Chiến tranh Ukraina : Điều gì sẽ xẩy ra, từ Matxcơva đến Siberia, nếu Ukraina thắng lợi ?
Đức Tâm
Đăng ngày: 27/02/2023 - 15:02
RFI
Kể từ đầu những năm 1990, hiếm khi nào nguy cơ tan rã Liên bang Nga lại lớn đến như vậy. Đó là nhận định của nhà báo Isabelle Lasserre, trong bài phân tích đăng trên báo Le Figaro, ngày 23/02/2023. Nỗi lo sợ hỗn loạn sẽ xẩy ra khi chế độ Vladimir Putn sụp đổ. Đó là kịch bản mà nhiều lãnh đạo phương Tây e ngại và cũng chính vì muốn tránh tái lập các sai lần của những người tiền nhiệm mà các nước phương Tây lưỡng lự cung cấp nhanh và nhiều vũ khí cho Ukraina.
Ngay năm 1991, tổng thống Pháp François Mitterrand đã báo động nguy cơ hỗn loạn, mà theo ông, sẽ xẩy ra khi Liên Xô sụp đổ, cho dù lúc đó, quá trình sụp đổ đã bắt đầu. Ông Mitterrand nói rõ với lãnh đạo Liên Xô Gorbachev : « Việc Liên Bang Xô Viết tan rã sẽ là một thảm họa lịch sử đi ngược lại lợi ích của nước Pháp ». Chính nhân danh mối lo ngại này mà vị tổng thống thuộc đảng Xã Hội Pháp đã tìm cách cứu Liên Xô. Cũng nhân danh mối lo này mà các lãnh đạo phương Tây, trong một thời gian rất dài, đã nhắm mắt làm ngơ trước các tội ác của Vladimir Putin và bây giờ thì họ đang mơ ước là hòa bình sẽ nhanh chóng tái lập.
Đương nhiên, vẫn có các kịch bản về sự hỗn loạn. Một thất bại quân sự nghiêm trọng của Nga tại Ukraina có thể dẫn đến sự hỗn loạn về chính trị nội bộ, có thể làm tê liệt quyền lực ở Matxcơva. Nếu Vladimir Putin bị gạt ra khỏi bộ máy quyền lực, thì người thay thế hoặc những người thay thế có thể còn « tệ hại hơn ». Trong mọi trường hợp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin là như vậy khi đối chiếu với Evgueni Prigogine, ông chủ vô luân thường trái đạo lý của công ty đánh thuê Wagner, hoặc Nikolaï Patrouchev, « diều hâu » trong Hội đồng An ninh Nga. Có nhiều tổ chức vũ trang, thường do những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan lãnh đạo, ủng hộ tiến hành chiến tranh : Wagner, các tổ chức dân quân Chechnya của Kadyrov, quân đội chính quy, quân đội tư nhân đứng trên luật pháp… Tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn rập rình, trong trường hợp trống vắng quyền lực ở Matxcơva.
Tình trạng này cũng rập rình ở các vùng mà nguồn tài nguyên và nhân lực đã bị các lãnh đạo ở Matxcơva vắt kiệt và ở các vùng xa xôi của nước Nga, nơi cận kề với những nước láng giềng luôn có ý định thoát ra sự giám hộ phũ phàng và độc đoán của Kremlin. Kazakhstan bắt đầu giữ khoảng cách với Nga. Tadjikistan, Kirghizstan và Arménia đã ghi nhận sự vắng mặt của Nga trong các cuộc khủng hoảng hoặc xung đột gần đây làm rung chuyển các nước này. Đây là kịch bản đế chế Nga tan rã một lần nữa, một cái chết thứ hai của Liên Xô sau cái chết dang dở đầu tiên. Hoặc theo theo cách nói của nhà cựu ngoại giao Gerard Araud, « chiến tranh kế thừa Liên Xô lần hai ».
Hiếm khi nào các nguy cơ tan rã lại lớn như vậy kể từ đầu những năm 1990. Cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski thường nói : « Không có Ukraina, nước Nga không còn là một đế chế ». Phải chăng chủ nghĩa đế quốc Nga đang trôi dần vào hoàng hôn ? Một số người cho rằng, ngược lại, chính việc duy trì Vladimir Putin trong bộ máy quyền lực là mầm mống của tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, nội chiến ở nước Nga. Akhmed Zakaïev, lãnh đạo chính phủ Chechnya lưu vong, nghĩ rằng, « nếu nước Nga sụp đổ, sẽ không xẩy ra chuyện gì cả ». Trái lại, « chừng nào đế chế Nga còn tồn tại thì không ai tránh được mối đe dọa Nga ».
