Monday, April 24, 2023

Châu Âu và TQ: Đại sứ Lư Sa Dã 'nói vậy mà không phải vậy'?
24.04.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHINESE EMBASSY, PARIS
Đại sứ TQ Lư Sa Dã tại Pháp rằng các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine "không có đủ chủ quyền quốc gia"

Chính phủ Trung Quốc vừa lên tiếng để giữ khoảng cách với phát biểu của Đại sứ Lư Sa Dã tại Pháp về Liên Xô cũ sau khi nhà ngoại giao này nói lời lẽ "phản lịch sử" về một số nước châu Âu.

Trả lời phỏng vấn đài Pháp LCI tuần qua, Đại sứ TQ Lư Sa Dã (Lu Shaye) nêu ra quan điểm gợi ý rằng các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine "không có chủ quyền quốc gia thực thụ".

Ông Lư nói khi bình luận về Crimea rằng "các nước thuộc Liên Xô cũ không có cả tư cách hiệu quả theo luật quốc tế, vì không tồn tại một hiệp ước quốc tế nào để xác định rõ họ là những quốc gia có chủ quyền".

Ý của ông là quốc gia như Ukraine "không thể dựa vào luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền".

Phát biểu này ngay lập tức bị nhiều nước phản đối và nay bị Bộ Ngoại giao TQ bác bỏ.

Sau khi Liên Xô tan rã, tất cả các nước "cộng hòa xã hội chủ nghĩa" trong Liên bang cũ, gồm cả Liên bang Nga, đều tuyên bố độc lập và gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Chỉ riêng việc được nhận vào LHQ là đủ để một quốc gia được cộng đồng quốc tế gồm các thành viên còn lại công nhận có chủ quyền.

Hai nước Ukraine và Belarus trên thực tế đã là thành viên LHQ kể cả khi họ còn mang danh "xã hội chủ nghĩa" và là thành viên của Liên Xô.

CH XHCN Ukraine còn là đồng sáng lập viên của LHQ, và ký hiến chương LHQ vào tháng 6/1945.

Ba nước vùng Baltic, Lithuania, Latvia và Estonia đều đã triệu đại sứ TQ ở nước họ tới bộ ngoại giao để yêu cầu "làm rõ" quan điểm của Bắc Kinh.





Là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, TQ phải có trách nhiệm trong các phát ngôn chính thức về tình hình quốc tế và về LHQ, các báo châu Âu cho hay.

Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis nói rằng các nhà ngoại giao TQ phải nói cho rõ TQ có thay đổi quan điểm về chủ quyền của các quốc gia từng thuộc Liên Xô.

Ông nói thêm rằng các nước Baltic, "không phải là các quốc gia hậu Liên Xô, mà là những nước bị Liên Xô chiếm đóng trái phép [từ 1940]".

Có tư cách làm nhà kiến tạo hòa bình không?

Còn ông Mykhaylo Podolyak, trợ lý cho tổng thống Ukraine, thì phê phán phần Đại sứ Lư của Trung Quốc nói về Crimea, rằng "nếu muốn làm nhà đàm phán trung gian hòa giải thì không thể chỉ nhai lại quan điểm của Nga".

Một số báo châu Âu cho rằng phát biểu của ông Lư chứng tỏ những lời hoa mỹ mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói về vai trò trung gian kiến lập hòa bình trong xung đột Nga-Ukraine chỉ là nói suông.

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng TQ, Thượng tướng Lý Thượng Phúc thăm Moscow để tăng cường quan hệ quân sự với Moscow. Trong ảnh, Lý thượng tướng chụp hình với người tương nhiệm Nga Sergei Shoigu (trái) ở Bắc Kinh hôm 18/04.

Theo họ, TQ thực chất là đồng minh chủ chốt của Nga vì Moscow lâu nay tìm cách hạ thấp chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng TQ, Thượng tướng Lý Thượng Phúc thăm Moscow, sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng trước, để tăng cường quan hệ quân sự với Moscow.

Hôm 24/04, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ, bà Mao Ninh bác bỏ quan điểm của ông Lư Sa Dã.

Bà tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc là các nước từng thuộc Liên Xô đều "có tư cách là quốc gia có chủ quyền sau khi Liên Xô giải tán".

Ông Lư Sa Dã là nhân vật quen thuộc với báo giới ở Pháp và châu Âu vì các phát biểu rất mạnh, đôi khi hung hăng của ông để bảo vệ Trung Quốc.

Từng bị gọi là "nhà ngoại giao chiến lang" (Wolf Warrior of Chinese diplomacy), ông không bực mà còn nói "rất tự hào" với danh hiệu đó.

Trả lời đài báo Pháp hồi 2021, ông nói là "chiến lang" là rất tốt vì có khá nhiều "linh cẩu rồ dại" (mad hyenas) liên tục công kích TQ.

Tin liên quan


No comments:

Post a Comment