Sunday, February 12, 2023

VNTB – Nếu bất an, sao vẫn còn giữ?
Diệp Chi
13.02.2023 12:54
VNThoibao



(VNTB) – Dường như ngài bộ trưởng vẫn phải chờ thỉnh thị ý kiến của Bộ Chính trị…

 Tựa như một thói quen, cứ đến mùa chuẩn bị tuyển sinh, câu chuyện vô đại học bằng hình thức học bạ lại tạo ra nhiều luồng ý kiến. Theo đó, một trong những nội dung được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là cần: “Nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học (ĐH) bằng học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc ‘làm đẹp’ học bạ và ‘chạy điểm’ ở các nhà trường”.

Chín người mười ý, có người đồng tình, cũng có người phản đối.

“Em thấy chuyện cũng đâu có gì quá đáng. Như trường hợp của em, thi vào một ngành thuộc khối xã hội ở trường Nhân Văn, rớt. Em nộp học bạ ngành đó ở một trường tư, được xét duyệt, và giờ đang là sinh viên, chuẩn bị bước sang năm thứ hai”, em Đức, một sinh viên đang theo học một trường đại học tư nhân chia sẻ về vấn đề xét tuyển bằng học bạ.

“Câu chuyện không mới. Nếu tôi nhớ không lầm, vấn đề này năm ngoái cũng được đem ra bàn luận trên báo chí. Quá rõ ràng, ý kiến từ giới chuyên môn được viện dẫn, có. Lo ngại về điểm số cũng như chất lượng đầu ra của đại học ở Việt Nam, có. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không có bất kỳ động thái nào mới trước vấn đề này.

Khi ngài Kim Sơn làm bộ trưởng, tôi cũng hy vọng vào giáo dục. Nhưng với đủ thứ lùm xùm xảy ra, từ sách giáo khoa, học phí cho đến xét tuyển, niềm tin đó dần vơi theo năm tháng. Trong khi đó, theo tôi, giáo dục rất quan trọng. Bác cũng từng dạy: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không…, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, cựu sinh viên Minh lắc đầu ngao ngán.

“Theo thông tin từ báo chí, thì việc ‘làm đẹp’ học bạ và ‘chạy điểm’ ở các nhà trường là có cơ sở nên mới có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bỏ xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ. Và trên thực tế, là một phụ huynh, câu chuyện của cách đây vài năm, buổi họp phụ huynh cuối cùng của lứa học sinh lớp 12, cô giáo chủ nhiệm cũng xác nhận, điểm số có trong học bạ không hẳn phản ánh đúng năng lực học tập của các em, mà các thầy cô đã âm thầm nương tay cho các em trong các bài kiểm tra cũng như các kỳ thi”, một phụ huynh có con em từng theo học hệ giáo dục thường xuyên chia sẻ.

Có thể thấy, cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đúng về: “Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”, song với cái gọng kìm “Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học” thì chẳng khác gì những quan chức của ngành giáo dục đang khoán trách nhiệm cho trường học?

Nếu thành công thì đó là bước tiến của ngành giáo dục, còn nếu thất bại, đó là trách nhiệm từng trường đại học.

Đó là chưa kể đến cái việc, quy định đưa ra công chúng thì rất dân chủ, có tính tự quyết nhưng khi thực hiện, liệu chăng có đúng như vậy?

Vấn đề được đặt ra, vậy thì tại sao với lùm xùm đủ thứ ý kiến liên quan đến cái gọi là học bạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không mạnh dạn bỏ hẳn việc xét tuyển bằng hình thức này?

“Thời điểm những năm trước cũng như vài năm sau đó của mốc 2010, đâu có xét tuyển bằng học bạ, còn được chia rạch ròi hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, vẫn tuyển sinh được, sinh viên học và ra trường có việc làm như bình thường, cũng có sao đâu. Thay đổi làm chi cho rắc rối, gây ra đủ mọi ý kiến, có lúc còn là cảm giác bất công. Trước đã từng rất ổn, vậy sợ gì không quay lại như trước?”, cựu sinh viên Minh đặt câu hỏi thay lời kết.


 

No comments:

Post a Comment