Phần lớn các chuyên gia cho rằng việc duy trì Vladimir Putin trong bộ máy quyền lực, thắng lợi của Kremlin tại Ukraina hoặc tình trạng « đóng băng » cuộc xung đột ở Ukraina, là mối nguy gây ra tình trạng hỗn loạn còn lớn hơn cả việc sụp đổ quyền lực tại Nga. Chuyên gia Françoise Thom, trong một bài viết về Nga, cảnh báo, « chế độ Vladimir Putin tồn tại càng lâu thì nguy cơ hỗn loạn càng lớn : người ta có thể mường tượng được các toán lính ô hợp quen cướp phá và bạo lực kéo về nước Nga. Một thắng lợi nhanh chóng của Ukraina kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Putin có lợi cho phương Tây và cả nước Nga ».
Một số người nêu kịch bản Bắc Triều Tiên đối với Nga. Một chế độ khép kín và biến thành pháo đài, duy trì đế chế và người dân sống tự cung tự cấp dưới sự lãnh đạo độc tài của Vladimir Putin, đến mức tạo thành một « cơ thể đông cứng », theo như cách gọi của Françoise Thom. Về phần mình, chuyên gia phân tích chính trị Bruno Tertrais không loại trừ kịch bản « Mordor – Quốc gia hắc ám », có nghĩa là « một đất nước đen tối, một vùng điêu tàn, ở đó, cái Ác đang chuẩn bị trả thù ». Một « thời rối loạn » mới đánh dấu bằng việc nước Nga trở nên man dại, tội phạm và tiến trình chảy máu chất xám và di dân của tầng lớp trung lưu tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên có một kịch bản lạc quan bao gồm việc Vladimir Putin ra đi. Đó là kịch bản của nhà đối lập, cựu vô địch cờ tướng thế giới Garry Kasparov. Không bác bỏ những nguy hiểm của tình trạng trống vắng quyền lực sau khi Putin ra đi, ví dụ, Ukraina lấy lại được Crimée, ông không tin là nước Nga sẽ tan rã. « Ví dụ Nam Tư là một ví dụ tồi. Tất cả sẽ phụ thuộc vào khả năng của một chính phủ mới trong việc quản lý quá trình chuyển giao quyền lực. Nước Nga đã biết đến các quy định dân chủ và có thể lại áp dụng các quy định này nếu như phương Tây giúp đỡ Nga soạn thảo một dự án. Cần biến đổi các quan hệ giữa trung tâm và các vùng ».
Nhiều nhà đối lập, như ông Kasparov, đấu tranh cho việc tiến hành tản quyền của một nước Nga rộng lớn. Đó là trường hợp Leonid Gozman : Các xu hướng phân chia quyền lực tồn tại ở Nga là do việc cướp bóc một cách có hệ thống các nguồn tài nguyên của đất nước bởi phe nhóm vần vũ quanh điện Kremlin hơn là do các mưu mô của ngoại bang. Nếu các vùng được phép giữ lại các nguồn của cải mà họ tạo ra, lắp đặt hệ thống nước, khí đốt, họ sẽ đồng ý áp dụng các cải cách của tân chính phủ. Đây cũng là dự án của cựu tài phiệt Mikhaïl Khodorkovski, hiện đang sống lưu vong sau 10 năm bị giam giữ trong nhà tù của chế độ Putin : Nếu Vladimir Putin nhanh chóng thua về quân sự, ông ta sẽ buộc phải rời bỏ quyền lực. Người kế nhiệm sẽ tái lập quan hệ với phương Tây hoặc đến lượt người này cũng sẽ bị lật đổ. Trong một đất nước rộng lớn như Nga, tùy theo từng vùng, dân chủ sẽ phải có những hình thái khác nhau. Người thuộc các vùng châu Âu của Nga sẽ không có cái nhìn về dân chủ giống như người ở các vùng Trung Á. Nhưng trong mọi trường hợp, các nước Baltic đã thành công trong việc biến đổi các cơ quan an ninh của họ. Tại sao Nga không làm được ?
No comments:
Post a Comment