Từ khi khu kinh tế Nghi Sơn hình thành, các nhà máy lần lượt đi vào hoạt động, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, đời sống người dân cũng có nhiều ảnh hưởng về môi trường sống, nghề nghiệp…

Hiện nay, người dân chúng tôi không còn đất để làm ruộng hay làm muối mà chỉ trông chờ sinh sống bằng nghề khai thác hải sản. Chúng tôi rất lo lắng khi thực hiện dự án thì phần bờ biển còn lại để ngư dân neo đậu tàu thuyền và ra biển khai thác hải sản sẽ không còn.

Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương, chủ đầu tư để lại khu neo đậu tàu thuyền vì hiện nay người dân không còn ngành nghề gì khác. Còn nếu triển khai dự án thì phải hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp, bố trí nơi ở tái định cư phù hợp để người dân tiếp tục nghề truyền thống của cha ông để lại. Bởi ngư dân chúng tôi lớn lên từ biển lại không có trình độ chuyên môn rất khó để hòa nhập với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp”.

Các nguyện vọng tối thiểu về quyền được mưu sinh như trên được Hiến pháp bảo hộ tại Điều 35.1 “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Và tại Điều 25 của Hiến pháp cũng trao cho người dân quyền được biểu tình. Việc chưa luật hóa về quyền này, theo Hiến định ở Điều 4, đó là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam.


 

No comments:

Post a Comment