Saturday, October 7, 2023

Dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét tỉnh Bình Thuận: Hãy lắng nghe ý kiến của dân!

Song Chi
Thứ Năm, 10/05/2023 - 16:15 
RFA

Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 2 người Chăm:

Ông Thông Thanh Khánh (Khanh Pham), nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Sinh trưởng tại Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn và Cambodia.

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Dấu Ấn Phật Giáo Champa – NXB Cà Mau -1999

- Chùa Ninh Thuận – NXB TP.HCM-2001

- Mật Pháp – NXB Lao Động- 2023

Ông Lưu Quang Sáng (Amuchandra Luu), sinh tại Phan Rang, hiện sống và làm việc tại California. Thạc sĩ toán và có gần 20 năm giảng dạy ở trường đại học cộng đồng tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa USA, qua 7 nhiệm kỳ chủ tịch.

***

*Gần đây dư luận xôn xao về dự án phá hủy hơn 600 hecta rừng tự nhiên để làm hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận với lý do chính quyền địa phương đưa ra là Bình Thuận rất khó khăn về nước, do vậy, việc tạo một hồ sinh thủy cho địa phương như hồ Ka Pét là vô cùng cần thiết. Còn về khu rừng này, khi trả lời báo chí, ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay “hiện trạng chủ yếu là rừng phục hồi, không có diện tích rừng giàu, không có loài động vật hoang dã và quý hiếm. Gỗ ở đây chủ yếu thuộc nhóm năm đến nhóm tám, với đường kính chủ yếu là nhỏ, chiếm tới 63,5%, cũng không có các loại thực vật phải quản lý chặt chẽ và hạn chế theo Công ước quốc tế, cũng như theo các Nghị định của Chính phủ…” (“Đốn hạ 600ha rừng làm hồ thủy lợi Ka Pét: Lịch sử dự án 870 tỷ trên 'vùng đất khát', Người Đô thị). Thưa các ông nghĩ gì về những lập luận này?

Ông Thông Thanh Khánh: Có thể theo tôi, ông Bộ Trưởng dựa vào số liệu từ hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án hồ chứa nước Ka Pét của UBND tỉnh Bình Thuận. Đã có rất nhiều chuyên gia về môi trường lên tiếng về hồ sơ báo cáo này, xin tóm lược vài ý chính mà các chuyên gia phản biện nêu ra; Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, trang 13,17 nêu "Diện tích sử dụng đất của dự án : 697,73 ha..trong đó diện tích sử dụng đất rừng là 679,27ha (đất có rừng là 619,58ha, đất rừng nhưng không có rừng là 60,14ha) còn lại là 18,01ha là đất sản xuất nông nghiệp”, trong bản tóm tắt của báo cáo cũng tương tự, không hề nêu rõ về cơ cấu rừng trong tổng diện tích 697,73 ha này là gì. Nếu không biết cơ cấu rừng và môi trường từng phần, thì báo cáo sẽ đánh giá tác động của cái gì trên diện tích đó?

Về phần đánh giá về tác động xấu đến các đối tượng tự nhiên được chia ra là sông suối, hồ đập ở trang 16,17 thì rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được xếp vào nhóm "các đối tượng tự nhiên khác" mà vỏn vẹn chỉ là bằng một cái gạch đầu dòng có nội dung như sau: "Gần khu vực dự án không có rừng, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên ở khá xa dự án khoảng 5km về phía Tây Nam có khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Trong vùng ngập lòng hồ không có di tích văn hóa lịch sử, chỉ có khoảng 30 ngôi mộ của đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh." Và rồi mãi đến trang 51,52 chúng ta mới được biết qua bảng hiện trạng đất rừng khu vực dự án thì lại xuất hiện có diện tích 149,09 ha là rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông, với cơ cấu chiếm 21,93% cho một dự án rộng hơn 697,73ha, được đánh giá bằng 5 dòng, và trong 5 dòng đó lại là vùng lõi nó sẽ bị xóa xổ hoàn toàn và không còn tồn tại. Cần lưu ý rằng, đây cũng là bản đánh giá tác động môi trường phục vụ tham vấn cộng đồng được đăng tải công khai trên cổng thông tin của bộ Tài Nguyên và Môi Trường đồng thời bản đánh giá này cũng đã có trong tay các vị đại biểu quốc hội. Bản đánh giá này cơ bản đã xóa xổ 1/5 diện tích rừng đặc dụng khỏi dự án như chưa từng có sự tồn tại của nó thì việc xác định đã theo Công Ước Quốc Tế cũng như theo các Nghị Định của Chính phủ chưa?!.

