Sunday, April 20, 2025

Trần Vinh Dự - Nước Mỹ khốn khổ
samedi 19 avril 2025
Thuymy


Tôi quay lại thành phố Austin, Texas tháng 6 năm ngoái. Nhìn không khác lắm so với hồi năm 2007 khi tôi rời đi, có chăng là vài tòa nhà khủng của dân IT mọc lên, vì Austin đã trở thành Silicon Valley thứ hai của Mỹ.

Dân công nghệ thì giàu, nhưng mặt bằng chung vẫn vậy. Giá nhà thì đắt lên gần chục lần. Chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ hơn nhiều. Ngồi ăn tối, giáo sư hướng dẫn của tôi bảo "thời mày ở đây là thời đẹp nhất của Austin".

Tháng 1 vừa rồi, tôi quay lại Washington DC. Bên bờ sông Potomac, bản doanh mới của Amazon to tướng ở Arlington. Giá nhà khu đó cũng tăng lên chóng mặt. Đa phần dân ở đó là công chức viên chức đi thuê nhà cả, chẳng ai happy với việc Amazon chuyển tới.

Những công ty công nghệ thuộc về "new economy". Chúng được nguồn vốn của cả thế giới dồn về cho. Trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ có chuyện trở thành một công ty vốn hóa cả trăm tỉ USD, thậm chí nghìn tỉ USD, nhanh như thế. Nền kinh tế mới này, có là bong bóng hay không còn chưa biết, nhưng người được hưởng lợi là số cực ít.

Ngay cạnh đó, khu shopping mall một thời là sang chảnh ở Pentagon City, nay trở nên xập xệ. Cầu thang cuốn ở trong Macy's kêu kẽo kẹt và rỉ sét như trong film kinh dị. Vốn hóa của Macy's một thời mấy chục tỉ USD nay chỉ còn 3 tỉ. Những công ty kiểu này sử dụng nhiều lao động, nhưng họ thuộc về nền kinh tế kiểu cũ - old economy, thứ đang chết dần.

Nước Mỹ ngày càng phân hóa. Nếu năm 1975 số 1 % giàu nhất chiếm 9 % thu nhập cả năm của toàn xã hội, thì tới năm 2018, số 1 % giàu nhất đã chiếm 22 % tổng thu nhập của xã hội. Năm nay đã là năm 2025.

Cùng trong thời gian đó, 90 % dân nghèo nhất năm 1975 có 67 % trong miếng bánh tổng thu nhập, tới năm 2018 chỉ còn 50 %. Tiền công chung bình của nhóm 90 % dân nghèo nhất này hầu như không tăng đáng kể, từ mức $30.880 năm 1979 lên $38.923 năm 2019. Theo báo cáo của UN năm 2018, Mỹ là nước có bất bình đẳng thu nhập lớn nhất trong số các nước phát triển.

Nhưng con số này không lột tả được sự khốn khổ của người Mỹ. Năm 2000 nước Mỹ có 35 triệu người trên 65 tuổi (12,4 % dân số), năm 2023 đã tăng lên 58 triệu người (17,4 % dân số), và dự kiến năm 2030 sẽ lên tới 73 triệu người (20,6 % dân số). Nước Mỹ già đi nhanh chóng.

Gánh nặng dân số già được tính bằng số người trong độ tuổi lao động phải "lo" cho một người trên 65 tuổi. Năm 2000 có 5 người lo cho 1 người. Giờ còn chưa tới 3 người lo cho 1 người. Tới năm 2050 dự kiến chỉ còn tầm 2 người lo cho 1 người.

Thu nhập của nhóm 1 % thì tăng cực nhanh, nhưng phần 90 % nghèo nhất thì chẳng tăng mấy, lại phải gánh trên vai gánh nặng dân số già. Thế nên không lạ là đa phần công chúng Mỹ thấy bí bách, ngột ngạt, và muốn có sự thay đổi.

Sự thay đổi đó là gì ? DOGE muốn cắt chỗ này chỗ kia để tiết kiệm cho ngân sách. Dân hỏi ngay, thế khi nào tôi nhận được một khoản từ chỗ tiết kiệm được này ? Musk trả lời luôn là không có đâu. Nhiều người cũng hy vọng tăng thuế đánh vào giới siêu giàu, nhưng giới siêu giàu đang lãnh đạo đất nước, nên đừng mong họ tăng thuế của họ. Chưa kể họ có đầy cách để né.

Tổng thống Trump muốn cả thế giới phải "chung tay" đóng thuế cho nước Mỹ qua thuế nhập khẩu. Nhưng điều này cũng đáng tranh luận, vì khả năng là thuế nhập khẩu tăng thì người mua hàng của Mỹ lại gánh chứ chả phải mấy ông nước ngoài.

Có khi bán thẻ vàng 5 triệu USD/chiếc lại là giải pháp hợp lý nhất. Hoặc kiểu đánh thuế mạnh vào dân nhâp cư chưa có quốc tịch / dân làm việc ở Mỹ bằng working visa etc.

TRẦN VINH DỰ 17.04.2025

No comments:

Post a Comment