Tuesday, October 24, 2023

Mỹ sẽ đi đến mức nào để bảo vệ Israel?
Jonathan Beale
Phóng viên quốc phòng, Ashkelon, Israel
24.10.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS
Tàu USS Gerald R Ford là một phần trong cuộc phô trương lực lượng của Mỹ ở Đông Địa Trung Hải

Mỹ đã cam kết hỗ trợ vững chắc cho Israel và chống lưng cho điều đó bằng viện trợ quân sự. Nhưng với những vết sẹo từ những vướng mắc trong quá khứ ở khu vực vẫn còn hiện rõ, đâu là giới hạn cho sự can dự của Mỹ?

Trong phản ứng đầu tiên trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Tổng thống Biden đã nói rõ rằng ông đứng về phe nào: “Israel có sự hậu thuẫn từ Mỹ,” ông nói.

“Đối với bất kỳ ai nghĩ đến việc lợi dụng tình hình này, tôi có một lời: Đừng,” ông nói thêm.

Cảnh báo này rõ ràng là nhắm đến Iran và các đồng minh.

Lầu Năm Góc nói quân đội Mỹ ở Iraq và Syria đã bị tấn công nhiều lần trong những ngày gần đây và một tàu khu trục của Mỹ ở Biển Đỏ đã chặn các tên lửa bắn từ Yemen "có khả năng" nhắm vào Israel.

Mỹ đã có một nhóm tàu sân bay tác chiến ở Đông Địa Trung Hải và sẽ sớm có thêm một nhóm khác trong khu vực tham gia. Mỗi tàu sân bay có hơn 70 chiếc máy bay trên tàu - tương đương với hỏa lực đáng kể. Ông Biden cũng đã điều động hàng nghìn binh lính Mỹ vào tình trạng sẵn sàng di chuyển đến khu vực nếu nhận được mệnh lệnh.



Mỹ là nước ủng hộ quân sự lớn nhất cho Israel, chi khoảng 3,8 tỷ USD viện trợ quốc phòng mỗi năm.

Các máy bay phản lực của Israel ném bom Gaza đều do Mỹ sản xuất, cũng như hầu hết các loại vũ khí dẫn đường chính xác hiện đang được sử dụng.

Một số tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel cũng được sản xuất tại Mỹ.

Mỹ đã tái cung cấp các nguồn vũ khí đó ngay cả trước khi Israel yêu cầu. Hôm 20/10, Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản tài trợ 14 tỷ USD cho quỹ chiến tranh của đồng minh Trung Đông như một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 105 tỷ USD.

Ngày hôm sau, Lầu Năm Góc thông báo sẽ gửi hai hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất của mình tới Trung Đông - một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và thêm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Nhưng liệu tổng thống Mỹ có thực sự sẵn sàng bị lôi vào một cuộc chiến khác, đặc biệt là trong năm bầu cử tới đây?

Những viện trợ quân sự gần đây của Mỹ trong khu vực đã thể hiện sự tốn kém - về mặt chính trị, kinh tế và mạng sống của người Mỹ.


Chụp lại video,                                    BBC:Xem video
Chiến tranh Israel-Gaza: Toàn bộ khu dân cư biến thành đống đổ nát

Michael Oren, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, tin rằng Tổng thống Biden đã thực hiện bước đầu tiên bằng việc cho di chuyển các tàu sân bay Mỹ trong khu vực. “Quý vị không thể rút loại vũ khí đó ra trừ khi sẵn sàng sử dụng nó,” ông ấy nói.

Nhưng Seth G Jones, giám đốc An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói rằng Mỹ sẽ rất khiên cưỡng nhúng tay trực tiếp về mặt quân sự vào cuộc chiến ở Gaza.

Ông nói, sự hiện diện của các nhóm tác chiến tàu sân bay có thể hữu ích "mà không cần bắn một phát súng", đặc biệt là vì khả năng thu thập thông tin tình báo và cung cấp khả năng phòng không của họ. Ông nói rằng bất kỳ sự tham gia nào cũng sẽ là "biện pháp cuối cùng".