Ông Lưu Quang Sáng: Những gì họ muốn, họ đều có lý do để lấp liếm với những báo cáo Tác Động Môi Trường theo quy trình họ đặt ra. Chúng ta vừa mới trải qua nỗi đau Kit Test Việt Á và Chuyến bay giải cứu nên đừng có thêm nỗi đau mang tên Kapet. Trong vụ án Việt Á và Chuyến bay giải cứu, có những bàn tay che trời và khi những nhóm lợi ích khui nhau thì dân chúng mới biết và đã muộn. Kapet thì khác, dân chúng có thể kiểm chứng ngay và luôn ngoại trừ Quốc hội không muốn ghi nhận. Chẳng hạn như hình ảnh của VnExpress chụp, báo cáo của Ban Tuyên Giáo Bình Thuận về rừng phòng hộ Sông Móng – Kapet, đặc biệt là những hình ảnh Google mà ai cũng có thể kiểm chứng. Như giáo sư Nguyễn Ngọc Chu nói “hình ảnh Google cho thấy rừng Kapet xanh và đậm hơn khững khu rừng khác trên toàn quốc”. Nói chung là yêu cầu Quốc Hội và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường thẩm định lại và đừng để sự việc đi quá xa như sự dối trá thế kỷ của Việt Á và Chuyến bay giải cứu.

*Khi Quốc Hội Việt Nam đã thông qua dự án hồ thủy lợi Ka Pét này thì dư luận người Chăm như thế nào, thưa ông Lưu Quang Sáng?

Ông Lưu Quang Sáng: Dạ khóc, khóc và cầu nguyện rất nhiều với hy vọng cao xanh nghe được Tiếng Khóc Dân Chàm mà tạo nên một kỳ tích bảo vệ được rừng thiêng Kapet. Xin nhớ rằng với một khu vực hẹp và nóng nhất Việt Nam như Ninh Bình Thuận, tàn phá 600 hecta rừng nguyên sinh cũng giống như một cuộc cháy lịch sử ở khu rừng Amazon, lá phổi của thế giới. Đồng tình với nhiều nhà khoa học khác, chúng tôi yêu cầu Quốc Hội Việt Nam cho dừng và đánh giá lại dự án hồ Kapet.

*Xin các ông cho biết những lý do chính mà người Chăm phản đối trong vụ phá rừng làm hồ thủy lợi này? Và cả cộng đồng Rai (Raglai) mà cuộc sống cũng gắn bó với khu rừng này hàng trăm năm qua?

Ông Thông Thanh Khánh: Căn cứ vào điều 2 khoản 8, điều 5 khoản 2 điểm d và điều 52 khoản 2 điểm c quy định về rừng tín ngưỡng của Luật Lâm Nghiệp được Quốc hội ban hành năm 2017 là rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng cư dân sống dựa vào rừng thì Khu Thánh Tích Pô Cei Khar Mâh Bingu(gọi tắt là Cậu Hoa) là Rừng Đặc Dụng, phạm vi tín ngưỡng cần được bảo vệ của cộng đồng dân tộc Chăm, Raglai thuộc 3 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc,Tánh Linh.Toàn bộ khu Thánh Tích này nằm trong diện tích 149,09ha khu rừng đặc dụng trong tương lai bị nhấn chìm trên 7m nước của lòng hồ Ka Pét.

