Tuesday, February 28, 2023

Covid-19: Ba năm sau khi dịch bùng lên tại Vũ Hán, nguồn gốc virus vẫn là một bí ẩn
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 28/02/2023 - 15:02
RFI

Nhân viên trong bộ đồ bảo hộ y tế đứng gác trước một chung cư bị cách ly tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/03/2022. AP - Ng Han Guan

Ba năm sau khi Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán, gây đại họa khắp thế giới, nguồn gốc virus gây dịch vẫn là một bí ẩn với câu hỏi cho đến nay không tìm ra đáp án: Virus SARS Cov-2 có nguồn gốc từ động vật hay rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc? Trên vấn đề này, tranh cãi lại bùng lên vào hạ tuần tháng Hai 2023 sau khi bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, trong một báo cáo mật, thiên về giả thuyết thứ hai, điều đã bị Trung Quốc cực lực bác bỏ.

Kết luận của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ lần đầu tiên được tiết lộ ngày 26/02/2023 trên nhật báo Mỹ The Wall Street Journal. Các thông tin tình báo mới, được ghi nhận trong một bản cập nhật tài liệu năm 2021, đã cho biết rằng bốn thành viên trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tin tưởng với độ tin cậy thấp rằng virus lần đầu tiên được truyền từ động vật sang người và thành viên thứ năm tin tưởng với độ tin cậy “vừa phải” rằng ca lây nhiễm đầu tiên ở người có liên quan đến một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Văn phòng giám đốc Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ từ chối bình luận về bản báo cáo, nhưng theo hãng tin Mỹ AP, tất cả 18 văn phòng của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đều có quyền truy cập vào thông tin mà Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đã sử dụng để đi đến kết luận vừa bị rò rỉ.

Theo AP, Alina Chan, một nhà sinh học phân tử tại Viện Công Nghệ MIT và Harvard, cho biết bà không rõ về nội dung thông tin tình báo mới, nhưng “có lý do để suy luận” điều đó liên quan đến các hoạt động tại Viện Virus Học Vũ Hán ở Trung Quốc .

Theo chuyên gia này, ngay từ năm 2018, các nhà khoa học ở đó và các cộng tác viên Hoa Kỳ của họ đã đồng ký tên vào đề án nghiên cứu loại virus giống như Covid, và “chưa đầy hai năm sau, một loại virus như vậy đã bùng phát trong thành phố”.

Tuy nhiên, theo AP, không có cơ quan tình báo nào khẳng định việc virus gây dịch Covid-19 đã được cố ý phát tán. Bản cập nhật năm 2021 rất rõ ràng về điểm này khi xác định: “Chúng tôi đánh giá rằng virus không được phát triển như một vũ khí sinh học.”

Đối với bà Alina Chan, đồng tác giả một cuốn sách về nguồn gốc Covid-19, các sự cố ở phòng thí nghiệm Trung Quốc rất nhiều nhưng ít ai biết, vì chúng không được đề cập công khai. Vào năm ngoái, Tổ Chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị điều tra sâu hơn về giả thuyết  tai nạn phòng thí nghiệm. Bà Chan hy vọng báo cáo mới nhất vừa được sẽ thúc đẩy nhiều cuộc điều tra hơn ở Hoa Kỳ.

Nhiều nhà khoa học tin rằng giả thuyết virus corona lây từ động vật sang người vẫn hợp lý hơn nhiều. Họ đưa ra giả thuyết rằng nó xuất hiện trong tự nhiên và lây từ dơi sang người, trực tiếp hoặc thông qua một loài động vật khác. Trong một bài báo nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Cell, các nhà khoa học cho biết virus Covid-19 là loại corona thứ 9 được ghi nhận lây nhiễm sang người - và tất cả những loại trước đó đều có nguồn gốc từ động vật.

Hai công trình nghiên cứu được công bố năm ngoái trên tạp chí Science cũng củng cố lý thuyết nguồn gốc động vật. Nghiên cứu đó cho thấy chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán có khả năng là tâm chấn ban đầu. Các nhà khoa học kết luận rằng virus có khả năng lây từ động vật sang người trong hai lần riêng biệt.

Bắc Kinh dĩ nhiên đã phản bác báo cáo của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, cho rằng giả thuyết về việc Covid-19 đến từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc là “vô căn cứ”.

Về phần chính quyền Mỹ, phản ứng cũng rất thận trọng, ví dụ như cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, hôm 26/02 vừa qua đã khẳng định: “Tại thời điểm này, vẫn chưa có kết luận dứt khoát  nào từ cộng đồng tình báo về vấn đề này”.

Nguồn gốc virus Covid-19 như vậy vẫn gây chia rẽ trong giới khoa học. Trong khi một số người thiên về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhiều người khác vẫn tiếp tục tin rằng virus đến từ động vật, bị đột biến và lây sang người. Điều chắc chắn là cả hai bên đều nhất trí rằng nguồn gốc thực sự của đại dịch sẽ còn là bí ẩn trong nhiều năm nữa. 

No comments:

Post a Comment