Sunday, February 12, 2023

VNTB – Cần gìn giữ và phát triển văn hóa của tôn giáo nội sinh Nam bộ
Phạm Lê Đoan
13.02.2023 12:55
VNThoibao



(VNTB) – Việt Nam vừa được bầu làm phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ đa dạng văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận cương vị này.

 Tại cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của UNESCO ngày 10-2 ở Paris (Pháp), Việt Nam được tín nhiệm làm phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ đa dạng văn hóa, đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Sự kiện này quy tụ gần 400 đại biểu và quan sát viên từ 24 quốc gia thành viên của ủy ban và gần 100 nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức văn hóa – nghệ thuật.

Các quốc gia thành viên Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa đánh giá cao chính sách và các biện pháp thiết thực của Việt Nam nhằm phát huy vai trò của văn hóa như sức mạnh nội sinh, động lực cho phát triển bền vững.

Để khuyến cáo trên được thực hiện khi “văn hóa như sức mạnh nội sinh”, có lẽ đã đến lúc Việt Nam có cái nhìn thoáng hơn về quyền của người dân khi chọn lựa tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo Đảng thì giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, là bệ đỡ tinh thần giúp tín đồ sống lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Giá trị văn hóa của tôn giáo thể hiện ở niềm tin, thực hành, các nguyên tắc đạo đức, các giá trị, những di sản hữu hình và vô hình. Quá trình hình thành, phát triển giáo lý, triết lý, các nguyên tắc, giáo luật của các tôn giáo dần ảnh hưởng, thẩm thấu đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý và lối sống không chỉ của tín đồ, mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội.

Giá trị văn hóa của tôn giáo có một sức sống lâu bền và mãnh liệt, thậm chí ngay cả trong các xã hội đã đạt được tính hiện đại cao.

Tư tưởng của các tôn giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu trong giáo dục tín đồ, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam trong xây dựng văn hóa gia đình, tế bào của xã hội.

Đạo hiếu chính là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần khích lệ mọi người quan tâm lẫn nhau, phát huy giá trị nhân bản và lan tỏa yêu thương. Các tôn giáo đề cao giá trị gia đình, cùng với sự bao bọc của niềm tin tôn giáo làm cho các thành viên trong gia đình quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống, góp phần chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội.

Giá trị như nêu của các tôn giáo đã đóng góp vào việc bồi dưỡng giá trị đạo đức văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Những chuẩn mực của tôn giáo góp phần không nhỏ trong việc duy trì nguyên tắc ứng xử của xã hội Việt Nam, rất hữu ích trong việc duy trì đạo đức, văn hóa xã hội.

Tuy nhiên hiện tại thì quyền tự do thực hành theo các nghi thức văn hóa của tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo đang chịu sự hạn chế từ chính quyền thông qua yêu cầu bắt buộc các tôn giáo này phải là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tức phải chịu luôn sự điều chỉnh của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Điều đó có nghĩa mọi hoạt động tôn giáo đều tuân thủ định hướng của đảng cộng sản Việt Nam.

Nhìn từ giác độ văn hóa, thì tôn giáo nào cũng đều khuyên răn con người hướng thiện, hướng đến cái tốt đẹp, hướng đến đạo lý làm người, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết sống vì cộng đồng.

Việc thực hành nghi lễ tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Niềm tin tôn giáo tích cực đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần đồng thuận, tiến bộ xã hội.

Như vậy với tất cả những gì trong chính sách phân biệt đối xử của nhà chức trách đang áp đặt với những tôn giáo nội sinh, cho thấy rất cần phải có những thay đổi phù hợp, đặc biệt khi Việt Nam đang được tín nhiệm làm phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ đa dạng văn hóa, đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


 

No comments:

Post a Comment