Wednesday, May 28, 2025

Cha mẹ bạn đã bị lừa chưa?
Khải Đơn
28-5-2025
Tiengdan

Ảnh: Báo SK&ĐS

Mẹ tôi mua một loại sữa hạt Ovisure do Quyền Linh quảng cáo, với công dụng được anh MC nổi tiếng kia luôn mồm nói là tốt cho người già, người già bị đau xương khớp, bệnh tim, bị tiểu đường.

Tôi cầm thử một muỗng bột nếm một chút, vị rất ngọt loang vào miệng. Trên thành phần của hộp không ghi có thành phần nào là đường hay chất làm ngọt. May mắn là mẹ tôi không bị tiểu đường.

Bạn hãy thử tưởng tượng nếu người già và người bệnh tiểu đường ở nhà coi một quảng cáo trên Facebook và mua đúng loại sữa này, uống nó vào mỗi sáng, họ sẽ bị gì nếu như họ đang phải điều trị tiểu đường nhưng vẫn thụ động nạp đường vào cơ thể?

Đường và chất tạo ngọt không cần nhìn mới thấy. Ta có thể nếm và biết nó quá ngọt. Nó có thể khiến bệnh của người già trầm trọng hơn, thậm chí gây ra tai biến vì tiểu đường nếu liên tục nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Người già tin rằng sữa tốt cho người bị tiểu đường, bớt đau nhức xương khớp vì MC nổi tiếng quảng cáo. Họ ngây thơ khi đọc thành phần không hề ghi có đường, chắc vị ngọt là do hạt gây ra.

Nhưng bạn không thể thuyết phục cha mẹ tin bạn, vì người nổi tiếng đáng tin hơn bạn, đứa con mà họ đẻ ra nhưng chả có mẹ gì chuyên môn dinh dưỡng cả. Bạn trở thành đứa con bất lực vì cha mẹ quyết không nghe lời bạn, liên tục rơi vào bẫy lừa đảo trên mạng.

Nhưng bạn và cha mẹ không phải nạn nhân duy nhất. Vì một phân tích nội bộ của Meta vào năm 2022 cho thấy 70% quảng cáo đang hoạt động trên Facebook là lừa đảo, bán đồ giả hoặc sản phẩm kém chất lượng (1).

Những page chạy lừa đảo này hầu hết vận hành từ Trung Quốc, Sri Lanka, Việt Nam và Philippines. Nhưng khách hàng mua quảng cáo vẫn góp phần làm tăng 22% trong số 160 tỷ USD tiền quảng cáo trên nền tảng này (1).

Nghĩa là, bằng cách nào đó, thì cha mẹ bạn, người già, người không có kinh nghiệm quét và nhận định quảng cáo trên mạng, vẫn sẽ là nạn nhân của các sản phẩm này, dù bạn muốn hay không.

Nhưng vụ kẹo rau củ kera của anh Quang Linh, chị Hằng Du Mục và kem chống nắng SPF 2,4 của cô Đoàn Di Băng cho thấy người trẻ hay người trung niên cũng đều là nạn nhân của các loại quảng cáo sản phẩm kém chất lượng này trên TikTok và Facebook.

Sự khác biệt ở đây là nếu bạn mua nhầm kem chống nắng dỏm của cô Đoàn Di Băng bạn có thể bị đen hơn khi đi tắm biển hoặc đợi vài chục năm mới ung thư da, thì người già ở giai đoạn sức khoẻ mong manh, dễ gặp các biến chứng nguy hiểm nếu uống hoài một loại sữa ghi là “tốt cho người tiểu đường” nhưng lại cực kỳ ngọt, hoặc mua viên cao đơn hoàn tán chữa bệnh đau khớp chân, chữa tim mạch uống mà không biết bên trong có gì.

Có lần, tôi ngồi cạnh một phụ nữ lớn tuổi. Bà đang xem video ông thầy mặc áo đen chữa bệnh đau mắt. Video được quay và phát lại gần như một live stream trên Facebook. Rất nhiều bệnh nhân xếp hàng, nằm ngồi trước sân. Có một bệnh nhân cũng gần tuổi như bà, đi lên và đeo chiếc khăn bịt mắt.

Đại khái trong video nói bà bị đau mắt mấy tháng, không nhìn thấy đường nữa. Bà đã dùng thuốc của thầy đắp lên mắt bao nhiêu ngày đó, giờ thầy gỡ khăn ra, bà bảo thấy rõ lắm, không đau nữa. Thầy bảo nếu ai muốn được chữa thì để lại số điện thoại, thầy sẽ gọi và kê thuốc cho.

