Wednesday, May 28, 2025

Dỡ bỏ trừng phạt Syria : Một quyết định khôn ngoan và táo bạo của Donald Trump
Minh Anh
Đăng ngày: 27/05/2025 - 15:36
RFI

Ngày 23/05/2025, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent thông báo chính thức dỡ bỏ các trừng phạt nhắm vào Syria, sau tuyên bố của tổng thống Donald Trump đưa ra tại Riyad, Ả Rập Xê Út, ngày 13/05. Bộ Ngoại Giao Mỹ còn cấp quyền miễn trừ đạo luật Cesar sáu tháng. Quyết định này của nguyên thủ Mỹ được một số chuyên gia đánh giá là «táo bạo» và «khôn ngoan», đồng thời khẳng định vai trò ảnh hưởng ngày càng lớn của Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Từ trái sang phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman và tổng thống tạm quyền Syria Ahmed Al Sharaa tại Riyad, Ả Rập Xê Út ngày 14/05/2025. © AFP PHOTO / HO /SANA

Syria bị trừng phạt từ bao giờ ? Những biện pháp đó là gì ?

Theo Le Figaro, thông báo này của Mỹ đánh dấu một bước ngoặt lớn cho Syria vào lúc nền kinh tế đã bị kiệt quệ vì những đòn trừng phạt và cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm. Những biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ bắt đầu từ năm 1979 nhắm vào chế độ Hafez Al Assad, cha của tổng thống bị lật đổ Bachar Al Assad, do sự can dự của ông vào cuộc nội chiến ở Liban.

Lệnh trừng phạt được siết chặt hơn vào năm 2004, cấm các hoạt động mua bán vũ khí và đầu tư nước ngoài với Syria, cũng như là cấm các hoạt động xuất khẩu sang Syria ngoại trừ thực phẩm và thuốc men. Ngày 26/04/2005, Syria rút toàn bộ binh sĩ khỏi Liban, chấm dứt gần 30 năm hiện diện quân sự và chính trị trên lãnh thổ Liban.

Từ năm 2011, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu áp đặt các trừng phạt chống chế độ Al Assad vì những hành động trấn áp bạo lực nhắm vào làn sóng phản đối của người dân, khiến hơn 500 ngàn người thiệt mạng, một phần tư trong số này là thường dân trong vòng 13 năm, theo số liệu của Đài Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH). Biện pháp này bao gồm việc phong tỏa tài sản chính phủ Syria ở nước ngoài và cấm mọi hoạt động đầu tư của Mỹ cũng như là nhập khẩu dầu hỏa hay sản phẩm có liên quan của Syria.

Năm 2019, các biện pháp trừng phạt được mở rộng căn cứ theo đạo luật Cesar, tên của một nhiếp ảnh cảnh sát chế độ Bachar, người đã đưa ra ngoài 55 ngàn bức ảnh tố cáo các hành động tra tấn có hệ thống trong các nhà tù và các trại giam trên khắp nước.

Tháng Giêng năm 2025, chính quyền Biden đã quyết định dỡ một phần các lệnh trừng phạt mang lại chút « dưỡng khí » cho một nền kinh tế kiệt quệ như cho phép các hoạt động giao dịch có liên quan đến bệnh viện, trường học và dịch vụ công, cung cấp năng lượng (khí đốt, dầu lửa và điện) nhằm mục đích nhân đạo và cuối cùng cho phép các cá nhân gởi tiền cho người thân ở Syria.

Vì sao tổng thống Trump quyết định dỡ bỏ trừng phạt ?

Kể từ khi tạm nắm quyền lãnh đạo đất nước, tổng thống Al Sharaa nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế về thiện chí của ông thiết lập một chính phủ trung dung, tập hợp dân tộc, bảo vệ sắc tộc thiểu số bất chấp những vụ thảm sát gần đây nhắm vào cộng đồng người Alawit, nơi xuất thân của cựu lãnh đạo độc tài bị lật đổ Bachar Al Assad.

