VNTB – Lấy phiếu tín nhiệm để phe nhóm có cớ trị nhau?Nguyễn Nam
21.04.2023 5:52
VNThoibao
‘Luật hóa’ việc phe nhóm triệt nhau?
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết việc sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để thể chế hóa quy định số 96 của Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2-2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Bà Thanh cũng cho hay quy định 96 đã có cập nhật, bổ sung thêm quy định 41 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và kết luận 20 về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.
Trong Quy định 96 đã nêu rõ với mức phiếu tín nhiệm thấp thế nào sẽ xem xét cho từ chức hay miễn nhiệm chức vụ. Việc này nhằm đảm bảo tính tổng thể, liên thông các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ nói chung và lấy phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì ngoài việc “đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn” như quy định cũ, quy định 96 quy định rõ: Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Nhân văn cộng sản
Diễn biến trên cho thấy có sự thay đổi trong cách nghĩ về quản trị nhân sự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 24-11-2018, tiếp xúc với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội), trước ý kiến với việc bỏ phiếu tín nhiệm với 3 mức như hiện nay thì không có một chức danh nào đạt quá 50% phiếu tín nhiệm thấp để tiến hành bãi nhiệm hoặc từ chức, ông Nguyễn Phú Trọng đã có trả lời đầy bất ngờ rằng lấy phiếu không phải cốt là truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay.
“Chỉ có căn cứ 1 chỗ đó thôi mà thay đổi cán bộ thì đã chín chưa, đã chuẩn xác chưa? Việc lấy phiếu có tính răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Đương nhiên, ai thấp dưới 50% là phải xử lý rồi. Vừa rồi may là không xảy ra. Ta chẳng mong gì phải thay cán bộ. Sai rồi phải sửa, thấy rồi thì rút kinh nghiệm. Thế mới là nhân văn, là tốt” – ông Nguyễn Phú Trọng nói.
“Giả sử độ một nửa cán bộ phải thay thì lấy ai làm, có thay kịp không? Có khi mình nghe thông tin chưa chắc đã chính xác mà cho ngay ông này phiếu thấp thì nguy hiểm lắm.
Báo cáo thật với các bác là bàn mãi rồi, cũng có ý kiến 2 mức thôi, nhưng tín nhiệm thấp là buồn lắm rồi chứ không phải không buồn đâu. Có những ngành khách quan là khó. Giáo dục khó vô cùng. Y tế khó vô cùng. Liên quan đến mọi người, mọi nhà, từ sách giáo khoa, đến chương trình, đến người thầy làm gương cho học sinh.
Hơi một tí, cô giáo đánh học trò là lên phương tiện thông tin đại chúng hết. Bệnh viện rủi ro có bệnh nhận chết, có thể do trình độ bác sĩ, cũng có thể do bệnh hiểm nghèo, cũng phải nhìn khách quan, phải thông cảm chia sẻ. Có làm mới biết cũng gian nan lắm, phải rất thận trọng”, ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘nói vo’ như vậy với cử tri.
Giờ không ngại thiếu cán bộ nữa?
Đến tháng 2-2023, Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, tiếp tục có 3 mức: “tín nhiệm cao” – “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Điểm mới ở quy định trên là những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm, và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi, việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.
Như vậy giờ đây có nghĩa là “lấy phiếu không phải cốt là truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay” mà Tổng bí thư tuyên bố hồi nào, giờ đã có bước thay đổi mà không còn sợ “một nửa cán bộ phải thay thì lấy ai làm, có thay kịp không” như hồi nào nữa của ông Nguyễn Phú Trọng.
No comments:
Post a Comment