Với quá trình hình thành Khu Thánh Tích Cậu Hoa bằng rất nhiều tư liệu lịch sử, truyện kể, văn chương bằng ngôn ngữ Chăm, các ghi chép của các nhà truyền giáo dòng Tên (MEP) bằng tiếng Pháp và cả trong các sử liệu của Nhà Nguyễn còn lưu truyền cho đến ngày hôm nay cho chúng ta biết rất rõ rằng từ trước năm 1693 Khu Thánh địa này vốn là Khu Dinh Điền của một Đại Danh Thần của Triều Pô Rôme (1627-1651) vương quốc Chiêm Thành, với danh xưng là Cei Sah Bin Bingu và tục danh thường gọi là Cei Khar Mâh Bingu, sử liệu Nhà Nguyễn và những nhà truyền giáo của đạo Công Giáo thuộc dòng Tên ghi bằng Hán Tự là Chế Vinh. Do không đồng quan điểm với Triều Đình nên Ngài xin treo ấn từ quan lui về quê nhà thực hiện công cuộc khai hoang, phá thạch quy khu lập làng trải rộng từ vùng Nông Tang đến khu vực Mỹ Thạnh, Hàm Cần, rồi là Đồng Kho, Đồng Me, La Ngâu, Đa Mi của huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh ngày nay. Việc hình thành nên các làng Chăm, Raglai, Churu phía nam Bình Thuận có thể xem ông như là vị Tiền hiền Khai hoang lập làng.

Năm 1693 Chúa Nguyễn đem binh xóa bỏ Vương quốc Chiêm Thành và thành lập Thuận Phủ cũng từ đó đã có những cuộc kháng chiến đòi tái lập Vương Quốc Chiêm Thành liên tiếp xảy ra Ngài lại là người trung gian hòa giải, người làm nên sự hình thành hai chính quyền cùng tồn tại hài hòa vào năm 1697 với Bình Thuận Phủ (đặc trách quản lý Người Kinh) và Thuận Thành Trấn năm 1694 (đặc trách quản lý người Chăm và các cộng đồng dân tộc thiểu số). Việc hình thành mô hình tổ chức này đã thật sự tạo vị thế chiến lược để Chúa Nguyễn mở rộng về phương nam với việc xác lập vùng đất Sài Gòn-Gia Định năm 1698. Chính vì công lao to lớn này mà vào Năm Khải Định Thứ 9 (1924) nhân lễ Tứ tuần, nhà vua đã ban sắc phong cho Ngài với mỹ tự là Cậu Hoa tôn thần, Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Đẳng Thần, chuẩn cho Tổng Nông Tang [nay là thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú huyện Hàm Thuận Bắc] phụng sự. Ngài mất vì già yếu được an táng ngay tại Khu Dinh Điền do Ngài khai phá, từ đó hàng năm cộng đồng người Chăm Hàm Thuận và Tánh Linh tổ chức những cuộc hành hương về khu dinh điền này để rồi sau đó Cộng Đồng Người Chăm Nam Bình Thuận xem đây là Khu Thánh Tích thiêng liêng để thực hành nghi lễ hành hương gắn lệ thường niên.

Thế mà trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường thì khu thánh tích có trên 10ha này đã hoàn toàn không đề cập đến. Cũng vậy với hiện trạng các ngôi mộ của người Raglai theo người dân địa phương báo có trên 100 ngôi mộ nằm trong khu vực xây dựng lòng hồ thế mà tại hồ sơ đánh giá tác động môi trường cụ thể, trong cùng trang 17, ở đầu trang viết có 30 ngôi mộ của đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh, đến giữa trang nó đã trở thành 20 ngôi mộ. Không biết bằng cách màu nhiệm nào mà bản báo cáo này đủ can đảm xóa xổ 10 ngôi mộ trong nửa trang giấy và khẳng định "Trên diện tích đất của dự án không có nhà cửa của người dân và công trình hạ tầng nào ngoài 20 ngôi mộ nằm trong vùng ngập lòng hồ".Trên 10ha Khu Thánh Tích đã bị biến mất khỏi bản báo cáo đã đành ngay như những ngôi mộ của người Raglai cũng cùng chung số phận; ở đầu trang báo cáo ghi là 30 và giữa trang lại hạ xuống còn có 20 ngôi mộ, một kiểu báo cáo đánh giá vô trách nhiệm, phản khoa học không thể chấp nhận được.

Khu Thánh tích trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường không có một câu, một chữ nào đề cập đến thế nhưng lại âm thầm thông qua UBND xã Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận đã cho mời 3 vị đại diện chức sắc, chức việc thuộc Ban phong tục Bà La Môn giáo huyện Hàm Thuận Bắc, Hội Lăng Cậu Hoa[Pô Cei Khar Mâh Bingu] là nơi trực tiếp quản lý, phụng thờ khu Thánh Tích để trao đổi bàn chuyện di dời quần thể khu Thánh Tích này đến một nơi khác mà chính quyền đã quy hoạch sẵn với diện tích được cấp là 2000m2 đất. Khu Thánh tích được hình thành khoảng từ (tk16-17), có tổng diện tích trên 10ha[100.000m2] chứa nhiều các di tích, hiện vật quan trọng có giá trị đóng góp cho lịch sử chung của dân tộc, khu rừng nơi Thánh tích cả người Raglai, Kahow, người Chăm cùng bảo vệ, gìn giữ, qua hàng trăm năm vì tính linh thiêng và cũng là bảo vệ nơi đầu nguồn nước giờ buộc phải di dời về một vị trí mới bó hẹp trong phạm vi 2000m2 như thế đã thật sự tạo ra những tiếng nói phản kháng của hầu hết các vị nhân sĩ trí thức bản địa và cộng đồng người Chăm, người Raglai khu vực tôn thờ Thánh Tích này. Cách hành xử như vậy có thể xem như chính quyền tỉnh Bình Thuận đã vô tình hay cố ý xóa bỏ quần thể khu Thánh Tích tồn tại trên 300 năm và xóa luôn truyền thống hành hương tâm linh 7 năm một lần của cộng đồng người Chăm nam Bình Thuận. Hệ lụy của việc làm này trong tương lai sẽ có những tác nhân xung đột “sắc tộc” không đáng có, ảnh hướng rất lớn đến chính sách đại đoàn kết các dân tộc.

Ông Lưu Quang Sáng: Với cộng đồng bản địa Champa rừng là sự sống, là mẹ, là sự linh thiêng nên mỗi khi vào rừng họ đều cúng nhất là khi đốn cây. Đặc biệt với người Chăm, những gì cần bảo vệ họ thêm vào yếu tố tâm linh để răn đe con cháu như vào rừng thiêng phải cẩn thận từ ngôn từ đến hành động. Nhờ thế mà khu rừng Kapet được bào vệ xanh và rậm hơn so với những rừng khác trên cả nước.

Trích từ Trang Thông Tin Điện Tử Ban Tuyên Giáo Tỉnh Bình Thuận: “Theo ông Nguyễn Văn Trinh, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét thì, cánh rừng này gần như chưa bị tác động, còn giữ nguyên hiện trạng như rừng nguyên sinh. Ngoài những cây rừng đặc thù như: Căm xe, Bằng lăng, Giáng hương, Gõ đỏ, Sao, Dầu, Sến … rừng Ca Pét còn có hàng ngàn cây Lim xanh quý giá. Mỗi cây Lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng.”

