Tuesday, October 24, 2023

Hà Nội: Tiêu cực học đường nhan nhản!
2023.10.24
RFA

Minh họa: một trường học tại Hà Nội
RFA



Bạo lực học đường

Một phụ huynh tại Hà Nội cho RFA biết ý kiến của mình:

"Các trường lên án nhiều về thầy cô không tập trung dạy học sinh, quát, chửi. Vừa rồi mấy vụ đăng lên (mạng xã hội-pv) thấy thầy túm cổ học sinh chửi xong cô thì kéo lê học sinh, rồi để cho học sinh trong trường đánh nhau, quay lên mạng. Mình cần phải xem xét lại vấn đề đấy."

Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, báo nhà nước liên tục đăng tải những bài viết nhắc đến tình trạng bạo lực học đường, mà trong đó các thầy cô giáo không chỉ dùng lời nói chửi học sinh mà còn tác động vật lý đến học sinh của họ.

Điển hình như vụ một học sinh lớp 4 trường Tiểu học Hải Hòa ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị cô giáo dùng roi tre đánh tím lưng vì không chịu làm bài tập.

Hay trong một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ngày 1/10, một nam sinh trường THPT Phan Huy Chú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội bị thầy giáo dạy môn tiếng Anh của trường chỉ tay vào mặt thóa mạ, thậm chí còn lớn giọng quát nam sinh là “con chó này”.

Có một lần cháu tôi cũng bị cô giáo ném thước kẻ vào mắt. Tôi đến tận nơi lôi ra nói còn một phân rưỡi nữa thôi là mù mắt. - Phụ huynh

Hoặc một nữ sinh lớp 12 trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn đã quỳ, khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, co giật nhưng vẫn bị cô giáo mắng, túm áo và kéo lê…

Chia sẻ với phóng viên RFA, một phụ huynh có cháu đang đi học tại Hà Nội cho hay chuyện này thường xuyên xảy ra và cháu ông đã từng là nạn nhân:

"Có một lần cháu tôi cũng bị cô giáo ném thước kẻ vào mắt. Tôi đến tận nơi lôi ra nói còn một phân rưỡi nữa thôi là mù mắt. Cô giáo quỳ xuống xin lỗi nên tôi tha."

Không những tình trạng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh, mà ngay cả học sinh đánh học sinh vẫn đang tiếp tục diễn ra. Đặc biệt nhiều trường hợp, giáo viên biết chuyện nhưng không giải quyết hợp lý, cũng là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm:

"Nếu không đưa đón các cháu nhiều khi xảy ra bạo lực học đường mà bố mẹ không biết, có nhiều bất cập chỗ đấy."

"Ngay như hôm vừa rồi con tôi ở trường bị bạn đánh, kể cả 10 giờ đêm tôi không có ở Hà Nội nhưng tôi vẫn gọi điện về nói phải có cô chủ nhiệm, ai đánh con tôi phải nói chuyện với tôi, không thì ngày mai tôi sẽ về Hà Nội, tôi không để vụ này yên. Phụ huynh vào xin lỗi tôi bảo rút kinh nghiệm từ hai phía."

Vẫn theo lời người phụ huynh (không muốn nêu tên) này, rất may con cô đã kể câu chuyện mình bị bạo lực với gia đình, nếu các em tìm phương án khác như nhờ các anh chị lớn tìm bạn “trả thù” thì vấn đề sẽ càng phức tạp thêm. Do đó, phụ huynh này cho rằng vai trò của giáo viên là rất quan trọng.

"Các bạn đánh nhau nhưng các cô phải vào cuộc ngay. Có những gia đình bố mẹ lành quá sợ con bị đuổi học không dám lên tiếng thì những vụ này sẽ bị chìm, tôi nghĩ thế."

Nam sinh lớp 4 bị cô giáo dùng roi đánh. Nguồn: Người nhà đăng tải lên mạng xã hội.
Nam sinh lớp 4 bị cô giáo dùng roi đánh. Nguồn: Người nhà đăng tải lên mạng xã hội.

Tư cách giáo viên

Trước nay, thường sau hàng loạt vụ việc giáo viên bạo hành học sinh được thông tin rộng rãi trên báo đài, mạng xã hội, thì phía nhà trường và các cơ quan giáo dục mới bắt đầu có những biện pháp giải quyết như xin lỗi gia đình học sinh, đình chỉ công tác giáo viên…

Tuy nhiên, những thông tin tiêu cực xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều khiến phụ huynh không khỏi lo lắng về tư cách của những thầy, cô giáo hiện nay:

"Đạo đức của thầy cô thế là không được, còn nếu là con tôi thì tôi sẽ bảo vệ đến cùng, kể cả tôi có làm nghề gì thấp hèn hoặc không có đủ tiền cãi bằng người ta nhưng tôi vẫn bảo vệ con tôi."

"Thời xưa thì về đạo đức giáo viên chúng tôi truyền đạt nhiều hơn đến các thế hệ học sinh, bây giờ cũng có nhưng có những trường nhiều khi giáo viên không làm chủ được cảm xúc thì xảy ra những chuyện như vậy chứ không phải trường nào cũng thế.

Theo tôi thì các cô cũng nên bình tĩnh trước những sự việc các em làm không đúng ý, phải bình tĩnh để giải thích cho các em chứ không nên làm vậy, mất hết hình ảnh đẹp của người giáo viên. Thời chúng tôi thì cô giáo coi như người mẹ ở nhà, hình ảnh ấy rất đẹp."

"Dạo này các thầy cô giáo đạo đức kém lắm. Người ta cũng làm gắt nhưng kiểu cơ chế xã hội hóa."

Theo tôi thì các cô cũng nên bình tĩnh trước những sự việc các em làm không đúng ý, phải bình tĩnh để giải thích cho các em. - Phụ huynh

Hội phụ huynh thu chi không hợp lý

Bên cạnh tệ nạn bạo lực học đường, tình trạng các trường thu chi không hợp lý các khoản tiền phụ huynh đóng quỹ, hay những tranh cãi thu chi từ hội phụ huynh khiến nhiều bậc làm cha mẹ “đau đầu”.

Báo trong nước vào ngày 4/10 có bài viết cho hay một nữ sinh trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị nhà trường cho thôi học do phụ huynh nêu ra những điểm bất thường trong việc thu chi quỹ phụ huynh của nhà trường.

Một phụ huynh ở Hà Nội thẳng thắn lên án chuyện quỹ lớp, hội phụ huynh học sinh:

"Phải lên án. Theo tôi trường nào thì trường với học sinh chứ đừng có hội phụ huynh, hội phụ huynh chỉ làm bàn đạp cho người ta kiếm tiền thôi. Hội phụ huynh phải dẹp hết đi, nịnh cô giáo nên cứ thu tiền lung tung, ai không (cho) thu thì chửi mắng." 

Câu chuyện bỏ hay giữ hội phụ huynh đang được bàn cãi, nhiều người thẳng thừng tuyên bố “nên dẹp” để tránh tiêu cực nhưng có không ít người vẫn đồng tình. Thực tế, theo Thông tư 55, những khoản liên quan đến chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học, hội phụ huynh không được thu.

No comments:

Post a Comment