Đây còn là kết quả của một chiến lược mà một số truyền thông Pháp không ngần ngại gọi là « ngoại giao bất động sản » được Syria triển khai dưới sự hỗ trợ của nhóm vận động Syrian American Alliance for Peace and Prosperity (SAAPP), một hiệp hội của cộng đồng người Mỹ gốc Syria, hoạt động rất mạnh tại Mỹ, theo như tiết lộ từ trang Intelligence Online.

Còn theo trang Le Grand Continent, trước chuyến công du Trung Đông của tổng thống Mỹ, nhiều lời đồn thổi cho rằng tân tổng thống Syria mong muốn trình bày với Donald Trump một « kế hoạch Marshall » để tái thiết đất nước, bằng cách hợp tác đối tác với các doanh nghiệp Mỹ. Giới chức Syria cho rằng kế hoạch này sẽ cho phép Mỹ giành được lợi thế về cạnh tranh với Trung Quốc và với nhiều cường quốc khác.

Ngoài ra, theo nhận định của Etienne Monin, phóng viên đài phát thanh France Inter, bước rẽ ngoạn mục này của Washington còn là thành quả hoạt động ngoại giao tích cực của các nước Vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên đài France Inter, nhà báo Monin giải thích :

« Đây vừa là một khoản đầu tư ngoại giao, vừa là một hoạt động giao dịch như Donald Trump thích làm. Tổng thống Mỹ đã nói rõ là ông đang đáp lại yêu cầu của hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, người mà ông vừa ký một số lượng lớn các hợp đồng.

Ả Rập Xê Út ủng hộ chế độ mới của Syria, được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn trong thời gian gần đây. Damas đã có những cử chỉ thiện chí bằng cách thiết lập các mối liên hệ gián tiếp với Israel, đưa nhiều nhóm vũ trang khác nhau, bao gồm cả người Kurd, vào lực lượng an ninh của mình.

Châu Âu đã bắt đầu nới lỏng chế độ trừng phạt. Tổng thống Macron đã tiếp nhà lãnh đạo Syria hôm 07/5. Có một ý chí chính trị muốn trao một cơ hội cho chế độ mới này, vốn được coi như là một bảo đảm tốt nhất cho sự ổn định bất chấp những xung đột các nhóm tôn giáo mà chế độ này vẫn chưa thể kiềm chế.

Ngoài ra còn có mong muốn loại trừ Iran, Nga và Trung Quốc khỏi khu vực. Iran và Nga là những nước bảo trợ cho chế độ cũ. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Vịnh, Châu Âu và Hoa Kỳ đang khẳng định vị thế để bảo đảm cho bước tiếp theo ».

Tân lãnh đạo Syria phải nhượng bộ những điều gì ?

Theo Le Monde, chế độ mới tại Syria cam kết giúp Mỹ « định vị » những người Mỹ bị mất tích tại Syria trong quãng thời gian nội chiến 2012 – 2017. Washington còn công khai đưa ra một loạt các đề nghị với tân chính quyền Syria : Tiếp nhận các chiến binh Hamas Palestine, hợp tác với Mỹ chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), kiểm soát các trại giam giữ quân thánh chiến IS hiện do người Kurdistan quản lý, và nhất là trục xuất các chiến binh khủng bố nước ngoài (CET) về nước xuất xứ.

Về điểm này, để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ gạt những chiến binh CET, tân chính quyền Damas buộc phải đàn áp các đồng minh cũ của mình. Theo các nguồn tin từ Syria được Le Monde dẫn lại, việc thăng hàm sĩ quan cao cấp cho sáu người trong số này đã « bị hoãn lại » để thể hiện thiện chí. Một số chiến binh dường như đã được đưa vào các sư đoàn của quân đội Syria mới.

