Nỗi niềm với cụ Vũ Thư HiênNguyễn Huy Cường
24-10-2023
Tiengdan
Khoảng năm một chín gần tám mươi gì đó, ở một xóm làng thượng du Phú Thọ tôi gặp một sự lạ. Anh Hồng, khi ấy chừng năm mươi tuổi, đội trưởng sản xuất, hoàn cảnh nghèo, học hành cũng ít, diện cổ cày vai bừa.
Vài lần gặp tôi, anh thì thầm: “Chú mày ở Hà Nội về, biết gì về Bác Trần Xuân Bách và cụ Vũ Đình Huỳnh, cho anh nghe với nhé”.
Bấy giờ, cả nước chỉ lưu hành chừng dăm tờ báo và tin tức thì na ná nhau, tuyệt nhiên không có dòng nào nói về Cụ Vũ Đình Huỳnh cả.
Về Hà Nội, tôi tìm đến cụ Q., một sĩ quan Công an cũng gốc gác làng này. Cụ thuộc diện giờ gọi là “công an sạch”, vì khi tôi mang biếu ba chục trái chanh tươi, ông nói: “Cho bác ít thôi, để mà dùng. Nhà bác mỗi tháng được dư một cân đường, còn phải làm đủ việc, có đâu mà dám pha nước chanh, để thì héo”.
Khi tôi hỏi về hai cái tên kia thì cụ nói: “Cháu đừng hỏi thêm, đừng biết thêm, thời “hỗn mang” này… phiền lắm!” Cụ lắc đầu nặng nề.
Tôi chấp hành, không hỏi nữa, nhưng ấm ức, không thoả mãn. Đọc thấy tình cảm của tôi, cụ nói thêm: “Cụ Vũ Đình Huỳnh” là Thư ký của Bác Hồ. Ông ấy giỏi lắm. Có một âm mưu hạ ông ấy!”
Tôi à một tiếng và tính chuyện tìm hiểu đến cùng, tất nhiên là bằng tuyến khác.
Sau đó lâu lâu, khoảng những năm chín mươi, tôi tiếp được một bản in hơi xộc xệch, có trang mất chữ, phải vừa đọc vừa đoán, đó là cuốn “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên.
Cuốn sách ấy có một số phận lạ. Một lần đi tàu lửa từ Hà Nội về quê tôi lấy trong ba lô ra, len lén đọc. Đến Chí Chủ, tàu dừng và tôi phải xuống, sắp ra khỏi ga (tàu nhanh không đỗ ga trên nên tôi phải xuống đây), đến chỗ vắng thì một trung niên trẻ trai nhưng có lẽ hơn tôi vài tuổi, anh ta vỗ vai và đề nghị tôi đứng lại.
Anh rút “Thẻ ngành” ra nói chuyện với tôi. Anh thu cuốn sách “phản động” đó sau khi ghi chép hết lời khai của tôi về cuốn sách.
Tôi có kinh nghiệm là đừng nói dối Công an. Tôi nói thật là, một cán bộ miền nam tập kết, ở cái phố mà nhiều người Hà Nội đến giờ chưa chắc đã biết, phố chỉ có hai số nhà, gần khu Vân Hồ, Lê Đại Hành gì đó, tên là phố Cao Đạt, đã cho tôi.
Tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn vì mới đọc được non nửa cuốn, đến đoạn cụ Hiên được xơi một loại bánh mỳ đặc biệt, là hết.
Một tuần sau, vị sỹ quan thu cuốn sách của tôi lù lù xuất hiện, vẻ mặt tươi vui. Anh ta đã căn chỉnh lại cuốn sách gọn ghẽ hơn (như cuốn sổ tay, dễ cất, dễ đọc). Anh tặng tôi một cuốn với tình cảm rất nồng ấm tình anh em. Anh dặn là đừng cho bất cứ ai đọc, sẽ phiền.
Hôm ấy anh nói với tôi rất nhiều chuyện, nhưng nét trội nhất là anh đúc kết được một điều “Nước ta có một … truyền thống, từ xa xưa, từ thời Nguyễn Trãi, Lê Lợi đến… nay. Cứ mỗi khi dẹp yên được giặc giã là sẽ có việc tảo thanh những người tài…” Cha con cụ Vũ Đình Huỳnh nằm trong quy luật ấy!
Tôi thấm từng dấu phẩy nhận định của người bạn lớn, đồng hương, về sau đã lên cấp tá ấy.
Nay cụ Vũ Thư Hiên về, tôi có nhã ý muốn gặp cụ một lần, chỉ để ngắm cụ thôi, khỏi cần phải hỏi han gì nhiều, gây phiền cho sức khoẻ cụ.
Nhà văn Vũ Thư Hiên trong chuyến thăm Tuyên Quang vài ngày trước. Nguồn: Mylan Vu
Nhưng tôi chưa gửi lời đề nghị ấy vì tôi hiểu những gì xung quanh câu chuyện này. Lòng Hướng thiện, sự kính ngưỡng nếu không khéo, có thể gây phiền cho cả hai phía.
Thưa quý bạn,
Bài viết này gồm hai phần. Phần sau tôi sẽ nói về tâm cảm của tôi khi đọc bài tường thuật (gọn) và xem video cuộc gặp gỡ nhân sinh nhật cụ. Nó lạ lắm! Nó hào hển, nó sướng râm ran như chính mình trong cuộc hội ngộ này.
Tôi cũng có câu chuyện của mình, nó ở tầm “mini” thôi nhưng với tâm cảm vui mừng này, phải kể. Các bạn chờ nhé.
Kết lại bài này, tôi nói rằng: Việc Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản những đầu sách dạng “bất trị” gần đây, việc nhiều văn nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn và việc cụ Vũ Thư Hiên, tác giả “Đêm giữa ban ngày” về nước, an nhiên tự tại là một dấu chỉ lớn, một chuyển biến lớn trong tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý, tư duy đạo đức của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Không thể nói khác.
Xin hoan hô cái đã. Cái gì ra cái đó, các vị ạ!
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment