Ba Lan và Đức tái lập kiểm soát biên giới để chống nhập cư trái phép
Thanh Phương
Đăng ngày: 30/09/2023 - 11:52
RFI
Hôm thứ hai, 25/09/2023, trong lúc đang vận động tranh cử, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo tái lập kiểm soát biên giới với Slovakia nhằm chặn đứng làn sóng di dân bất hợp pháp vào Ba Lan. Từ đầu năm đến nay, đã có 600 người ngoại quốc nhập cư trái phép bị bắt ở biên giới phía nam của Ba Lan.
Từ Vacxava, thông tín viên Martin Chabal gởi về bài tường trình ngày 27/09:
Ba Lan sẽ kiểm tra các xe minibus, xe tải cỡ nhỏ, xe hơi và xe car đến từ Slovakia bị nghi là có chở theo người nhập cư trái phép. Đây chỉ là những cuộc khám xét đột xuất, bởi vì không có trạm kiểm tra nào ở biên giới giữa hai nước đều ở trong không gian Schengen.
Mục đích của Ba Lan là chặn đứng làn sóng nhập cư trái phép qua ngõ Balkan. Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh là những di dân bị bắt tại biên giới trong năm nay trước đó đã băng qua vùng Balkans, rồi đi qua Hungary và Slovakia trước khi đến Ba Lan.
Đây là một quyết định mang tính chính trị trong bối cảnh Ba Lan sẽ bầu cử Quốc Hội trong 3 tuần nữa và đảng cầm quyền đang cố vận động để tiếp tục thắng cử. Chính thủ tướng Ba Lan đã tuyên bố là chỉ có đảng của ông mới bảo đảm được an ninh cho các đường biên giới của Ba Lan.
Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan hiện đang bị rung chuyển vì một vụ tai tiếng ở bộ Ngoại Giao. Bộ này bị tố đã nhận hối lộ để cấp visa Schengen mà không hề có thẩm tra cho nhiều người từ châu Á, Trung Cận Đông và châu Phi.
Ngay chính nước Đức cũng có ý định tái lập kiểm soát ở biên giới với Ba Lan để hạn chế nạn nhập cư trái phép.
Thật ra Đức tái lập kiểm soát biên giới không chỉ với Ba Lan mà cả với Cộng hòa Séc, theo thông báo của bộ trưởng Nội Vụ Nancy Faeser ngày 27/09/2023. Số di dân nhập cư trái phép vào Đức đang tăng mạnh, gây áp lực lên chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz và lên các vùng đang mà người xin tị nạn đang tràn ngập. Hồ sơ di dân vẫn gây chia rẽ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu từ nhiều năm qua. Các bộ trưởng Nội Vụ của Liên Âu đã họp hôm thứ năm vừa qua tại Bruxelles để một lần nữa bàn về dự án cải tổ chính sách di dân chung, một hồ sơ cho tới nay vẫn gặp bế tắc.
Nước "Cộng hòa Thượng Karabakh" tự xóa sổ
Một quốc gia khác cũng đang bị tràn ngập người tị nạn đó là Armenia. Tính đến ngày 28/09 đã có đến hơn 65.000 người Armenia ở Thượng Karabakh, tức hơn phân nữa dân số của vùng này, chạy sang lánh nạn, một tuần sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan buộc lực lượng ly khai phải buông súng. Dân Armenia chạy lánh nạn ồ ạt đến mức thủ tướng Armenia đã thẳng thừng lên án Azerbaijan "thanh lọc chủng tộc".
Cũng trong ngày 28/09, chính quyền của nước Cộng hòa tự phong ở vùng này tuyên bố sẽ tự giải thể kể từ ngày 01/01/2024. Như vậy là chấm dứt vĩnh viễn một cuộc xung đột đã kéo dài 30 năm. Vùng có đa số dân là người Armenia trở lại dưới sự kiểm soát của Azerbaijan mà cộng đồng quốc tế gần như không có phản ứng. Lý do là vì Thượng Karabakh không có một quy chế nào cả xét về mặt quốc tế, theo giải thích của bà Marie Mendras, nhà chính trị học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS của Pháp, trả lời RFI Pháp ngữ ngày 28/09/2023:
Phải hiểu rằng, xét về luật pháp quốc tế, nước Cộng hòa mà người Armenia ở Thượng Karabakh tự tuyên bố thành lập vào năm 1992 đã không được bất cứ quốc gia nào công nhận, kể cả Nga và Armenia. Chiếu theo luật quốc tế, nhà nước Azerbaijan có quyền nói rằng vùng Thượng Karabakh vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của họ, vẫn là một bộ phận của lãnh thổ Azerbaijan, cho nên không hề có chuyện sáp nhập trở lại.
Chính vì vậy đây là một hồ sơ rất phức tạp đối với các luật gia, cũng như đối với các chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Tuy vậy, không thể chấp nhận việc các nước dân chủ, nhất là Pháp, đã không có một phản ứng rõ ràng, kiên quyết hơn nhiều.
Hàn Quốc biểu dương lực lượng
Đây là một cuộc diễu binh lớn với nhiều xe tăng và tên lửa mà người ta thường thấy ở Bình Nhưỡng nhưng lại diễn ra tại thủ đô Seoul ở Hàn Quốc hôm thứ ba 26/09/2023.
Cuộc biểu dương lực lượng nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội Hàn Quốc được tổ chức theo ý muốn của tổng thống Yoon Suk Yeol, vị lãnh đạo có đường lối cứng rắn với Bắc Triều Tiên. Theo tường trình của thông tín viên Nicolas Rocca ngày 26/09, dân Seoul có vẻ ủng hộ đường lối cứng rắn này:
Nhiều chiếc drone, tên lửa, thiết giáp, xe tăng cùng với hơn 3.700 quân nhân đã tham gia cuộc diễu binh ngay giữa thủ đô. Mặc dù trời mưa to khiến lực lượng không quân không thể phô diễn, nhiều người dân đã kéo đến để tỏ lòng biết ơn với các binh sĩ.
Một người đàn ông nói: “Là nam giới và công dân Triều Tiên, tôi đã từng đi quân dịch và từng tham gia diễu binh như vậy. Đây là một thời điểm mang tính biểu tượng để cho thế giới thấy sức mạnh của quân đội Hàn Quốc.”
Cuộc biểu dương lực lượng này rõ ràng là nhắm vào Bắc Triều Tiên, thể hiện qua việc phô trương các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo Hyunmoo. Đây là vũ khí chủ chốt trong kế hoạch nhằm vô hiệu hóa các lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Một phụ nữ nói: “Rất cần có một quân đội hùng mạnh để đối phó với Bắc Triều Tiên. Trong một thời gian, chúng ta đã quá yếu. Tôi vui mừng khi thấy gần đây chúng ta đã tăng cường lực lượng quân sự của chúng ta”.
Người phụ nữ này cũng tán đồng phát biểu của tổng thống Yoon Suk Yeol, khi ông hứa là tiêu diệt chế độ Bình Nhưỡng nếu chế độ này có trong tay vũ khí nguyên tử. Chiến lược này được thể hiện qua việc tăng mạnh ngân sách quốc phòng, điều mà ông Lee Sang-won rất hoan nghênh.
Ông nói: “Tăng cường sức mạnh quân sự là hoàn toàn hợp lý. Không phải ông ấy muốn như vậy, nhưng mối đe dọa của Bắc Triều Tiên quá lớn, nên đó là điều cần thiết. Tổng thống không muốn, nhưng bối cảnh địa chính trị buộc ông ấy phải làm như vậy.”
Ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc cũng đã tranh thủ được bối cảnh này. Kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã tăng hơn gấp đôi trong năm 2022 và Hàn Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 7 thế giới.
Chỉ hai ngày sau cuộc diễu binh rầm rộ ở Seoul, hôm 28/09, báo chí nhà nước Bắc Triều Tiên đăng tải thông báo của lãnh đạo Kim Jong Un ghi quy chế "cường quốc hạt nhân" vào Hiến Pháp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (tên chính thức của Bắc Triều Tiên).
Trung Quốc: Chủ tập đoàn Evergrande bị quản thúc
Theo tiết lộ của hãng tin Bloomberg hôm thứ tư 27/09/2023, chủ nhân tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc, ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) đã bị quản thúc tại gia vào lúc tập đoàn nợ nần chồng chất đang chịu áp lực ngày càng mạnh từ phía các chủ nợ.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài tường trình ngày 27/09/2023:
Từng là người giàu nhất Trung Quốc, đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nguyên là ủy viên Chính Hiệp, nay ông không còn được tự do nữa.
Vào năm 2017, Hứa Gia Ấn có khối tài sản lên tới hơn 45 tỷ đô la, nay ông gần như trắng tay. Một sự tuột dốc đến chóng mặt như hình ảnh một tập đoàn đã kéo theo một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
Theo các nguồn tin của hãng Bloomberg, năm nay 64 tuổi, Hứa Gia Ấn dường như đã bị câu lưu từ đầu tháng này. Chiếu theo luật tố tụng hình sự Trung Quốc, thời gian quản thúc tại gia có thể kéo dài 6 tháng. Thẻ căn cước và hộ chiếu bị tịch thu, nhà cựu tỷ phú nay thậm chí không được quyền đi xe lửa.
Sau ông Hứa Gia Ấn, nhiều người khác đã bị câu lưu. Vào giữa tháng 9, công an đã khám xét chi nhánh của Evergrande tại Thâm Quyến, hàng chục nhân viên tại đây đã bị còng tay dẫn đi. Hai cựu lãnh đạo của tập đoàn đang gánh món nợ khổng lồ 328 tỷ đô la dường như cũng đã bị các nhà điều tra bắt đi để thẩm vấn, theo nhật báo kinh tế Caixin. Các chủ nợ của Evergrande cũng sẽ được thẩm vấn vào cuối tháng tới trước tư pháp Hồng Kông.
Trong những thập niên qua, ngành bất động sản ở Trung Quốc đã tăng rất mạnh, nhưng nợ của các tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản đã lên đến mức mà kể từ năm 2020, chính quyền Bắc Kinh đã phải siết chặt tín dụng đối với các tập đoàn này, khiến một số không thể hoàn tất được các công trình địa ốc, làm cho những người mua tiềm tàng e ngại, với hậu quả là giá nhà tuột dốc. Khủng hoảng chưa từng có trong ngành bất động sản nay lan đến cả một đại tập đoàn khác là Country Garden. Hãng China Oceanwide trong tuần này đã cảnh báo là họ cũng có thể bị phá sản.
Thái Lan cố lôi kéo du khách Trung Quốc trở lại
Hôm thứ hai vừa qua, 25/09/2023, thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã long trọng đón tiếp các du khách Trung Quốc đầu tiên được miễn visa trong khuôn khổ một chương trình thí điểm nhằm lôi kéo trở lại khách đến từ Hoa Lục và qua đó phục hồi ngành du lịch, vốn vẫn chiếm 20% GDP của Thái Lan.
Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux gởi về bài tường trình ngày 26/09:
Không còn cần phải trình cả xấp giấy tờ mỗi khi đến Thái Lan: Kể từ ngày 25/09, các công dân Trung Quốc sẽ được miễn visa một tháng, giống như khách châu Âu. Đây là một nỗ lực của chính phủ Bắc Kinh nhằm lôi kéo trở lại du khách Trung Quốc vốn chiếm số đông nhất trong số du khách ngoại quốc vào thời gian trước dịch Covid. Vào năm 2019, đã có đến 11 triệu du khách Trung Quốc đến thăm Thái Lan, nhưng con số này vào năm 2022 chỉ còn gần 300.000.
Tuy vậy, đối với Jaden Koo, một nhà báo Trung Quốc làm việc tại Bangkok, biện pháp miễn visa sẽ vẫn chưa đủ để thu hút trở lại khách Trung Quốc:
“Tình trạng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và việc tăng giá vé máy bay và giá phòng khách sạn sẽ vẫn khiến cho một số dân Trung Quốc không thể đi du lịch ở nước ngoài.
Thêm vào đó lại có tin đồn trên các mạng xã hội rằng những người đi du lịch ở Đông Nam Á có nguy cơ bị bắt cóc và bị cưỡng bức lao động hoặc bị mổ lấy nội tạng. Những tin đồn kiểu như vậy càng khiến những người Trung Quốc không quen du lịch ở nước ngoài ngần ngại.”
Nhiều vụ buôn người vào làm việc tại các nơi như sòng bài có liên quan đến những công dân Trung Quốc đã được báo chí nói nhiều trong thời gian gần đây.
Thiếu khách Trung Quốc, ngành du lịch Thái Lan không thể trở lại bình thường như trước đây. Hiện giờ ngành này vẫn hoạt động dưới công suất.
No comments:
Post a Comment