Hơn nữa nơi đây có hai Thánh Tích của những vị tiền hiền có công khai phá khu vực huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận đó là các thánh Pô Haniim Per và Pô Khan Mưh Bingu. Cứ 7 năm một lần cộng đồng Chăm, Raglai, Chu Ru hành hương về khu rừng thiêng Kapet để thực hiện nghi lễ tôn giáo tại khu lăng mộ Pô Khan Mưh Bingu. Nếu hồ Kapet được xây dựng thì khu Thánh Tích của người bản địa Champa sẽ vĩnh viễn bị nhấn chìm dưới lòng hồ nước sâu. Như thế họ không oán than sao đặng?

Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao đã phê chuẩn một dự án thì làm sao một cộng đồng bản địa Champa nhỏ nhoi có thể phản đối được. Nhưng muốn người dân tuân thủ hiến pháp, trước tiên Quốc Hội phải tuân thủ hiến pháp bằng cách bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Và giờ đây cộng đồng bản địa Champa đang muốn nghe cách giải quyết khu Thánh Tích Pô Khan Mưh Bingu từ phía chính quyền tỉnh Bình Thuận và Quốc Hội Việt Nam sao cho hợp hiến và hợp lòng dân.

*Theo các ông nếu Bình Thuận thực sự thiếu nước thì có thể có những giải pháp khác thay vì phá khu rừng tự nhiên này để làm hồ thủy lợi?

Ông Thông Thanh Khánh: Bình Thuận là một vùng đất khô hạn chỉ sau Ninh Thuận nên việc tìm nguồn nước để tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt cho người dân là rất cần thiết, tuy nhiên Bình Thuận cũng đang sở hữu rất nhiều khu vực có thể tạo lập các hồ chứa nước nhỏ mà không nhất thiết là phải đánh đổi 149,09ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông và khu Thánh tích Pô Cei Khar Mâh Bingu.

Mới đây trả lời báo chí, nguyên bí thứ tỉnh Bình Thuận ông Đinh Trung đã đưa ra một giải pháp khá hợp lý đăng trên tienphong.vn ngày 30 tháng 9 năm 2023, cụ thể “ .., các huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc và một phần huyện Hàm Thuận Nam đã cơ bản đủ nước. Các huyện Tánh Linh, Đức Linh bảo đảm nước do có thủy lợi Tà Pao. Hiện chỉ có các huyện Hàm Tân, thị xã La Gi và một phần diện tích huyện Hàm Thuận Nam cần nước bổ sung. Giải quyết bài toán nước bổ sung này, trước đây đã có chủ trương dẫn nước từ sông La Ngà về hồ Biển Lạc làm nơi trung chuyển và tích nước đào kênh dẫn về Hàm Tân, thị xã La Gi, phía Tây Hàm Thuận Nam. Sử dụng nước hồ La Ngà 3 chắc chắn hiệu quả hơn nhiều lần hồ Ka Pét. Về mất diện tích rừng tự nhiên thì làm hồ La Ngà 3 sẽ mất gần 3.000 ha đất nhưng chủ yếu là đất nông nghiệp, còn hơn mất rừng tự nhiên tương đương với làm hồ Ka Pét”. Giải pháp này theo tôi xem ra có tính khả thi hơn gấp nhiều lần so với việc phá rừng tự nhiên để làm hồ chứa nước như Ka Pét. Giải Pháp Ông Đinh Trung nêu sẽ còn cứu hạn cho một lượng lớn đất nông nghiệp ở phía Nam huyện Hàm Tân vốn phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa mà ông trời ban tặng.

Ông Lưu Quang Sáng: Hai tỉnh Ninh Bình Thuận thuộc khu vực bán sa mạc nên việc thiếu nước theo mùa là điều dễ hiểu. Bình Thuận đã có 14 hồ thủy lợi nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, chứng tỏ Bình Thuận không phải là khu vực tốt để xây dựng hồ thủy lợi. Phá thêm rừng nguyên sinh sẽ gây nguy hiểm cho môi trường trong tương lai và không có gì đảm bảo sẽ tích tụ được nước. Nên chúng ta phải nhìn xa hơn một chút đó là sông La Ngà. Trước năm 1975 người ta đã tính đến việc đưa nước sông La Ngà về Ninh Bình Thuận. Ngày nay lại càng thuận tiện hơn. Theo phản biện của những chuyên gia thì hồ La Ngà 3 với dụng tích gấp 10 lần hồ Kapet có thể giải quyết được vấn đề nước cho nam Bình Thuận, bắc Đồng Nai và tình Bà Rịa. Tại sao phải vội vã hủy hoại rừng nguyên sinh Kapet khi hồ La Nga 3 vẫn phải xây dựng?

*Trước đây, dự án điện hạt nhân từng được dự tính thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận. Nhưng đến ngày 22/11/2016, Quốc hội của nhà nước Cộng hòa XHCNVN đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi đó cho biết: "Việc dừng dự án không phải vì lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay". Theo các ông, quyết định này có phần nào đến từ sự lo ngại, hoài nghi của dư luận trong đó có cộng đồng người Chăm? Hồi đó người Chăm đã làm gì để bày tỏ sự lo ngại, không đồng tình của mình?

Ông Thông Thanh Khánh: Quốc hội đã cho dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận là hoàn toàn chính xác. Dự án này vào thời điểm đó đã thật sự gây ra những lo lắng, hoang mang cho người dân Ninh Thuận nói chúng và cộng đồng Người Chăm nói riêng. Tại thời điểm đó đã có những tiếng nói phản biện, kiến nghị của hầu hết các trí thức Chăm trong và ngoài nước về sự an nguy của cộng đồng vì hầu như các plei[làng] Chăm đều nằm quanh khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân này.Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính yếu để dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận vẫn “là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay” như cựu bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu và có thêm một phần nữa là những tiếng nói từ cộng đồng người Chăm,sắc dân trực tiếp bị ảnh hưởng.

Ông Lưu Quang Sáng: Ninh Thuận được Quốc hội duyệt xây dựng hai Nhà máy Điện hạt nhân ở hai đầu địa phận tỉnh. Quyết sách này gây hoang mang lớn trong cộng đồng. Lúc đó trên website Inrasara.com, nhà văn Inrasara đã chỉ ra ba điểm. Thứ nhất, người Chăm là dân bản địa sống tại mảnh đất này hơn 2.000 năm, trong khi người Việt mới đến cư trú 200 năm nay thôi. Thứ hai, một nửa dân số người Chăm sống ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu Nhà máy gặp sự cố. Thứ ba, hơn một trăm điểm, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng như Kut, Ghur, Danok nhất là 3 cụm tháp ngàn năm tuổi đang được thờ phụng sẽ bị hoang phế. Qua các bài viết của nhà văn Inrasara liên tục đăng 18 tháng, cộng đồng Chăm từ trong nước đến hải ngoại, lên tiếng phản đối. Sau đó nhà văn Inrasara được mời sang các nước Nhật Bản, Đài Loan… thuyết trình chủ đề “Người Chăm và Điện hạt nhân” rất được hoan nghênh. Được biết có 68 người Chăm kí vào Thỉnh Nguyện Thư gửi Thủ tướng Nga và Thủ tướng Nhật. Đó là do tự nguyện, tôi tin nếu bà con được cho biết về bức thư ấy, thì 100% người Chăm kí phản đối. Không phải người Chăm chống Chính quyền, mà họ lo sợ cho sinh mệnh mình, cho miền đất thiêng, và nhất là cho các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng của mình. Cộng đồng Chăm cần nói lên tiếng nói mạnh mẽ nhưng hòa bình của mình như là dân tộc bản địa, còn ý kiến của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nếu nguyên do vì đâu ngưng Dự án thì tôi không bàn. Riêng về tâm linh tôi tin là tiếng khóc ai oán của chúng tôi đã được lắng nghe và dự án không thuận thiêng đã được dừng.

