VNTB – EVN vẫn tiếp tục độc quyền điện lựcTử Long
28.10.2023 4:15
VNThoibao
Cả trăm nhà sản xuất mà chỉ có một ông EVN bao tiêu, phân phối, quyết định luôn giá bán thì sao hết độc quyền? Có chăng chỉ là độc quyền thấp, độc quyền hoặc độc quyền cao thôi…
Vẫn độc quyền hạ tầng phân phối
Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cơ cấu nguồn điện Việt Nam đã có sự thay đổi lớn khi EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chỉ còn nắm giữ khoảng 37% nguồn điện (gồm trực tiếp và gián tiếp).
Cục Điều tiết điện lực đánh giá, tính đến nay, chỉ chưa đầy 20 năm, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam đã có thay đổi lớn. Trong đó nguồn điện do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, nắm giữ đang giảm dần. Nguồn điện tư nhân ngày càng tăng đáng kể và dự kiến có thể chiếm gần một nửa toàn hệ thống vào năm 2030.
Như vậy, EVN không còn “độc quyền” nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước năm 2006. Thực tế trong tổng công suất nguồn điện nắm giữ, hiện EVN chỉ chiếm 11% là trực tiếp.
Trước năm 2006, EVN nắm giữ toàn bộ nguồn phát điện. Trong gần 80.000 MW điện toàn hệ thống (theo công suất đặt), EVN nắm trực tiếp và gián tiếp khoảng 37,6%. Họ sở hữu trực tiếp khoảng 15%, chủ yếu là các nhà máy thủy điện đa mục tiêu (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Trị An). Sở hữu gián tiếp tại ba tổng công ty phát điện (Genco 1, Genco 2 và Genco3) thuộc EVN chiếm 22,6% công suất hệ thống. Theo lộ trình, tập đoàn này sẽ thoái vốn tiếp tại 3 Genco nhưng tiến độ cổ phần hóa gặp khó.
Phần còn lại, trên 62%, EVN vẫn phải mua từ các chủ sở hữu nguồn khác, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), các nhà đầu tư BOT và tư nhân.
Ở khâu truyền tải, về cơ bản, đến nay, vẫn là độc quyền của Nhà nước, theo Luật Điện lực (tức Nhà nước chi phối, quản lý, vận hành lưới truyền tải) vì EVN vẫn nắm hầu hết hệ thống. Tổng công ty truyền tải điện (EVNNPT), đơn vị trực thuộc EVN, được giao đầu tư, vận hành và quản lý hệ thống đường dây truyền tải siêu cao áp 500 kV, cao áp 220 kV và trạm biến áp tương ứng.
Mua bán điện trực tiếp cần được luật hóa
Theo một văn bản của Bộ Công Thương (Công văn số 202/BC-BCT ngày 24-10-2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà), thì khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo vào tháng 5-2022 của đơn vị tư vấn cho thấy, có 24/95 dự án muốn mua bán điện “sạch” không qua EVN. Ngoài ra, 17 dự án phát điện từ năng lượng tái tạo đang cân nhắc về điều kiện tham gia cơ chế này cũng như khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng mua bán điện trực tiếp, với tổng nhu cầu 1.125 MW (ước tính).
Vấn đề hiện nay là cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (DPPA) vẫn chưa luật hóa.
Bộ Công Thương cho biết, để triển khai được mô hình này cần phải hiệu chỉnh, ban hành bổ sung các quy định pháp lý hướng dẫn về: (i) tính toán giá phân phối điện; (ii) tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường lực; (iii) tính toán giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác; (iv) các hợp đồng mua bán điện mẫu (giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn, giữa đơn vị phát điện với EVN/A0).
“Việc xây dựng và ban hành các loại văn bản này là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giá bán lẻ cho từng khách hàng lớn phản ánh đúng và đầy đủ các chi phí, tránh gây thất thoát tài sản của nhà nước và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp FDI và các khách hàng khác”, Bộ Công Thương nhận định.
Dự kiến cơ chế DPPA cũng sẽ quy định rõ 3 nguyên tắc giao dịch giữa đơn vị phát điện, khách hàng và đơn vị bán lẻ điện:
(i) Đơn vị phát điện kết nối với lưới điện quốc gia và bán điện năng của nhà máy điện lên thị trường điện giao ngay trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
(ii) Khách hàng mua điện từ đơn vị bán lẻ điện cho toàn bộ sản lượng điện khách hàng sử dụng theo giá bán điện;
(iii) Các khách hàng ký kết trực tiếp hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch với Đơn vị phát điện. Trong hợp đồng này, hai bên sẽ cam kết về việc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá thị trường điện giao ngay và giá cam kết tại hợp đồng cho một mức sản lượng điện cụ thể trong từng chu kỳ giao dịch trong tương lai.
Ngoài ra, Quy định về cơ chế DPPA dự kiến bao gồm một số nội dung khác như: Phạm vi điều chỉnh; Việc mua bán điện của đơn vị phát điện thông qua thị trường điện giao ngay; Việc mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng và đơn vị bán lẻ điện; Hợp đồng giữa khách hàng và đơn vị phát điện.
No comments:
Post a Comment