VNTB - DangS.T.T.D Tưởng Năng Tiến
01.10.2023
VNThoibao
(VNTB) – “Dang” nói anh như một
người đã chết: Tôi không còn gì để sống nữa.
Tên đúng của ông có thể là
“Đăng,” “Đặng,” “Đằng,” hay “Đáng,” hoặc “Đang” (người Việt không mấy ai
tên “Dang”) nhưng tôi không dám chắc vì chỉ được biết qua một bài báo
bằng tiếng nước ngoài (“Han ble smuglet inn i Norge i et bagasjerom. Et halvt år
senere ble han pågrepet på en hasjplantasje”) đăng tải trên tờ
Aftenposten, phát hành từ Na Uy, vào ngày 27 tháng 8 năm 2021.
Bản tiếng Việt (gồm 4371 từ)
của dịch giả tên Trang, xuất hiện trên FB Nhân Văn Việt – Na Uy mấy hôm sau đó. Xin
được tóm lược :
“Dang” cho biết quê anh là làng chài
Đô Thành, thuộc miền Trung Việt Nam. Từ nơi đây, nhiều thanh niên Việt Nam đã
đi lậu trong các xe container xuyên qua Trung Quốc, rồi vượt biên giới vào Nga
(Russland), trước khi trở thành nhân công lao động giá bèo hoặc gái mại dâm ở
các thành phố Châu Âu.
Trên hành trình dài 11.660 km đến Na
Uy, “Dang” trốn trong một thùng container sau xe tải. Đến ngày hôm nay, anh vẫn
còn ám ảnh trong giấc mơ về những điều khủng khiếp mà anh đã thấy trên tuyến
đường đó…
Ô nhiễm môi trường, đánh bắt cá quá
mức và bất hợp pháp, công nghiệp hóa ngày càng phát triển đã dẫn đến tình trạng
rất khó khăn cho ngành ngư truyền thống ở Việt Nam. Đối với đại gia đình của
“Dang”, giải pháp cuối cùng là gửi cậu con trai lớn nhất trong một chiếc
container đến Tây Âu. “Dang” cho biết gia đình đã phải thế chấp căn nhà và bán
tất cả những gì đáng giá để trả tiền cho nhóm buôn người.
Tôi ra đi để tìm một cuộc sống tốt
hơn. Nhưng nếu tôi biết trước kết quả thế này, tôi thà chọn cuộc sống một ngư
dân nghèo. Theo “Dang” biết, gia đình đã thỏa thuận giá 25.000 USD với nhóm
buôn người. Và đã trả trước một nửa.
“Dang” – người đàn ông 25 tuổi – kể
lại cuộc hành trình phải đi xuyên qua Trung Quốc, Nga, Latvia, Belarus
(Hviterussland) và Ba Lan. Theo “Dang”, chiếc container mà đoàn của anh đi chỉ
có hai lỗ thoát khí nhỏ. Họ phải tiểu tiện và đại tiện trong một túi nhựa lớn.
Tháng 2/2021, “Dang” bị kết án 2 năm
tù và phải bồi thường gần 100.000 kroner cho một công ty điện lực của Na Uy vì
đã ăn cắp điện để trồng 649 cây cần sa. Bản án được giữ nguyên tại Tòa Phúc
Thẩm Eidsivating vào tháng 6/2021, nhưng được giảm xuống còn 1 năm 9
tháng.
Ngày 19 tháng 8/2021, Tòa Án Tối
Cao Høyesterett đã bác đơn kháng cáo của “Dang”. Luật sư biện hộ Audun
Helgheim nói rằng họ sẽ kháng cáo vụ việc lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu. Câu
hỏi chánh và gây tranh cãi ở đây là: “Dang” là tội phạm hay nạn
nhân!?
Tòa án quận Gjøvik viết trong bản án
từ tháng 2: Tòa án căn cứ theo yếu tố bị cáo, sau khi đến Na Uy, ít nhất là bởi
bị lạm dụng hoàn cảnh bí thế của mình, đã bị buộc phải trồng cần sa. Điều này
dẫn chứng cho thấy bị cáo là nạn nhân của nạn buôn người”…
UDI (UtlendingsDIrektorate) đã xét
đơn theo lời khai của “Dang”. Trong giấy phép cấp cho anh được cư trú tạm thời
tại Na Uy (midlertidig oppholdstillatelse), viết là họ tin rằng có thể lý giải
được là anh đã bị hại trong vụ buôn người.
