Tuesday, February 28, 2023

VNTB – Bài phát biểu ‘giả tưởng’ của lãnh đạo Việt Nam nhân tròn năm cuộc chiến Nga – Ukraine
Nguyễn Nam
28.02.2023 5:16
VNThoibao



(VNTB) – Hà Nội luôn nói rằng Việt Nam không tham gia vào “trò chơi quyền lực” của các nước lớn. Thế nhưng một diễn văn về “phe chính nghĩa” ở lãnh đạo tối cao của đảng cầm quyền, là điều sẽ được lòng dân lúc này.

 Giả dụ như có một diễn văn như vậy được soạn ra, rất có thể nó mang những ý tứ theo đúng văn phong tuyên giáo đảng mà một biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo đã thử chấp bút soạn hầu bạn đọc.

Xin được trích giới thiệu bài soạn này như góp một ý kiến theo quyền được bảo hộ ở Hiến pháp 2013, tại điều Điều 28.1 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.

Nhân xưng “tôi” ở bài viết dưới đây là theo khẩu khí của lãnh đạo tối cao trong đảng. Mong rằng tác giả bài viết này không bị chụp mũ điều luật hình sự 117 hay 331 về “quyền tự do biểu đạt”.

… Chiến sự Nga – Ukraine không thể kéo dài mãi, phải có kết cục. Điều nhiều người đang lo ngại là cho dù cuộc chiến này có kết cục như thế nào đi nữa thì sau đó thế giới cũng bị biến đổi sâu sắc, bởi cấu trúc an ninh toàn cầu sẽ thay đổi.

Tôi cho rằng cuộc chiến này Nga và Ukraine sẽ không có bên nào thắng. Chúng ta nhớ lại năm 1979, Liên Xô đưa quân sang Afghanistan và thời điểm đó, mọi chuyện tưởng chừng như đã an bài, nếu so sánh sức mạnh của hai bên.

Nhưng sau 10 năm sa lầy, Liên Xô phải quay trở về trong thế yếu và đó là một nhân tố góp phần làm Liên Xô sụp đổ. Nước Nga cần nhớ lại bài học này để có thể ngồi vào bàn đàm phán.

Những gì đang diễn ra trong năm qua cho thấy về đối ngoại, nước Nga sẽ có một kẻ thù ở sát nách thay vì một người anh em hay một nước láng giềng truyền thống như chúng ta với Trung Quốc. Hơn thế nữa, uy tín và đoàn kết quốc gia sẽ bị tổn hại vô cùng nặng nề và lâu dài.

Tại hội nghị ngoại giao mới đây, tôi đã nhận định rằng trong tình hình thế giới hiện nay, là một quốc gia có trách nhiệm, chúng ta cần phải căn cứ vào vị thế của đất nước để có tiếng nói phù hợp đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh thế giới và đó cũng là lợi ích của Việt Nam. Đồng thời, cần rất chủ động để xúc tiến các bước đi ngoại giao nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, đó chính là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chúng ta không thể đứng ngoài sự việc này, bởi trước hết Nga và Ukraine đều là bạn của Việt Nam. Và cá nhân tôi thì đã có thời gian dài là sinh viên tu nghiệp tại Liên Xô, nên tôi càng hiểu rõ một điều là nước Nga dù vĩ đại đến bao nhiêu thì thực lực quân sự cũng có giới hạn. Nhưng đó không phải là lý do mà tôi muốn đề cập ở đây.

Cá nhân tôi cho rằng quan trọng nhất là nguyên tắc “chính trị dẫn dắt quân sự”. Khi mà anh không có chính nghĩa, khi anh không có lý đúng khi tiến hành cuộc chiến tranh thì không thể nào anh giành được thắng lợi, chứ đừng vội nói đến thắng lợi nhanh chóng.

Nhìn từ cuộc trường chinh vĩ đại của chúng ta, khi mà như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Tôi dám chắc rằng những người Ukraine yêu nước cũng sẽ không chấp nhận đất nước bị chia cắt như vậy.

Một khi anh không có chính nghĩa khi tiến hành một cuộc chiến tranh, dù mang tên gọi nào đi nữa, anh cũng sẽ đi đến thất bại. Xin nhắc lại, cái này là tôi nói từ rút ra bài học ở cuộc kháng chiến trường chinh vĩ đại của dân tộc chúng ta ở thế kỷ qua.

Cũng từ bài học lịch sử Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam giúp nước bạn Campuchia là nhằm để bảo vệ tổ quốc, và khi có đủ điều kiện thích hợp, khi tiến hành chiến tranh xong là chúng ta bàn giao lại cho chính quyền nước bạn, và rút quân về.

Chúng ta không chọn phe. Không dựa vào nước nào đó chống hàng xóm, và dĩ nhiên là cũng không để hàng xóm dựa vào ai đó chống mình. Trên hết, chúng ta phải tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết bằng hòa bình, và cũng sẵn sàng ứng chiến khi gặp họa ngoại xâm như những người anh em Ukraine hôm nay.


No comments:

Post a Comment