Monday, April 7, 2025

VNTB – Bộ Công an muốn chiếm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Cảnh Chân
08.04.2025 3:18
VNThoibao


(VNTB) – Nếu công an đã đề xuất bỏ Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì có lẽ cũng nên đề xuất giải tán quốc hội.

 Trong công bố mới nhất của Bộ Tư pháp thì dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự do Bộ Công an soạn thảo sẽ không có quy định về Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống cơ quan điều tra. Tức là Bộ Công an muốn bỏ luôn cơ quan này.

Giải thích cho việc này, Bộ Công an cho rằng “viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát lại vừa thực hiện thẩm quyền điều tra sẽ không bảo đảm được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự. Đồng thời bảo đảm mối quan hệ chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát”. (1)

Căn cứ theo lập luận này của Bộ Công an thì cần phải thanh tra lại toàn bộ các vụ án tại Việt Nam. Vì giải thích của Bộ Công an chẳng khác nào xác nhận rằng bấy lâu nay viện kiểm sát đã không khách quan trong quá trình tố tụng hình sự. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tất cả các bản án từ trước tới nay, là sinh mạng, tài sản của người dân chứ không phải chuyện nhỏ. Thử hỏi đã có bao nhiêu vụ oan sai, bao nhiêu người ở tù oan, mất tài sản, mất mạng vì câu chuyện “không bảo đảm được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự” này?

Không chỉ vậy, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan có vai trò giám sát hoạt động điều tra của Bộ Công an. Nếu công an muốn bỏ cơ quan giám sát này, thì rõ ràng phe Tô Lâm và Lương Tam Quang muốn “tự tung tự tác”, mở rộng quyền lực tối đa mà không bị ai giám sát. Không còn ai giám sát thì chắc chắn sẽ dẫn tới lạm quyền.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy một thực tế rằng vai trò kiểm tra giám sát của viện kiểm sát hầu như đã bị vô hiệu hoá từ lâu nay, bởi tham nhũng và công an. Tức là khi công an đã quyết định thì viện kiểm sát chỉ có thể tuân thủ, chứ không có chuyện viện kiểm sát phản đối lại công an. Còn nếu một vụ án phức tạp, thì tuỳ vào số tiền hối lộ mà quyết định chứ không dựa vào công lý. Bởi vậy, lạc quan mà nói thì bỏ bớt chức năng điều tra của của viện kiểm sát thì ngân sách đỡ thêm một khoản thuế, người dân đỡ thêm một bước hối lộ.

Ngoài ra, nếu dự thảo luật được thông qua thì Hiến pháp cũng sẽ phải sửa đổi ở phần này, vì Hiến pháp có quy định về vai trò của viện kiểm sát. Việc sửa đổi này rất ngược đời, khi sửa luật trước rồi sửa Hiến pháp sau, vì Hiến pháp là luật mẹ, vậy phía công an đang sửa luật con trước khi quốc hội sửa luật mẹ. Chuyện ngược đời này cũng chứng minh rằng công an Việt Nam đang có quyền lực cao hơn cả quốc hội. Nói thẳng ra là công an “cầm tay chỉ việc” cho quốc hội.

Trong khi quốc hội được quy định là cơ quan thực hiện quyền lập pháp cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của người dân Việt Nam, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam.

Bây giờ nếu công an đã đứng trên quốc hội, sửa luật thay quốc hội, vậy thì quốc hội tồn tại để làm gì? Nếu công an đã đề xuất bỏ Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì có lẽ cũng nên đề xuất giải tán quốc hội. Mỉa mai mà nói, Tô Lâm muốn thâu tóm tất cả vào tay công an rồi thì giờ “gom” luôn quyền lập pháp cho bộ công an, đóng cửa quốc hội, để ngân sách quốc gia khỏi phải nuôi đám đại biểu bù nhìn trên quốc hội.

___________________

Tham khảo:

(1) https://vov.vn/phap-luat/ly-do-bo-cong-an-de-xuat-bo-co-quan-dieu-tra-vksnd-toi-cao-post1189779.vov?jskey=gublNUPY44OLKDocTFFkpDA0fLSq9GFhAg%3D%3D#google_vignette

No comments:

Post a Comment