Monday, February 27, 2023

Trung Quốc ráo riết vận động ngoại giao để giải quyết chiến tranh Ukraina
Thanh Phương
Đăng ngày: 27/02/2023 - 13:46
RFI

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Bangkok, Thái Lan, ngày 19/11/2022. AP - Jack Taylor

Có khi nào chiến tranh Ukraina sẽ chấm dứt bằng một “Hiệp định Bắc Kinh” giống như là chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với “Hiệp định Paris”? Vẫn còn quá sớm để tiên đoán một khả năng như vậy, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đang muốn đóng một vai trò trung gian để giải quyết cuộc chiến tranh Ukraina đã kéo dài hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu gì sẽ sớm kết thúc.

Tuy là một đối tác chiến lược của Matxcơva, cho tới nay Bắc Kinh nói chung vẫn giữ thái độ trung lập về chiến tranh Ukraina, không lên án cuộc xâm lược của Nga, nhưng cũng không công khai yểm trợ Matxcơva trong cuộc chiến này. 

Nhưng trong nhiều tuần qua, Trung Quốc đã ráo riết vận động ngoại giao để đưa Bắc Kinh trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột Ukraina, đối lại với Mỹ.

Trong  những ngày gần đây ông Vương Nghị, lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, đã công du châu Âu, đến Munich nhân hội nghị an ninh, ghé Budapest, rồi thăm Matxcơva. Mục đích của chuyến đi này chính là nhằm trình bày quan điểm của Bắc Kinh về giải quyết chiến tranh Ukraina.  

Như là một cử chỉ mang tính biểu tượng, Bắc Kinh đã chờ đúng ngày đánh dấu một năm chiến tranh Ukraina, 24/02/2023, để công bố một kế hoạch 12 điểm về “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina”, kêu gọi Kiev và Matxcơva mở hòa đàm để chấm dứt chiến tranh. 

Theo giải thích của chuyên gia Valérie Niquet, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Pháp, với đài RFI, thật ra kế hoạch đó không có gì là mới so với những lập trường của Trung Quốc mà ta đã biết: không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác và đề cao vai trò của Liên Hiệp Quốc. 

Thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc

Nhưng đặc biệt, điểm đầu tiên của kế hoạch Trung Quốc nêu lên một nguyên tắc căn bản, đó là tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước”, mà đây lại là điểm gây sự chú ý của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Trong cuộc họp báo hôm 24/02, ông Zelensky đã tuyên bố: “Tôi có ý định gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và phải làm mọi cách để Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraina. Tôi muốn tin là Trung Quốc đứng phía chúng tôi”.

Cho nên, theo đánh giá của chuyên gia Valérie Niquet, trước mắt Trung Quốc coi như đã giành được một thắng lợi ngoại giao nhỏ, bởi vì tổng thống Zelensky đã không bác bỏ kế hoạch hòa bình mà Bắc Kinh đề nghị và nhất là không chống lại việc Trung Quốc nhập cuộc để tìm giải pháp cho cuộc xung đột. 

Nhưng không chỉ có Ukraina. Trong khi một số đồng minh của Kiev phản ứng lạnh nhạt, thì Paris cũng tỏ vẻ quan tâm đến kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh. Hôm thứ Bảy vừa qua, phát biểu với báo chí bên lề Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế ở Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo ông sẽ đi thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4, đồng thời hoan nghênh những nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột . Nhưng nguyên thủ quốc gia Pháp nhấn mạnh “hòa bình cho Ukraina chỉ có được nếu Nga ngưng tấn công, triệt thoái quân và tôn trọng  toàn vẹn lãnh thổ Ukraina và tôn trọng nhân dân Ukraina.”

Kế hoạch hòa bình cho Ukraina có lợi cho Nga ?

Về phần Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo ngành ngoại giao Josep Borrell khẳng định kế hoạch của Trung Quốc “không phải là một kế hoạch hòa bình”, mà chỉ là thể hiện những lập trường mà Bắc Kinh đã nêu lên ngay từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina. Tuy nhiên, ông không bác bỏ kế hoạch này. 

Trong khi đó, tổng thống Mỹ Joe Biden thì dứt khoát không chấp nhận kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, một kế hoạch mà theo ông “chẳng có lợi cho ai khác ngoài Nga.”

Phản ứng của Washington cũng dễ hiểu : Khi tỏ ý muốn đóng vai trò trung gian hòa giải để chấm dứt chiến tranh Ukraina, Bắc Kinh còn tự đặt mình vào thế đối lập với Washington. Trả lời đài phát thanh Pháp France Info, Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, lưu ý bản kế hoạch 12 điểm mà Trung Quốc đề nghị cũng là những lời chỉ trích phương Tây. Khi Bắc Kinh kêu gọi “đừng đổ thêm dầu vào lửa và làm trầm trọng thêm các căng thẳng”, hay kêu gọi từ bỏ “tâm lý chiến tranh lạnh” thì rõ ràng họ ám chỉ Washington. Hoặc khi kế hoạch của Trung Quốc kêu gọi “đừng bảo đảm an ninh cho một khu vực bằng cách tăng cường hoặc mở rộng các khối quân sự”, thì đây chính là nhằm đả kích khối NATO đã mở rộng ra đến sát nước Nga. 

Cho dù vậy, ngay chính Matxcơva cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch hòa bình do Bắc Kinh. Theo hãng tin AFP, hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cho rằng kế hoạch này “đáng để chú ý”, nhưng hiện “chưa hội đủ những điều kiện cho một giải pháp hòa bình”.  

No comments:

Post a Comment