Quốc hội Việt Nam đánh giá tín nhiệm thủ tướng, 43 quan chức lãnh đạo
VOA Tiếng Việt
24/10/2023
VOA
Một kỳ họp của Quốc hội Việt Nam. Photo Quochoi.
Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào sáng ngày 25/10 đối với 44 chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Chủ tịch của quốc hội đề nghị cuộc bỏ phiếu cần phải “đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch”.
Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV vào ngày 25/10, sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, bao gồm cả Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí được bổ nhiệm trong đầu năm nay, trong đó có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người lên thay ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp bất thường hồi tháng 3.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong phiên họp chiều ngày 24/10 rằng việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm “nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước”.
“Đây là công việc hệ trọng, cần được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch”, ông Huệ nói.
Dẫn thông tin từ Quốc hội, báo chí trong nước cho hay việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín và kết quả sẽ được công bố trong cùng ngày 25/10, sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm, đối với những trường hợp nhận lượng phiếu tín nhiệm thấp chiếm trên 50% nhưng dưới 2/3 tổng số phiếu, cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Các tiêu chí được đưa ra để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
Nhận định về việc lấy phiếu tín nhiệm này, ông Đinh Đức Long, một cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA:
“Tôi hoan nghênh việc này, tại vì qua cái việc lấy phiếu tín nhiệm ít nhiều cũng làm cái trắc nghiệm hoặc là khuyến khích hoặc là ghi nhận các cái vị đó ở chức năng nhiệm vụ của mình đã hoàn thành ở mức độ như thế nào”.
“Nhưng chỉ có một cái điều rằng Quốc hội Việt Nam hầu hết là đảng viên, cho nên trong Đảng lấy phiếu tín nhiệm rồi, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm nữa thì nó có trùng lặp không? Nó có sự khác biệt gì không?”
“Vẫn là những tổ chức của Đảng thì sự khác biệt rất khó có thể thấy được ngay”.
Theo Nghị quyết 96 của Quốc hội có hiệu lực từ tháng 7/2023, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên có khả năng bị Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm; còn người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì “có thể xin từ chức”.
Quốc hội Việt Nam cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Trong hơn 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhưng với nghị quyết mới này, việc lấy phiếu tín nhiệm được cho là giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, và “không để cán bộ tín nhiệm thấp giữ chức vụ lâu”.
Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này là “cơ chế xác lập trách nhiệm chính trị”, đồng thời là công cụ để giám sát quyền lực, vì theo ông: “Không phải anh có quyền thì làm thế nào cũng được”.
No comments:
Post a Comment