Người phụ nữ ngồi cạnh tôi nhập số điện thoại của bà vào khung comment.

Tôi hỏi tại sao bà không đi khám ở bệnh viện mà lại xem qua Facebook. Người ta không thấy mình làm sao biết mình bị đau ra sao. Bà nói từ nhà bà để đến bệnh viện phải đi xe bus gần hai tiếng, rồi sau đó bà phải xếp hàng đợi vào khám, có khi đợi tới giờ cơm trưa chưa được khám. Vào khám rồi thì bác sĩ chỉ nói hai ba câu, kê thuốc rồi cho bà về. Bà đi đã bốn lần rồi bệnh đau mắt vẫn không khỏi. “Thầy chữa khỏi cho người ta đó, con thấy không?” – Bà chỉ vào video.

Chỉ vài phút sau có giọng người đàn ông gọi lại, tự xưng là “thầy” và có thể điều trị đau mắt cho bà. “Thầy” dành hơn 15 phút nói chuyện qua điện thoại với bà, liên tục trấn an bà là “xài thuốc này sẽ khỏi”, “đừng lo sẽ không đau nữa”, “thuốc này để nấu thầy tốn công sức đi tìm lá quý lắm, nhưng thầy chỉ để lại cho cô giá 7 triệu đồng thôi, uống làm sáu ngày”.

Vậy là tôi hiểu vì sao bà sắp trở thành nạn nhân của một ông thầy trên mạng:

1. Hệ thống y tế bình thường quá tải, nơi để đi khám quá xa nơi bà sống.

2. Bà đã không được chữa khỏi bệnh trong hệ thống y tế dù đã nỗ lực đi lại nhiều lần.

3. Thay vì chỉ được bác sĩ ở bệnh viện tư vấn vài phút [mà người già có rất nhiều thắc mắc nhưng sợ bác sĩ tới mức không dám hỏi], rồi phải vội vàng ra về vì có người sau chờ khám, thì ở đây bà được kẻ lừa đảo dành thời gian đến hơn 15 phút điện thoại, vừa tâm sự, vừa hỏi han, vừa tỏ ra chăm sóc.

Chúng ta đang có một thế hệ lớn tuổi cần tự lập vì con cái rời xa nhà và có cuộc sống riêng. Họ hoàn toàn không có kiến thức và kỹ năng thẩm định các kỹ xảo lừa đảo về sức khoẻ trên mạng. Công bằng mà nói thì cả già lẫn trẻ đều có thể bị lừa trên mạng với 70% ad chạy trên Facebook là lừa đảo hay hàng giả.

Người già cũng cô đơn giữa cuộc lừa đảo vì không có các hệ thống hỗ trợ xung quanh.

Hệ thống khám chữa bệnh thông thường không đủ thời gian và sức lực để có riêng cách tư vấn cho người lớn tuổi.

Không có các chương trình/nội dung phổ biến kiến thức dinh dưỡng thông thường cho người lớn tuổi tại cộng đồng (như nhận biết về các loại thực phẩm chữa bệnh hay quảng cáo sản phẩm sức khoẻ giả hiệu…).

Các hội đoàn, nhóm sinh hoạt trá hình lại là nơi tổ chức các loại chuyến du lịch “0 đồng” hay các buổi “tư vấn sức khoẻ” giả hiệu để dụ người già bỏ tiền mua những món hàng sức khoẻ đắt với giá không tưởng (2) như bài trên báo Sức Khoẻ Đời Sống mô tả, người già bị dụ vào các chuyến đi mua nhân sâm, thuốc bổ thận…ra sao.

Báo Vnexpress cũng vừa có bài mô tả về chiếc giường đá hơn 100 triệu mà người già đòi mua, con cái không cách gì cản được. (3)

Tôi vẫn không quên được khi mình nếm hộp sữa mẹ mua, ngọt hơn cả loại sữa bột thông thường có ghi rõ hàm lượng đường.

Khi tôi hỏi tại sao dám dùng nó, mẹ tôi đã nói vì anh nghệ sĩ đó nổi tiếng quảng cáo, lại toàn là hạt, chắc là tốt. (4)

_____

(1) https://www.wsj.com/…/meta-fraud-facebook-instagram…

(2) https://suckhoedoisong.vn/chieu-tro-tour-du-lich-0-dong…

(3) https://vnexpress.net/bat-luc-ngan-cha-me-gia-mac-bay-lua…

(4) https://suckhoedoisong.vn/quang-cao-sua-ovisure-gold-co…

No comments:

Post a Comment