Monday, February 27, 2023

“Hộ gia đình”: Định nghĩa linh tinh
Mai Bá Kiếm
27-202023
Tiengdan

Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì sẽ cấp một sổ hồng ghi đầy đủ tên thành viên trên sổ và trao cho người đại diện.

Trước đó, Luật Đất đai 2013 quy định chỉ ghi tên người đại diện trên sổ hồng bằng danh từ chung “hộ ông….” hoặc “hộ bà….” báo hại công chứng viên điên đầu khi công chứng về các giao dịch dân sự quyền sử dụng đất hộ gia đình.

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 chỉ định nghĩa “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm:

– Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất;

– Nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Nhưng, Luật không quy định căn cứ nào để xác nhận đủ các thành viên của hộ gia đình? Căn cứ vào sổ hộ khẩu thì có nhiều biến động như nhập, tách khẩu… dẫn đến việc tăng, giảm nhân khẩu, công chứng viên không thể xác định chính xác những thành viên trong hộ gia đình là bao nhiêu, gồm những thành viên nào, trường hợp cho nhập ở nhờ hoặc dâu, rể, con nuôi có được xem là thành viên hộ gia đình hay không?

Ngay cả thẩm phán khi xử tranh chấp đất hộ gia đình cũng không biết căn cứ vào đâu để đếm đầu cho đủ các thành viên? Cho nên ngày 07/4/2017, Tòa án Nhân dân tối cao đã có Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ rằng “Tòa án có thể yêu cầu UBND có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết vụ án và đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi giải quyết vụ án dân sự, ngoài những người là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất, Tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Tranh chấp quyền sử dụng đất hộ gia đình nó đông vui lắm, ngoài thành viên hộ gia đình còn có thêm người trực tiếp quản lý, sử dụng đất hộ gia đình, người có công làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hay tài sản trên đất.

Nếu Quốc hội thông qua dự thảo, thì Sổ hồng đất hộ gia đình trở thành Sổ hộ khẩu và cột “Thay đổi” (mutation) trên Sổ hồng cũng nhập, tách liên tục. Nhưng điều đó sẽ khiến các hộ gia đình không bán được đất và không ai dám mua, đặc biệt hộ gia đình có thành viên ở nước ngoài hoặc chết.

No comments:

Post a Comment