Truyền thông thể hiện quyền lực chế độ và phát ngôn của lãnh đạo gây "bão" mạng xã hội
Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
06-10-2023
RFA
RFA edited
Trong chế độ toàn trị bởi Đảng Cộng sản độc quyền truyền thông không những chỉ để ngăn chặn thông tin “xấu độc” của thế lực thù địch mà còn để ca ngợi tính ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, trong những tình huống “bất ngờ” những phát ngôn của lãnh đạo có thể cho biết rất nhiều về sự thật bị che giấu: thực tế đang diễn ra và bản tính của họ.
“Thể hiện quyền lực chế độ”
Bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam (THVN) là “sân khấu” độc diễn của các lãnh đạo cấp cao của chế độ. Nó phản ánh đặc trưng của chế độ Đảng CS toàn trị là quyền lực tập trung cao độ và sự lãnh đạo tập thể, trước hết là “tứ trụ” theo theo tôn ti trật tự: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ Tịch quốc hội, rồi sau mới đến các lãnh đạo có thứ bậc thấp hơn… Trật tự quyền lực như vậy đã có từ lâu, trong mô hình toàn trị kiểu Liên Xô, khi đó lãnh tụ được sùng bái, người dân phải vâng lời, sống “noi theo” và chết “vì lãnh tụ” nhất là trong thời chiến… Trong chương trình này những bài phát biểu được viết sẵn với những cụm từ quen thuộc áp dụng tuỳ tình huống như “nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới” (ngoại giao), “lợi nhuận cùng hưởng, rủi ro chia sẻ…” (doanh nghiệp, đầu tư), “cả hệ thống chính trị vào cuộc” (vượt khó), “còn đảng còn mình” hay “thế lực phản động” (bảo vệ chế độ… không có gì mới để khiến khán thính giả quan tâm.
Trong bối cảnh tham nhũng là quốc nạn, cái niềm tin vào chế độ đã “vơi” đi nhiều, người dân, nhất là giới trẻ đã có hiểu biết hơn, tự kiếm sống nên họ tin vào chính họ nhiều hơn thay vì tin vào đảng, nhà nước… tuy nhiên, truyền thông độc quyền vẫn là phương tiện thể hiện quyền lực. Ở Đài THVN vẫn “lưu truyền” về sự cố mang tính “tai nạn nghề nghiệp” dù xảy ra đã lâu. Chuyện kể rằng trong một buổi tác nghiệp được Đài truyền trực tiếp một nữ phóng viên trẻ của Đài phỏng vấn với một nữ lãnh đạo cao cấp, bắt đầu bằng: “Thưa chị” khiến bà ấy “phật ý”. Cách xưng hô được quen nghe, ít ra phải là “Thưa bà Phó chủ tịch nước Lãnh đạo”. Sau sự cố này là quyết định hậu trường “bí hiểm”, cô nữ phóng viên trẻ này đã không khi nào còn thấy xuất hiện trong các chương trình TV trực tiếp nữa! Hay, như mới đây, ngày 10/9/2023 trong sự kiện đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hà Nội, lời phát biểu của ông ấy đã bị “cắt xén” đoạn nói về nhân quyền… Đài THVN là độc quyền của chế độ và là nơi giới lãnh đạo Đảng, nhà nước luôn thể hiện phân biệt đẳng cấp trong tình huống “nhỏ nhặt” hay nhấn mạnh chủ quyền trong đối ngoại!
“Phát ngôn gây bão mạng”
Chuyển đổi sang thị trường thường xuyên gây những bất ngờ, ngạc nhiên cho chế độ, trong đó các quan chức có nhiều dịp để thể hiện “cái tôi” nhiều hơn, họ trở nên “thật hơn” với chính họ và công việc họ đang làm, trong đó có các phát ngôn gây sốc, gây bão mạng, và truyền thông đã “chớp” lấy cơ hội”. Ngày 18/9/2023 mới đây tại tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (TAND), ông Chánh án TAND Tối cao có lời phát biểu được nhiều báo nhà nước “giật TÍT”: “Cứ sai là kỷ luật thì lấy đâu ra người làm việc.” Ông ấy cho rằng, chỉ khi nào cố tình làm sai, làm sai lệch hồ sơ vụ án, giả mạo hồ sơ… thì mới phải chịu trách nhiệm…
Lập tức trở thành “sự kiện”, phát ngôn “gây sốc” của ông ta nhanh chóng được đưa lên Facebook, được cư dân mạng chú ý làm “dậy sóng”. Các facebookers gợi nhớ về câu nói của một nguyên lãnh đạo trong “tứ trụ”, đại ý rằng kỷ luật hết lấy cán bộ đâu làm việc?! Họ bình luận rằng vị nguyên lãnh đạo này ám chỉ trong thời chuyển đổi thị trường nhiều cán bộ đảng viên lãnh đạo đã biến chất hư hỏng về đạo đức. Còn đối với trường hợp cụ thể trên ông Chánh án toà Tối cao hàm ý rằng chỉ khi nào “chủ ý” làm sai thì mới bị kỷ luật. Dư luận cho rằng nói như thế là “bao biện” về năng lực chuyên môn, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn thế, Nghị quyết Quốc hội “cho phép” tỷ lệ 1,5% án oan sai là “nguy”, dân oan sẽ có thể rất lớn, ước tính khoảng 9000 vụ “oan sai” được phép trên hơn 600 ngàn vụ án!
Từ chủ trương “sai” việc hoạch định và thực thi chính sách “bất chấp” có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Truyền thông độc quyền đã không cho dân chúng biết, rằng ngày 22/9 vừa qua tử tù Lê Văn Mạnh đã bị hành quyết, mặc dù dư luận, các luật sư trong nước, phái đoàn Liên minh châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao một số nước phương Tây ở Hà Nội đã kêu gọi chính phủ Việt Nam dừng thi hành án để điều tra “sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.”
“Nhận diện sự giả dối”
Trong chiến dịch chống tham nhũng không ít lãnh đạo bị loại khỏi hệ thống quyền lực. Lời nói trái ngược với việc làm, họ đã phơi bày sự giả dối, bộ mặt đạo đức giả. Cứ vào lễ khai giảng đầu năm học mới hình ảnh các lãnh đạo “đánh trống trường”, những lời rao giảng về đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, về tương lai tuổi trẻ… được đưa lên mạng xã hội tương phản với cũng những gương mặt ấy nhưng “thiểu não” vì đã bị “đảng kỷ luật” hay bị “truy cứu trách nhiệm hình sự!”. Họ đã phản bội lại lý tưởng chủ nghĩa xã hội và lời thề là người tiên phong xây dựng cái xã hội cao đẹp ấy chỉ vì sự cám dỗ của tiền bẩn hối lộ!
Tự do biểu đạt là quyền con người tương phản với độc quyền truyền thông. Sự giả dối thường luôn được các chính trị gia che đậy, giấu diếm tinh vi nhưng nếu cơ chế đảm bảo quyền cơ bản đó về thực chất thì “tính xấu” này sẽ được nhận diện. Ở Hoa kỳ - đối tác chiến lược toàn diện mới nhất của Việt Nam, nơi có tự do báo chí đã xảy ra trường hợp điển hình về Richard Nixon, Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ (tại nhiệm từ năm 1969 đến năm 1974…), rằng ông ta có lời lẽ cũng khá vui vẻ, nhưng một số lời “đều như nhau, khoảng năm, sáu câu y hệt”. Dường như, có sẵn một quỹ các câu nói cho mỗi loại người có thể gặp, ông ta nói với “những hình nộm chứ không phải với người thật...” Mười năm sau khi dính líu vào vụ bê bối chính trị Watergate nổi tiếng, ông ta bị áp lực phải từ chức … một phần cũng vì tính giả dối.
Sự khác biệt thể chế chính trị được tôn trọng, nhưng sự khác biệt giữa tự do và độc quyền, trong đó có truyền thông, báo chí, không thể không được nhận thức về tính ưu việt của nó cho phát triển của mỗi quốc gia. Trong khi độc quyền truyền thông nhằm mục đích tạo sự trung thành và “vâng lời” đảng, chế độ thì tự do báo chí thể hiện nguyên tắc hàng đầu của chế độ dân chủ là công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trước người dân. Ở Việt Nam, đầu năm nay 2023, ông Chủ tịch nước và hai phó thủ tướng đương nhiệm (2021-2026) buộc phải “từ chức” vì “chịu trách nhiệm chính trị” để cho cấp dưới tham nhũng nghiêm trọng… Hiện thời, có ông Uỷ viên trung ương, bí thư Bến tre “giả dối” với đảng về kê khai tài sản… đang chờ án kỷ luật… Không cùng tham chiếu để phán xét đạo đức của giới lãnh đạo hai chế độ chính trị khác biệt, nhưng sự “suy nghĩ” trong đầu mỗi cá nhân là không thể cấm được!
Người dân không thích, không tin những kẻ giả dối và không muốn những kẻ như vậy nắm vận mệnh quốc gia. Thể chế cần cải cách theo hướng tạo ra cơ chế để nhận diện và có thể loại bỏ các phần tử này. Nhưng thật trớ trêu, trong khi Đảng cam kết “làm trong sạch” bộ máy trong khi giới tinh hoa vẫn tranh cãi “bất phân thắng bại” rằng những cán bộ lãnh đạo suy thoái, tham nhũng đang huỷ hoại chế độ hay chế độ đang sụp đổ sản sinh những cán bộ lãnh đạo giả dối!
Phạm Quý Thọ
*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do
No comments:
Post a Comment