Monday, February 27, 2023

Singapore : Một lựa chọn hợp tác giúp Việt Nam hoàn thiện chính phủ điện tử
Đăng ngày: 27/02/2023 - 13:49
RFI

Thẻ căn cước công dân điện tử là một trong những thành công mới nhất trong công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam và được sử dụng thay thế sổ hộ khẩu giấy, chính thức bị xóa bỏ từ ngày 01/01/2023. Quá trình này đang được tăng tốc để hướng đến mục tiêu vào năm 2025, Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới (hiện đứng thứ 86) và đến năm 2030, được xếp vào nhóm 30 nước dẫn đầu, theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (P) và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự lễ ký Biên bản Ghi nhớ, tại Istana, Singapore, ngày 09/02/2023. REUTERS - EDGAR SU

Ngoài sự hỗ trợ năng động của Pháp trong lĩnh vực này, Hà Nội muốn mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của Singapore, hiện đứng đầu các nước Đông Nam về chính phủ điện tử. Việt Nam giữ vị trí thứ 6 trên 11 nước trong khu vực, sau cả Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia.

Dùng thẻ căn cước điện tử để bỏ quản lý hộ khẩu theo mô hình Trung Quốc

Năm 2020 được xem là bước khởi đầu với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến tháng 06/2021, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực ra, con đường chuyển đổi số ở Việt Nam đã được định hình từ nhiều năm trước, theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, cộng tác viên liên kết của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS-Yosof Ishak Institute tại Singapore, khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 21/02 :

« Có thể nói, chính phủ điện tử ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2011. Trước đó có kế hoạch được gọi là áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của hệ thống hành chính của chính phủ, tức là công vụ, nhưng thất bại. Sau đó, từ năm 2011-2012, bắt đầu có một kế hoạch khá đầy đủ để xây dựng chính phủ điện tử trong khuôn khổ quân trọng về cải cách hành chính.

Như chúng ta biết, Việt Nam có chương trình cải cách hành chính 10 năm (2001-2010). Đó là một chương trình rất tốt, tạo ra những bước tiến cơ bản cho Việt Nam về hành chính, trong đó có cải cách thể chế, cải cách tư pháp, cải cách hệ thống công vụ và tài chính công, cũng như là hệ thống các doanh nghiệp. Trong vòng 10 năm, với sự giúp đỡ, tài trợ của các nước phát triển trong khuôn khổ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã đạt được những bước tiến khá tốt.

Từ 2012, việc xây dựng « chính phủ điện tử » bắt đầu diễn ra với thủ tục ban đầu là xây dựng các hệ thống internet ổn định và an toàn trong cả nước. Thứ hai là xây dựng những trung tâm dữ liệu. Thứ ba là bắt đầu số hóa các thủ tục hành chính và thủ tục công vụ để đưa vào thư viện và phục vụ, đặc biệt là từ thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đến Hà Nội.

Nhưng bước đầu tiên để làm những việc đó, là ngay từ năm 2014, Việt Nam đã có một dự án thí điểm là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư ở Hải Phòng và đã cho kết quả tốt. Từ sau năm 2017 đến nay đã xây dựng được cơ sở dữ liệu dân khá toàn diện. Trên cơ sở đó, chính phủ Việt Nam đã bỏ được hình thức quản lý công dân và quản lý các hộ gia đình bằng hộ khẩu mà chuyển tất cả sang hệ thống căn cước công dân. Đây là hình thức quản lý hiện đại và không còn mang mầu sắc của Trung Quốc nữa. Đó là một việc làm rất lớn.

Còn tất cả những dịch vụ gọi là « hệ thống công vụ », có thể nói rằng đang phát triển một cách không đồng đều, nhiều chỗ còn rất chậm. Và ở những nơi đã phát triển được một phần nào đấy thì mức độ an toàn của hệ thống và mức độ ổn định của hệ thống đều ở ngưỡng thấp. Ví dụ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mức độ xây dựng chính phủ điện tử này còn đang chậm và các hệ thống đang hoạt động không ổn định ».

Singapore : Mô hình mà Việt Nam muốn hợp tác trong khu vực

Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam thường nhắc đến những kinh nghiệm và để nhiều nước phương Tây hỗ trợ mà không đề cập đến Trung Quốc. Ví dụ, bộ Công An nêu trường hợp của « nhiều quốc gia đã tiên phong và đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện chính phủ điện tử như Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Đức, Anh, Pháp, Estonia… ».

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là mô hình mà Việt Nam muốn hợp tác bởi vì, theo nhận định của bộ Công An Việt Nam, đảo quốc « thuộc nhóm nước đứng đầu thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tiêu biểu là việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tích hợp tất cả các dịch vụ hành chính công của các bộ/ngành ». Trong chuyến công du Singapore từ ngày 08-10/02/2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược song phương, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập với đồng nhiệm Lý Hiển Long về hợp tác « chuyển đổi số, bao gồm chính phủ điện tử, quốc gia thông minh-thành phố thông minh và sản xuất thông minh ».

Singapore bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số từ cách đây gần nửa thế kỷ, với Chương trình tin học hóa quốc gia ngay từ thập niên 1980. « Đó là điều mà Việt Nam có thể học để có được một hệ thống công vụ số ổn định, nhanh và minh bạch », theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp.

« Singapore đã phát triển chính phủ điện tử từ lâu, từ khoảng năm 1998. Khi đó, họ dùng một thuật ngữ, gọi là « công nghệ thông tin hóa hệ thống công vụ » của họ. Bắt đầu từ đó, hơn 20 năm, họ đã làm được nhiều việc khác nhau, từ việc đưa các thủ tục công vụ, tức là thủ tục hành chính, từ đơn giản nhất để số hóa. Cho đến gần đây, họ đã đạt được những mức độ rất cao vì 100% dịch vụ công của họ đã được chuyển đổi số thành công và ở mức độ tất cả các mặt, từ dữ liệu, lưu trữ, an toàn lưu trữ dữ liệu đến các bước xử lý công việc, rồi các quy trình, quy tắc xử lý công việc và công vụ đều được họ làm ở mức độ cao nhất. Chỉ có một mức độ là vì nếu xét ở mức độ là hệ thống chính phủ điện tử của Singapore đạt mức độ thống suốt ở mức cao, nhưng mức độ chính phủ điện tử thông minh thì vẫn chưa đạt được ».

Báo Chính phủ Việt Nam cho biết sau chuyến thăm của thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam và Singapore dự kiến đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số trên 3 trụ cột : chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử… Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cho biết thêm :

« Về hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, trước đây đã đặt vấn đề đó, lúc đầu là từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc (khi còn làm chủ tịch nước), sau đó vào tháng 10/2022, tổng thống Singapore đến Việt Nam và cũng đề cập đến vấn đề này. Vừa rồi, ông Phạm Minh Chính đi thăm Singapore, cũng đã đặt vấn đề này, cũng chỉ mở rộng ra một chút.

Nhưng phải nói thật là chưa có gì cụ thể. Tất cả mới chỉ tập trung vào việc để hai bên hợp với nhau, chủ yếu là Singapore trao đổi với Việt Nam về kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử và có thể giúp Việt Nam việc bắt đầu từ khâu chuyển đổi số, đào tạo công chức, nâng cao năng lực của hệ thống công vụ của Việt Nam nói chung và hệ thống huấn luyện trong nước cho việc chuyển từ một chính phủ bình thường thành chính phủ điện tử ».

No comments:

Post a Comment