Sunday, April 9, 2023

Đến lượt cựu TT Pháp bị mắc bẫy: Trò đùa của ‘‘danh hài’’ Nga lợi cho ai?
Trọng Thành
Đăng ngày: 08/04/2023 - 18:05
RFI

Diễn viên hài Nga nghệ danh ''Lexus''. © wikimedia

Cựu tổng thống Pháp François Hollande những tưởng đang nói chuyện với cựu tổng thống Ukraina Petro Porochenko, người mà chính ông đã nhiều lần tiếp xúc. Những trao đổi của ông Hollande đã bị truyền thông Nhà nước Nga và chính trị gia cực hữu Pháp sử dụng để lên án nước Pháp. Bản thân cuộc hội thoại Hollande và nghệ sĩ hài Nga cũng bị thay đổi nội dung, và được sử dụng để lên án NATO ''sử dụng thỏa thuận Minsk để quân sự hóa Ukraina'' (Libération).

Đoạn video cựu tổng thống Hollande nói chuyện với danh hài Nga mà ông lầm tưởng là cựu tổng thống Ukraina, được đưa lên mạng hôm 06/04/2023, đã được hàng triệu người coi trên các mạng xã hội. Trong cuộc nói chuyện qua ZOOM này, ông Hollande cho biết thỏa thuận Minsk đã giúp Ukraina có thêm ‘‘7 năm chuẩn bị’’ để rút cục có thể tự vệ trước cuộc xâm lăng của Nga. Chính quyền Nga đã sử dụng cuộc nói chuyện gài bẫy này để đả kích Liên Âu, ‘‘mặc dù không phải là một bên tham chiến ở Ukraina, đang tham gia vào cuộc xung đột bằng cách cung cấp hỗ trợ cho Kiev’’ (theo hãng tin Nhà nước Nga TASS).

Theo TASS, cựu tổng thống Pháp đã thừa nhận ‘‘mục tiêu duy nhất của các thỏa thuận Minsk là [câu giờ để] tăng cường khả năng chiến đấu của Ukraina’’. TASS dẫn lời cựu tổng thống Hollande, ‘‘đây là lý do tại sao chúng ta cần lên tiếng ủng hộ các đàm phán Minsk, vì chính trong khoảng thời gian 7 năm đó, Ukraina đã có được các phương tiện để củng cố lực lượng’’.

Cánh cực hữu Pháp cũng lên án cựu tổng thống Hollande về phát biểu được TASS dẫn nói trên. Trên Twitter, lãnh đạo phong trào cực hữu, đảng Những Người Yêu Nước Florian Philippot cùng một chỉ trích: ‘‘François Hollande thú nhận là các thỏa thuận Minsk không phải được lập ra để tôn trọng mà để chuẩn bị giúp Ukraina tấn công !’’. Về phần mình, cựu tổng thống Pháp khẳng định phát biểu nói trên chỉ là một thực tế, mà chính ông đã khẳng định trước đó với báo chí Ukraina hồi tháng 12/2022.

Hai cựu tổng thống Pháp và Ba Lan từng gặp nhau nhiều lần. Họ từng làm việc cùng nhau trong nhiều đêm trong thời gian đàm phán hai thỏa thuận Minsk, được bốn nước ký kết (gồm Ukraina, Nga, Pháp và Đức) vào cuối năm 2014, đầu năm 2015, trong bối cảnh Nga cưỡng chiếm bán đảo Crimée của Ukraina, và hỗ trợ phe nổi dậy vùng miền đông Donbass. Hai thỏa thuận Minsk hoàn toàn tan vỡ sau khi tổng thống Nga Putin công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk.

Những diễn viên hài và trò đùa có lợi cho điện Kremlin

Theo Reuters, hai ‘‘danh hài’’ Vladimir Kuznetsov (với nghệ danh ‘‘Vovan’’) và Alexey Stolyarov (‘‘Lexus’’) đã đánh lừa được hàng chục nhân vật phương Tây nổi tiếng, trong đó có tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ca sĩ Elton John, cựu thủ tướng Anh Boris Johnson. Nghệ thuật gài bẫy của hai nghệ sĩ Nga rất hoàn hảo. Không lúc nào trong quá trình trao đổi email, và các trao đổi trước cũng như trong cuộc trò chuyện, cựu tổng thống Pháp và đồng sự có mảy may nghi ngờ, theo một cận vệ của ông Hollande.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là chuyện hài hước. Chuyên gia Julia Smirnova, viện tư vấn độc lập về các vấn đề của châu Âu Institute for Strategic Dialogue (ISD), có trụ sở tại Luân Đôn, trong một cuộc nói chuyện với chương trình điều tra hàng đầu của Đức ARD Kontraste, đã nêu bật mối quan hệ giữa ‘‘các diễn viên hài’’ Nga Vovan và Lexus với Nhà nước Nga. Vovan và Lexus điều hành một chương trình trên nền tảng lưu trữ video Rutube của Nga, tương đương với YouTube. Nền tảng này thuộc về Gazprom-Media, một công ty truyền thông phần lớn thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Nhà nước Nga Gazprom.

‘‘Trò đùa’’ gia tăng kể từ khi Nga đánh Ukraina

Nhà phân tích của ISD nói: ‘‘Họ tự cho mình là những kẻ pha trò vô hại, nhưng nội dung của họ mang tính chính trị cao, những ‘‘trò đùa' của họ rất có lợi cho điện Kremlin’’. Bà Julia Smirnova nhấn mạnh là sự pha trộn giữa giải trí và tuyên truyền này đóng một vai trò đặc biệt trong môi trường truyền thông ở Nga, ‘‘nó cho phép các tuyên truyền của Nga tiếp cận được nhiều đối tượng hơn là chỉ thông qua truyền hình Nhà nước, hãng tin Nhà nước’’.

Theo điều tra của công ty Proofpoint, được SC Magazine (tạp chí chuyên về an ninh mạng) dẫn lại, hoạt động của nhóm hai ‘‘danh hài’’ Vova và Lexus, với tên gọi ‘‘TA499’’, diễn ra ít nhất từ năm 2021, nhưng trở nên mạnh mẽ hơn hẳn kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. Nhóm của ‘‘Vovan’’ và ‘‘Lexus’’ sử dụng nhiều kỹ thuật trí thông minh nhân tạo, trong đó có deepfake (kỹ thuật tổng hợp hình ảnh giả mạo) để đánh lừa.

Đối tượng nhắm đến thường là các nhân vật nổi tiếng phương Tây chống cuộc chiến xâm lăng Ukraina. Mục tiêu là đưa ra các nội dung tiêu cực về những người đã lên tiếng chống lại tổng thống Nga Vladimir Putin, phản đối cuộc xâm lược. Nhiều chuyên gia an ninh mạng nghi ngờ Vovan và Lexus có quan hệ với cơ quan ninh Nga FSB (Le Figaro).

No comments:

Post a Comment