Sunday, April 6, 2025

VNTB – Chính sách đối ngoại của ông Trump
Thái Hóa Lộc
06.04.2025 2:57
VNThoibao


(VNTB) – Với phương châm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy những gì được cho là tốt nhất đối với nước Mỹ.

 Nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump, chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc ngày 20-1-2025, đồng nghĩa với sự trở lại mạnh mẽ của chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết”, báo hiệu khả năng siêu cường số 1 thế giới sẽ chuyển hướng. Mặc dù khoảng cách giữa những lời hứa trong chiến dịch tranh cử và những điều có thể thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống vẫn còn là một ẩn số, nhưng chắc chắn, chính sách đối ngoại của Tổng thống 47 Hoa Kỳ sẽ có tác động sâu rộng tới nước Mỹ và thế giới.

Ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc lần thứ 2 trong bối cảnh xung đột gay gắt vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới, cùng với đó là tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của người dân Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu cho ông Trump là do những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông (2017 – 2021) và kỳ vọng một sự thay đổi – điều mà ông Trump cam kết lúc tranh cử.

Không chỉ người dân Mỹ, cộng đồng quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến khả năng Tổng thống Trump có thể nhanh chóng giải quyết các điểm nóng xung đột. Do đó, một nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại dưới thời kỳ Tổng thống D. Trump 2.0 là lời hứa chấm dứt “những cuộc chiến tranh bất tận”, đồng thời khẳng định hình ảnh ông Donald Trump – là một “người gìn giữ hòa bình”.

Chính sách đối ngoại của Tổng thống D. Trump chủ yếu xoay quanh khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. Để đạt được mục tiêu này, các giá trị như “vị thế toàn cầu của Mỹ” hay “kỳ vọng quốc tế” về vai trò của Mỹ,… bị coi là “trừu tượng” và có thể sẽ phải nhường chỗ cho những lợi ích kinh tế thiết thực.

Theo đó, Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang chủ nghĩa bảo hộ, giảm bớt cam kết có khả năng đe dọa nguồn lực của Mỹ, đưa hoạt động sản xuất trở lại trong nước. Qua những tuyên bố của mình, cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung Cộng có thể sẽ tiếp tục và ông Trump gần như chắc chắn sẽ tập trung chính sách đối ngoại đối với Trung Cộng vào vấn đề kinh tế – thương mại, áp dụng lập trường cứng rắn hơn, bao gồm áp dụng mức thuế quan cao hơn (có thể lên tới 60%), cạnh tranh gay gắt hơn trong các công nghệ quan trọng và mới nổi, cũng như tận dụng các liên minh như “Tứ giác kim cương” (QUAD) và quan hệ hợp tác ba bên với Nhật Bản, Australia.

Không chỉ Trung Cộng mà cả các đối tác, như Liên Hiệp Âu Châu (EU) hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được dự báo sẽ đối mặt với những khó khăn ngày càng gia tăng trong việc tiếp cận thị trường Mỹ, với mức thuế toàn diện 10% cho tất cả mặt hàng.

Điều này có khả năng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và khiến mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với các đối tác chính trở nên căng thẳng hơn. Chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến những doanh nghiệp tư nhân, làm giảm nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào khu vực Đông Nam Á – điều vốn đang đóng vai trò duy trì quan hệ kinh tế hai bên.

Ngoài ra, với những tuyên bố, như đưa nước Mỹ dẫn đầu trở lại về kinh tế với những dự án mở rộng mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch, Tổng thống Trump sẽ tập trung vào kế hoạch độc lập năng lượng, nhằm định vị Mỹ là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.

Ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ thứ 2, ông D. Trump đã ký lệnh hủy bỏ quy định về việc cấm khai thác dầu khí ở một số khu vực Bắc Cực và vùng ven bờ của Mỹ, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, từ đó đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các kết cấu hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới.

Đồng thời, Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran hay Nga – những cường quốc năng lượng để gia tăng vị thế thống trị trong lĩnh vực này. Kế hoạch đó có thể sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và châu Âu phải chuyển hướng sang nhập khẩu năng lượng từ Mỹ với giá đắt hơn.

Ông Trump từng nhiều lần bày tỏ quan điểm, các tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, NATO đã không còn hoạt động hiệu quả, đồng thời đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi các hiệp định hợp tác đa phương. Ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ mới, ông Trump đã ký khoảng 100 sắc lệnh, trong đó có việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu. Ông Trump cũng đã rời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 22-1-2026 và chấm dứt mọi khoản đóng góp về tài chính. Đối với NATO, Tổng thống Mỹ yêu cầu các thành viên khác của liên minh này tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) so với mục tiêu hiện tại là 2%, với lý do Mỹ phải chi tiêu nhiều để bảo vệ các thành viên NATO, trong khi Mỹ không được các thành viên NATO bảo vệ.

Quan điểm cứng rắn này làm dấy lên mối quan ngại của các nước thành viên NATO về mức độ bảo đảm an ninh và sự hỗ trợ từ Mỹ. Đối với EU, liên minh này được cho là “có nhiều thứ để mất”, đặc biệt về kinh tế. Thậm chí nhiều nhà phân tích từng đề cập đến cơ chế G-6, mà không phải là G-7 như trước đây. Đối với hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dường như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) sẽ trở nên suy yếu hơn, thậm chí bị xóa bỏ hoàn toàn. Việc Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhiều khả năng không trở thành hiện thực.

Sự quan tâm của Mỹ đối với Biển Đông chỉ giới hạn trong chừng mực phục vụ cho lợi ích thiết thực của Mỹ. Còn tại khu vực Đông Nam Á, nếu chính quyền tiền nhiệm khá coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thì chính sách đối ngoại 2.0 của ông D. Trump có thể sẽ ưu tiên xu hướng triển khai các thỏa thuận thương mại song phương thay vì các hiệp định hợp tác đa phương. Thế nhưng, liệu Mỹ có dễ dàng chấp nhận để lại những “khoảng trống quyền lực” trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ cũng là một ẩn số.

Nhìn chung, với phương châm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy bởi những gì được cho là tốt nhất đối với nước Mỹ. Cách tiếp cận quyết đoán đó sẽ tác động như thế nào đối với thế giới, khu vực và các liên minh do Mỹ đang dẫn dắt khó có được ngay câu trả lời.

No comments:

Post a Comment