Đây chủ yếu là mối đe dọa từ phía bắc Israel, đặc biệt là từ nhóm vũ trang Hezbollah, hiện đang khiến cả Israel lẫn Mỹ lo lắng.

Nhóm này được Iran hậu thuẫn là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Hamas ở Gaza. Họ có một kho vũ khí gồm khoảng 150.000 tên lửa mạnh hơn và chính xác hơn những tên lửa mà Hamas từng sử dụng. Và nhóm này đã đọ hỏa lực với Israel, kẻ thù không đội trời chung.

Ông Oren lo ngại Hezbollah có thể can thiệp khi Israel "đã tiến sâu vào Gaza và đã ủy nhiệm và mỏi mệt".

Nếu điều đó xảy ra, ông Oren tin rằng có khả năng Mỹ sẽ triển khai lực lượng không quân hùng mạnh của mình để tấn công các mục tiêu bên trong Lebanon, dù ông không thấy có trường hợp nào Mỹ sẽ triển khai lực lượng trên bộ.
NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa từ Gaza

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều khẳng định rằng Mỹ sẽ đáp trả nếu tình hình leo thang và nếu có bất kỳ nhân viên hoặc quân nhân Mỹ nào trở thành mục tiêu.

Ông Austin cho biết hôm 22/10 rằng Mỹ có quyền tự vệ và sẽ không ngần ngại "thực hiện hành động thích đáng".

Ông Jones thừa nhận nguy cơ xung đột ngày càng mở rộng, nhưng ông tin rằng sự răn đe của Mỹ "sẽ làm tăng chi phí rủi ro cho cả Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này".

Ông nói nếu Hezbollah ở Lebanon tham gia vào một chiến dịch tấn công lớn từ phía bắc Israel, "họ có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đòn khá nghiêm trọng". Ông lưu ý rằng trước đây lực lượng Mỹ trong khu vực đã hứng chịu các cuộc tấn công hạn chế từ các nhóm có móc nối với Iran.

Israel cũng không đòi hỏi hỗ trợ quân sự trực tiếp trong cuộc chiến với Hamas. Danny Orbach, giáo sư lịch sử quân sự tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, chỉ ra rằng học thuyết quân sự của Israel tuyên bố rằng nước này có thể tự bảo vệ mình.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Chuyến thăm Israel của Tổng thống Biden trong tuần này cho thấy Mỹ hỗ trợ là có điều kiện. Ông muốn Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào trong Gaza và ông không muốn thấy Israel chiếm đóng dải Gaza vô thời hạn. Ông nói với chương trình 60 Phút của CBS rằng làm như vậy sẽ là một "sai lầm lớn".

Sự hỗ trợ của Mỹ cũng có thể bị giới hạn về thời gian. Yaacov Katz, một nhà phân tích quân sự và là người phụ trách chuyên mục của tờ Jerusalem Post, tin rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel sẽ hứng chịu áp lực ngay khi hoạt động quân sự của nước này bắt đầu ở Gaza và thương vong dân sự ngày càng gia tăng.



Ông tin rằng sự hỗ trợ có thể giảm đi trong vòng vài tuần. “Tôi không thấy Israel mất nhiều thời gian hơn từ Mỹ hoặc thế giới cho một cuộc tấn công trên bộ kéo dài lâu hơn”, ông nói.

Mỹ rõ ràng hy vọng rằng sự hỗ trợ quân sự dành cho Israel và sự hiện diện quân sự được tăng cường của họ trong khu vực sẽ đủ để ngăn chặn xung đột lan rộng.

Có rất ít ví dụ về việc Mỹ can hệ trực tiếp thay cho Israel. Việc Mỹ gửi hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot đến bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq, trước cuộc xâm lược của nước này trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, là một ngoại lệ hiếm hoi.

Trên thực tế, Mỹ thường xuyên sử dụng đòn bẩy quân sự của mình đối với Israel như một gọng kìm.


Tin liên quan



No comments:

Post a Comment