*Bài học đó có thể áp dụng vào vụ xây dựng hồ chứa nước hôm nay? Các ông nghĩ tiếng nói của dư luận liệu có làm thay đổi được quyết tâm thực hiện của chính quyền tỉnh Bình Thuận và nếu không thì người dân cần phải làm gì?

Ông Thông Thanh Khánh: Trở lại vấn đề xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, đây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào quyết định của cơ quan chủ quản đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên dự án này đã ảnh hưởng trực tiếp, tức thời đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng truyền thống lâu đời cũng như giá trị văn hóa lịch sử của cộng đồng người Chăm, người Raglai phía nam Bình Thuận một cách nghiêm trọng. Chính vì điều đó mà đã có nhiều tiếng nói có lương tri, có trách nhiệm đã lên tiếng, cộng đồng người Chăm và trí thức Chăm đã và đang tiếp tục lên tiếng. Ban phong tục Bà La Môn giáo huyện Hàm Thuận Bắc, Lăng Hội Cậu Hoa [Cei Khar Mâh Bingu] nơi trực tiếp phụng thờ, quản lý khu Thánh Tích đã có kiến nghị gởi đến chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận nếu rõ quan điểm nên dừng việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét vì đe dọa đến khu Thánh tích, đến đời sống tín ngưỡng tâm linh và rừng thiêng đầu nguồn của cộng đồng người Chăm, Raglai Nam Bình Thuận nên hy vọng lãnh đạo Trung Ương và tỉnh Bình Thuận sẽ biết lắng nghe, biết tôn trọng ý nguyện của cộng đồng.

Ông Lưu Quang Sáng: Hiện nay phản ứng của người dân chưa đủ mạnh, đa phần là những phản biện của những chuyên gia, các nhà khoa học, và những người yêu môi trường nên sức ép chưa đủ làm thay đổi quyết tâm thực hiện của chính quyền tình Bình Thuận. Nhưng tôi vẫn hy vọng Quốc Hội sẽ lắng nghe. It nhất là dừng và thẩm định lại.

*Bản thân các ông có những đề xuất gì với nhà nước Việt Nam để giải quyết vụ phá rừng xây hồ này một cách hợp lý, hợp lòng dân đồng thời không phải trả giá đắt cho tương lai?

Ông Thông Thanh Khánh: Theo tôi thì tỉnh Bình Thuận nên kiến nghị với quốc hội và chính phủ xin dừng ngay việc phá rừng tự nhiên để xây dựng hồ chứa nước Pa Két ở Mỹ Thạnh vì bởi;

- Trong tổng diện tích 693,31 ha có đến 149,09 ha là rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông quản lý là cánh rừng thiêng, rừng tín ngưỡng đã được quy định cụ thể tại luật Lâm Nghiệp ban hành năm 2017.Trong cánh rừng này còn tồn tại một quần thể di tích của khu Thánh tích Pô Cei Khar Mâh Bingu gắn với truyền thống hành hương tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng Người Chăm, Raglai phía Nam Bình Thuận từ hơn 300 năm cho đến ngày nay.

- Trong truyền thống và trong tâm thức của cộng đồng người Chăm Nam Bình Thuận, khu rừng này được xem như là rừng mẹ, tượng trưng cho thần mẹ xứ sở Pô Nagar [Glai praong padah tok Po Nagar], rừng đầu nguồn quan trọng giúp bảo vệ và cung cấp nguồn nước sinh kế cho vùng hạ du, việc phá hủy hay xâm hại khu rừng này là hoàn toàn cấm kỵ. Từ những quy định như luật tục này mà rừng núi Ông đã được tồn tại nguyện vẹn trải qua hàng trăm năm không bị con người tác động với hệ thực vật, động vật phong phú và đa dạng, đây không phải là khu rừng nghèo đã bị khai phá cạn kiệt như đã được đánh giá.

- Trong hệ thực vật phong phú ấy là nguồn gen quý hiếm của các loại cây dược liệu bí truyền của cộng đồng người Chăm Nam Bình Thuận. Theo thống kê từ các tài liệu bằng chữ Chăm mà tôi có được thì tại khu vực này có 195 loài với dược tính trội hơn so với các vùng khác đã được tìm thấy và có nhiều loài được xem như là đặc hữu, quý hiếm chỉ tồn tại ở khu vực này mà thôi.

- Thay vì xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét thiết nghĩ tỉnh Bình Thuận nên biến 693,31ha rừng thành điểm du lịch khám phá, chữa lành, cho phép xã hội hóa khai thác du lịch trải nghiệm dưới tán rừng, du lịch thám hiểm Thác bảy tầng, Khu bảo tồn Núi Ông, du lịch hành hương tâm linh, khám phá nét độc đáo văn hóa dân tộc thiểu số bằng cách hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng tự quản, đây có thể xem như là vốn quý của yếu tố khai thác nguồn tài nguyên bản địa một cách lâu dài và bền vững, đồng thời góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh nhà thêm phong phú, nâng cao đời sống của người dân địa phương nơi này.

Ông Lưu Quang Sáng: Hơn 600 Năm trước Pô Klong Girai đã xây dựng đập Nha Trinh để đến nay Ninh Thuận vẫn còn thừa hưởng sâu đậm. Sau đó Pô Haniim Per cũng nhìn thấy địa thế của Danao Haling (Ao thiêng) Tánh Linh có thể cung cấp nước cho Nam Bình Thuận đó là hồ Biển Lạc. Hồ Biển Lạc là hồ tự nhiên rộng hơn 1000 hecta (lớn hơn hồ Ka Pét). Điểm đặc biệt của hồ Biển Lạc là nước có thể ra vào hai chiều theo mùa với sông La Ngà: mùa hạn ra, mùa lũ vào. Tỉnh Bình Thuận chỉ mới chi 10 tỷ đồng cho công trình hồ Biển Lạc mà đã có khả năng điều tiếc lũ. Nếu lấy 870 tỷ đồng của hồ Kapet chia đôi, một nửa xây dựng hồ Biển Lạc, một nửa trồng rừng thì lãnh đạo tỉnh Bình Thuận sẽ ghi danh vào sử sách. Hiện nay tỉnh Bình Thuận đã dự phòng được 1800 hecta đất rừng để thay thế cho 600 hecta rừng Kapet sắp bị phá. Làm như thế 600 hecta rừng nguyên sinh không bị tàn phá mà có thêm 1800 hecta rừng trồng cho thế hệ tương lai thừa hưởng. Chỉ cần chờ nước từ hồ Biển Lạc và hồ La Ngà 3 về là giải quyết được “nan đề” nước cho Bình Thuận. Phát triển bền vững không đáng sao?

*Các ông có muốn nói gì thay cho lời kết?

Ông Lưu Quang Sáng: Như đã nói trên, Quốc Hội phải sáng suốt cho dừng ngay chương trình phá rừng và thẩm định lại. Chính quyền Bình Thuận phải có tầm nhìn chiến lược và phát triển bền vững: giữ lại 600 hecta rừng nguyên sinh Kapet, phủ xanh 1800 hecta rừng dự phòng, cải tạo hồ Biển Lạc, và kiên nhẫn chờ nước về từ hồ La Ngà 3. Điện hạt nhân Ninh Thuận là an ninh Quốc gia, là kinh tế cả nước, là sức mạnh khu vực mà còn dừng lại được, thì một hồ chứa nước Kapet có đáng là chi mà phải bức tử mẹ thiêng nhiên. Bức tử rừng thiêng, bức tử rừng nguyên sinh hôm này là bức tử hậu thế sau này. Không tàn phá thiên nhiên cho lợi ích kinh tế!

*Xin chân thành cảm ơn hai ông.

Song Chi (thực hiện)

No comments:

Post a Comment