VNTB – Lại nói về quyền độc lập của tư phápĐông Đô
27.02.2023 2:58
VNThoibao
(VNTB) – Độc lập đến mức độ nào, đó là câu chuyện của tùy thuộc vào Bộ Chính trị.
Chiều 26-2-2023, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Tòa án nhân dân tối cao khai mạc Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại phiên khai mạc, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trình bày báo cáo về đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp. Báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức tòa án nhân dân.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đáng chú ý là tại hội nghị này lại có buổi giới thiệu sách mà nhiều đại biểu tham dự nói rằng họ có cảm tưởng Đảng đang định hướng về “độc lập của tư pháp”. Theo đó, đại diện Ban Nội chính Trung ương đã đăng đàn giới thiệu tới toàn thể đại biểu nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Đây là một cuốn sách có khối lượng tri thức lớn, tổng kết lý luận và thực tiễn tổ chức cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng” – phía đại diện Ban Nội chính Trung ương đưa ra nhận định mang tính định hướng như vậy, với việc cho rằng, “quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung của cuốn sách mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đang được Đảng chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, đã đạt những kết quả toàn diện, tích cực”.
Về nguyên tắc, tính độc lập của tòa án phải gắn liền với thực thi quyền tư pháp, cho phép các vị thẩm phán, để bảo vệ công lý, có thể đưa ra những phán quyết đi ngược lại quyền lợi của các ngành khác của chính quyền.
Trong trường hợp này, để có tiếng nói vô tư, không thiên vị, không sợ hãi khi thực thi quyền lực thì tòa án phải độc lập, các lĩnh vực hoạt động của ngành phải được bảo vệ trước mọi ảnh hưởng của các cơ quan khác, bất kể công khai hay bí mật.
Tính độc lập của tòa án chính là chỗ dựa khơi nguồn cho lòng dũng cảm cần thiết để phụng sự các giá trị của nhà nước pháp quyền, đồng thời mang lại cho người dân niềm tin lớn lao và vững chắc hơn vào tòa án trong quá trình bảo vệ công lý.
Tại nhiều quốc gia, một Hội đồng tư pháp quốc gia được thành lập để đảm bảo sự khách quan, tránh sự can thiệp vào mọi phía, mọi khâu, từ quá trình lựa chọn thẩm phán, nguyên tắc đạo đức cho đến phòng chống tham nhũng, đảm bảo thu nhập, bảo vệ an ninh…
Thế nhưng như đã tường thuật như trên, các lý thuyết thông thường về tư pháp độc lập mà phần lớn thế giới đang thực hiện, trong nhiều trường hợp nó không phù hợp ở Việt Nam.
“Không phù hợp” là cách nói nhẹ nhàng của chuyện một khi vị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã “phán” mang tính kết luận về vụ án tham nhũng nào đó, thì coi như đây cũng là “căn cứ định khung” cho chuyện “đương nhiên phải có tội” mà phía tư pháp phải thực thi theo đúng “ý chỉ” của nhân danh Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ góc nhìn trên sẽ giúp giải thích vì sao câu chuyện “tư pháp độc lập” được đưa ra bàn luận suốt từ lúc sinh tiền của người khai sinh ra Đảng cộng sản Việt Nam kéo dài đến tận hôm nay, khi qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp tại vị chức danh Tổng bí thư, nhưng người đứng đầu đảng vẫn tiếp tục “định hướng” cho “tư pháp độc lập”, với đơn cử là “Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” dự kiến kết thúc vào chiều ngày 27-2-2023.
No comments:
Post a Comment