Liên quan đến yêu cầu bình thường hóa quan hệ với Israel và tham gia thỏa thuận Abraham, ông Anthony Samrani, đồng trưởng ban biên tập nhật báo Liban L'Orient Le Jour, trên đài RFI phân tích :

« Về khả năng tổng thống Syria bình thường hóa quan hệ với Israel, tôi nghĩ là ông ấy không hoàn toàn phản đối. Xét đến những gì Syria đã trải qua trong những năm gần đây, và tất nhiên, điều đó có thể sẽ tạo ra một sự thù nghịch, ông ấy có thể sẽ bị chỉ trích, nhất là từ những người cực đoan nhất trong chính quyền của ông, nhưng tôi cho rằng điều đó sẽ không gây ra một sự thù địch tương tự như những gì đã xảy ra, ví dụ như ở Liban, ở đó người ta khó có thể chấp nhận được vấn đề về Israel.

Nhưng để tiến về phía Israel, tổng thống Syria cần, thứ nhất một đối tác có lý trí, hiện không phải là trường hợp người Israel hiện nay, đang xử sự một cách hoàn toàn phi lý tại Syria, và điều thứ hai là một sự nhượng bộ tối thiểu từ Israel, nhất là về vấn đề cao nguyên Golan. »

Dỡ bỏ cấm vận, liệu có là một quyết định khôn ngoan ?

Việc dỡ bỏ cấm vận đối Syria còn để ngỏ nhiều vấn đề địa chính trị chưa được giải quyết như số phận lực lượng người Kurd Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại bỏ nhưng phương Tây hậu thuẫn, và nhất vấn đề sự hiện diện của Nga tại hai cảng biển Tartous và Hmeimim. Ông  Almed Al Sharaa không đưa ra bất kỳ cam kết nào để ngăn chặn Nga trở lại Syria. Khả năng quân Nga trở lại đông đảo không hẳn khiến Ankara phật lòng, ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ một quân cờ Nga trong ván cờ Syria, trong khi các vệ tinh trinh sát Anh, Pháp, Mỹ và Israel theo dõi chặt chẽ hai khu vực này.

Dù vậy, theo đánh giá từ Giorgio Cafiero, chuyên gia thẩm định rủi ro tại Gulf State Analytics trên trang Responsible Statecraft của Mỹ, quyết định tái lập quan hệ với Syria là khôn ngoan và táo bạo. Điều này cho thấy ông Trump « cởi mở với chủ nghĩa thực dụng khi nhận thấy có sự đồng thuận trong khu vực ». Tác giả dẫn phân tích từ một chuyên gia về Trung Đông người Ý cho rằng, ông Trump đã thay đổi chính sách đi từ « sự cô lập về mặt học thuyết sang tham gia mang tính giao dịch, nhất là nếu Sharaa được coi là một thành trì tiềm tàng chống lại Iran và là phương tiện để ổn định Syria sau xung đột ».

Sự kiện cho thấy chính sách đối ngoại của Trump tại Trung Đông nay không còn xem Israel như là một vai trò hạt nhân, thay vào đó là Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCG).

Động thái này của Trump đương nhiên sẽ tạo tiền đề cho Mỹ quyền tiếp cận các nguồn lực tài nguyên và kinh tế của Syria và như vậy, qua nhà lãnh đạo Syria, ông có thể đạt được nhiều thỏa thuận. Yếu tố này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quân đội Mỹ có thể triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi Syria. Theo kịch bản này, Nhà Trắng có động lực lớn hơn để thúc đẩy mối quan hệ tích cực với bất kỳ chính phủ nào nắm quyền ở Damas.

Cuối cùng, trong bối cảnh rộng hơn, nguyên thủ Mỹ cũng nhận thấy rằng việc tiếp tục siết chặt Syria bằng các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ mở đường cho Trung Quốc và Nga có được ảnh hưởng lớn hơn tại quốc gia này, đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng và tái thiết.  

(Nguồn Le Figaro, Le Monde, Le Grand Continent, France Inter, Responsible Statecraft)

No comments:

Post a Comment