Thursday, April 27, 2023

VNTB – Công vụ là gì để mà làm trái khiến phải đi tù?
Hà Nguyên
28.04.2023 4:00
VNThoibao



(VNTB) – Trong 2 năm liền bà Lê Thị Dung bị Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Nguyên (Nghệ An) xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ công tác Đảng”.

 Mới đây, hồi hạ tuần tháng 4-2023, bà Lê Thị Dung, nguyên giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của huyện Hưng Nguyên đã bị kết án ở phiên hình sự sơ thẩm với mức 5 năm tù theo cáo buộc vi phạm Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm, hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm, hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

Bên cạnh đó, theo Điều 357 Bộ luật hình sự năm 2015, Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, giữa hai tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lạm quyền trong khi thi hành công vụ có các dấu hiệu pháp lý tương đồng.

Về hành vi thuộc mặt khách quan, cả hai tội đều có dấu hiệu bắt buộc là “làm trái công vụ”. Việc xác định đầy đủ và chính xác nội hàm, phạm vi của “công vụ” có ý nghĩa rất quan trọng để xác định hành vi làm trái công vụ.

Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi là Luật cán bộ, công chức năm 2008) không quy định cụ thể khái niệm “công vụ”, mà chỉ nêu tại Điều 2: “Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”.

Ngoài ra, khái niệm “công vụ” được đề cập gián tiếp thông qua một số quy định của pháp luật có liên quan đến “người thi hành công vụ”.

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định tại khoản 2 Điều 3 như sau: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm… vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”.

Tương tự, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 1 Điều 3: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội”.

Dưới góc độ khoa học pháp lý, khái niệm này cũng được định nghĩa rất khác nhau.

Ở nghĩa rộng, công vụ được hiểu là “những công việc do nhân viên của cơ quan, tổ chức thực hiện theo sự phân công hoặc ủy quyền nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức đó”.

Ở nghĩa hẹp, công vụ được hiểu là “công vụ nhà nước, và cán bộ, công chức là chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động công vụ trong các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) thực thi chức năng, nhiệm vụ công do cấp có thẩm quyền quy định”.

Khái niệm công vụ được đề cập đến trong hai tội phạm nêu trên phải được hiểu là công vụ gắn với quyền lực nhà nước, có mục đích phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân.

Nói cách khác, “công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực – pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, hoặc những người khác khi được nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội”.

Từ những phân tích nêu trên, có thể xác định hành vi làm trái công vụ bao gồm những biểu hiện sau: Hành vi mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu chung đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước mà người có chức vụ, quyền hạn đang làm việc.

Hành vi vi phạm các nguyên tắc trong khi thi hành công vụ. Điều 3 Luật cán bộ, công chức năm 2008 liệt kê 05 nguyên tắc trong khi thi hành công vụ bao gồm: “1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; 2. Bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; 3. Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát; 4. Bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả; 5. Bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ”.

Như vậy, việc không tuân thủ các nguyên tắc nêu trên cũng được coi là thực hiện hành vi trái với công vụ.

Lưu ý, hành vi được thực hiện trong những trường hợp người có chức vụ, quyền hạn nhận thức không đúng về quyền lợi của cơ quan, tổ chức mình mà thực hiện những hành vi trái với công vụ và lợi ích nói chung.

Trong những trường hợp này, người có chức vụ, quyền hạn có thể không muốn gây thiệt hại cho hoạt động đúng đắn của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào mà chỉ vì nhận thức sai về việc bảo đảm lợi ích của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc nên đã có hành vi trái công vụ.

Từ một số phân tích pháp lý ở trên, ở vụ án bà Lê Thị Dung, nguyên giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của huyện Hưng Nguyên, có thể trong 2 năm liền bà “không hoàn thành nhiệm vụ công tác Đảng”, song không phải vì thế mà ‘mở rộng’ ra rằng bà làm trái công vụ đến mức phải chịu mức án nặng nề đến 5 năm tù, vì tổng số tiền thiệt hại ở đây dưới ngưỡng 50 triệu đồng.


No comments:

Post a Comment