Rosa, một tổ chức hỗ trợ những người có thể là nạn nhân tệ nạn
buôn người, cũng tích cực trong vụ án của “Dang”. Mildrid Mikkelsen của hội
Rosa cho rằng việc bỏ tù một người cùng lúc với việc điều tra xem người đó có
phải là nạn nhân buôn người là điều chúng ta cần phải suy ngẫm…
Điều “Dang” lo sợ là anh sẽ bị trả
về Việt Nam. Luật sư biện hộ Audun Helgheim cho biết: Về Việt Nam, anh có nguy
cơ bị thủ phạm ám hại, do những gì anh đã khai… Tương lai ở Việt Nam của người
đàn ông trẻ Việt Nam này, là một sự mịt mù. Nếu tôi về nhà, có lẽ tôi sẽ bị
giết. Và ở đó, tôi cũng không còn gì. Trong cuộc thẩm vấn với cảnh sát vào ngày
22 tháng 6 năm nay, “Dang” nói anh như một người đã chết: Tôi không còn gì để
sống nữa. Tôi chỉ ước ao có thể gặp lại mẹ một lần.
Câu nói thượng dẫn bỗng khiến
tôi nhớ mấy câu thơ của Huyền Chi, và bản nhạc Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy: Nhìn về
đường cố lý cố lý xa xôi/ Đời nhịp sầu lỡ bước bước hoang mang rồi …/ Mẹ già
ngồi im bóng mái tóc tuyết sương/ Mong con bạc lòng …
Không biết có bao nhiêu bà mẹ
Việt Nam vẫn đang ngồi tựa cửa mỗi chiều, và bao nhiêu thanh niên
thiếu nữ từ xứ sở này đã “lỡ bước hoang mang” trên con đường lưu
lạc. Điều an ủi duy nhất cho những kẻ tha phương cầu thực là không hề
có một lời lẽ, cử chỉ, hay thái độ miệt thị nào từ người dân
(cũng như từ những cơ quan hữu trách) ở nước ngoài.
Sáng sớm hôm 23 tháng 10 năm
2019, dân Anh vừa mở mắt dậy đã nhận được thông tin khiến ai cũng
phải bàng hoàng: cảnh sát mới phát hiện ra 39 thi thể người Việt
nằm chết trong một cái container tại khu công nghiệp Waterglade!
Họ phản ứng ra sao?
Không một lời than phiền, không
một câu trách móc. Sau khi biết rõ sự việc, họ bầy tỏ sự thương cảm
bằng cách lặng lẽ mang hoa tưởng niệm đến nơi đặt xác nạn nhân. Ngay
sau đó, họ tổ chức cầu nguyện cho linh hồn của người quá cố. Rồi
họ sắp xếp những chuyến bay để đưa tất cả thi hài của những kẻ xấu
số trở về quê quán, và đích thân vị đại sứ Anh ở Việt Nam – ông
Gareth Ward – đã đến tận nơi để chia buồn.
Người Na Uy bây giờ cũng thế.
Từ luật sư, toà án, nha ngoại kiều, và các cơ quan thiện nguyện của
họ đều chia sẻ một nỗi băn khoăn chung:“Dang” là tội phạm hay nạn
nhân!?”
Có lẽ cả hai nhưng đồng bào
của nạn nhân, tiếc thay, chỉ nhìn ra ông là một tên tội phạm
:
– Kieu Ninh Vaagen : “Nhìn mặt biết gian.
– ”Hoang Nguyen Van: “Nhìn mặt là biết lưu manh, là
trùm du đảng, không là nạn nhân.”
– Cuong Le: “Xứ này luật pháp văn minh và nhân bản
nên các lão cứ thoải mái lợi dụng quyền làm người rồi khai ra làm sao cho thật
đáng thương để được khoang hồng…”
Cá nhân “Dang” thì không hề có
một lời biện minh, biện hộ hay biện bạch nào cả. Trong cuộc thẩm vấn
với cảnh sát vào ngày 22 tháng 6 năm nay, ông chỉ nói: “Tôi không còn gì để
sống nữa. Tôi chỉ ước ao có thể gặp lại mẹ một lần.”
Nỗi “ước ao” nhỏ bé này lại
khiến tôi liên tưởng đến đôi câu đối thoại (giữa hai người đồng cảnh,
từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại nhà tù nào đó ở Âu Châu) trong
truyện ngắn của một nhà văn Việt Nam ở Na Uy:
Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó
nói:“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên
cạnh em chết ngạt.”
“Chết!?”
“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai
ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con
ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để
thở.
Thương hại nó hay nhường cho em thở
lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào
được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái
tội đòi về… Anh có nghe không đấy?”
“Nghe rõ cả.”
“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được,
dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”
“Chắc đúng.”
“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung
tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có
thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước
khi chết nó tựa vai em lầm bầm ‘Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn
về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.’ Giọng nó như đứa trẻ con ba
tuổi.” (Tâm Thanh. “Người Rơm”. Thế Kỷ
21, Jul. 2010).
Đối với nhiều người dân Việt
thì muốn sống như một ngư dân nghèo nơi vùng biển quê hương (như ông
Dang) hay mong “muốn cơ cực ở nhà gần mẹ suốt đời” (như cô Tuyết) e
đều chỉ là thứ ước mộng rất xa vời trong chế độ hiện hành.
No comments:
Post a Comment