Tuesday, February 28, 2023

Việt Nam: Phút cuối, giới quan sát 'tin ông Võ Văn Thưởng sẽ là Chủ tịch nước'
Tác giả,Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
28 tháng 2 2023
BBC


Ông Võ Văn Thưởng được đánh giá là người được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng

BBC được cho biết một hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra sáng 1/3 tại Trụ sở Trung ương Đảng, số 1 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

172 thành viên quyền lực nhất trong Đảng, là thành viên Trung ương Đảng, sẽ họp để chọn tân Chủ tịch nước, sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc đã từ nhiệm.

Chiều cùng ngày 1/3 và sáng ngày 2/3, BBC được biết sẽ có kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Đây sẽ là lúc để các đại biểu quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, nếu ứng viên đã được Trung ương Đảng thông qua.

Ứng viên được chọn làm Chủ tịch nước là ai, không được truyền thông nhà nước cho hay, theo thông lệ bí mật của Đảng Cộng sản.

Tuy vậy, giới quan sát và nhiều người có liên quan bộ máy Đảng và Nhà nước tại Hà Nội tin rằng Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng là ứng viên.

Ủy viên Bộ Chính trị 'trẻ nhất'

Ông Võ Văn Thưởng - 52 tuổi - hiện là thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị.

Việc bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng hay còn gọi là "đốt lò" ngày một mở rộng. Theo đó, hàng trăm quan chức bị ví như "củi" bỏ vào lò để điều tra, hàng loạt nhà chính trị hàng đầu bị miễn nhiệm, trong đó có hai phó thủ tướng.

Hãng tin Reuters nhận xét, ông Võ Văn Thưởng được coi là người thân tín với nhân vật quyền lực nhất Việt Nam - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch nước ở Việt Nam là một trong tứ trụ của Việt Nam, bên cạnh vị trí tổng bí thư đảng cộng sản, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.

Ai quyết định vị trí tân chủ tịch nước?

Điều 87 Hiến pháp Việt Nam quy định: “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội."

Tuy nhiên, theo đặc thù chính trị ở Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, thường không đến 200 người, có ảnh hưởng và quyền quyết định nhất trong vấn đề nhân sự.

Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị.

Số lượng Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Ngày 27/2, Giáo sư, nhà nghiên cứu Chính trị Việt Nam Carl Thayer phân tích với BBC:

"Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có thể được mô tả bằng thành ngữ Latinh 'primus inter pares’ nghĩa là 'Người đứng đầu đồng cấp'. Tổng Bí thư không thể áp đặt ý chí của mình lên Bộ Chính trị mà phải dẫn dắt và lôi kéo sự ủng hộ."

"Trong trường hợp chọn một người để thay thế ông Phúc lên làm Chủ tịch nước, khả năng cao là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vận động các thành viên của Bộ Chính trị trước khi đưa ra đề cử của mình. Các cuộc họp của Bộ Chính trị được giữ bí mật nên chúng ta không biết gì về quy trình đang diễn ra," ông Carl Thayer nhận định.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, "sân khấu trung tâm chính của việc đưa ra quyết định là Ban chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan vốn phải phê duyệt thông qua các đề xuất của Bộ Chính trị."

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS/NA SON NGUYEN/POOL
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970

Theo đúng quy trình, Quốc hội cần phải chính thức bầu chủ tịch nước kế tiếp.

Tuy nhiên, nhà quan sát chính trị lâu năm Carl Thayer cho rằng, đó là một kết quả hầu như đã có thể dự đoán trước vì Quốc hội chỉ mang tính hình thức.

Thế nhưng, quan sát tỷ lệ phiếu bầu cũng cho chúng ta thấy mức độ tín nhiệm của ứng cử viên đó.

"Nhưng cần nhắc lại rằng ít nhất hai lần gần đây trong lịch sử, Quốc hội đã bác các đề cử do Bộ Chính trị phê chuẩn – trường hợp của ông Cao Sỹ Kiêm được đề cử làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và Lê Minh Hương làm Bộ trưởng Bộ Công an," ông Carl Thayer chỉ ra sự khác biệt.

Lưu ý, chức vụ chủ tịch nước này chỉ đảm nhiệm cương vị cho tới hết nhiệm kỳ, tức là tới tháng 5/2026.

Tiểu sử ông Võ Văn Thưởng

Tiểu sử chính thức cho hay ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13/12/1970, quê quán ở xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Thưởng sẽ chỉ mới 56 tuổi vào thời điểm mà Đại hội Đảng 14 diễn ra vào đầu năm 2026.

Ông Thưởng trưởng thành từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, công tác tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1993-2004.

Sau đó ông là Bí thư Quận ủy 12, Thành phố Hồ Chí Minh (2004-2006), Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn (2006), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (2007-2010).

Từ 2011, ông trở thành Ủy viên Trung ương Đảng.

Tháng Tám năm 2011, ông được chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Từ 2014 tới tháng Giêng 2016, ông là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ 2016 tới tháng Giêng 2021, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ tháng Hai 2021 tới nay, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (3/2021).

Giáo sư Carl Thayer nhận xét với BBC rằng, rất có thể ông Thưởng được chọn làm chủ tịch nước mới để tích lũy kinh nghiệm về quan hệ quốc tế và phục vụ đủ thâm niên để các đồng chí trong đảng đánh giá ông là một lựa chọn khả dĩ cho chức vụ Tổng bí thư.

Ông Thayer cũng nhắc rằng ông Thưởng có xuất thân rất độc đáo:

"Dù ông ấy sinh ra ở tỉnh Hải Dương ở phía Bắc, nhưng có cha mẹ là người Nam tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Geneva 1954. Phần lớn thời gian sự nghiệp của ông Thưởng diễn ra ở TP HCM nhưng ông cũng có thời gian làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2014."

Theo ông Thayer, xưa nay bao giờ Tổng Bí thư cũng phải là người ngoài Bắc, ông Thưởng được coi là trường hợp dung hòa giữa hai miền và nếu ông trở thành Tổng Bí thư trong tương lai và đây sẽ là một bước ngoặt trong chính trị Việt Nam.

Trung Quốc muốn ngăn mầm mống 'bài Trung'

Khi được hỏi về sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc bầu chọn các vị trí chủ chốt ở Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Trung Quốc rõ ràng có thông điệp cho giới lãnh đạo cao nhất của Việt Nam về quan điểm của họ trong việc lựa chọn bộ máy lãnh đạo ở Việt Nam.

"Họ làm điều này thông qua hình thức trao đổi riêng của những nhà ngoại giao cấp cao tại Hà Nội và tại Bắc Kinh đối với người đồng cấp của họ.

"Sự can thiệp này nhằm vào những cá nhân bị coi là dung chứa quan điểm chống Trung Quốc, với hy vọng ngăn chặn họ trỗi dậy trong hệ thống chính trị của Việt Nam," ông Carl Thayer nhìn nhận.

Tin liên quan


No comments:

Post a Comment