Sunday, June 23, 2024

VNTB – Tu sĩ có được phép kinh doanh?
Cát Tường
24.06.2024 4:53
VNThoibao



(VNTB) – Luật pháp quốc gia không cấm tu sĩ kinh doanh, nhưng giới luật Phật chế định đó là “khinh giới”.

 Trong 250 giới giới luật mà Đức Phật chế định cho hàng xuất gia tỳ-kheo, và 348 giới với tỳ-kheo-ni. Theo đó cả 2 giới tỳ-kheo đều được chế định không được cầm giữ vàng bạc, kinh doanh, buôn bán.

Mượn đạo – tạo đời

“Đời” ở đây, nói luôn, đó là đời sống riêng tư của chính vị tăng sĩ ấy.

Về mặt xã hội thì lợi nhuận từ việc kinh doanh ấy thường được biết là để trang trải chi phí cho chùa, hoặc cho mục đích cá nhân. Thông thường, nếu kinh doanh lành mạnh, không tranh giành, hơn thua với đời thì sẽ không có những phản ứng tiêu cực. Thậm chí có trường hợp một sư cô bán rau củ sạch (do chùa trồng) ở góc chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, Sài Gòn) còn được cộng đồng rỉ tai nhau đến ủng hộ. Trên phương diện xã hội, đó là một hình ảnh đẹp; nhưng về mặt giới luật, đó là điều vi phạm cấm giới, và đó thuộc nhóm “khinh giới”, tức tội nhẹ.

Tương truyền, lịch sử Phật giáo cũng như sự truyền thừa giới luật cho người đời sau thấy, khi đức Phật thành Đạo trong thời gian đầu, tăng bảo được hình thành chưa chế giới luật, lúc bấy giờ tăng già đều là các vị tỳ-kheo thanh tịnh.

Trong suốt 12 năm đầu, tổ chức sinh hoạt giáo đoàn trên tinh thần hòa hợp đoàn kết, nên Đức Phật không cần phải chế giới luật, vì mỗi vị đã tự kiểm soát thân, khẩu, ý trong từng niệm, từng sát na nên được giải thoát, không còn những pháp bất thiện trong tâm thức.

Đến năm thứ 13, tăng già có số lượng đông đảo, phần lớn các vị vương tôn công tử theo Phật xuất gia, từ đời sống vương giả hưởng thụ đủ mọi thứ ngũ dục, khi xuất gia thì phải sống theo hạnh đầu đà. Cho nên, tăng đoàn phát sinh ra nhiều pháp hữu lậu trong sinh hoạt.

Hơn nữa, lúc này tăng đoàn phát triển quá nhanh, và thâu nhận rộng rãi mọi thành phần trong xã hội, từ đó có sự suy thoái xảy ra. Cho nên, dần về sau trong tổ chức tăng đoàn xuất hiện nhiều thành phần xuất gia với mục đích không chân chính. Các thầy tỳ-kheo dần dà sống xa rời tinh thần giải thoát, bị lôi cuốn vào danh vọng, lợi dưỡng.

Giới luật buộc phải ra đời để làm hàng rào ngăn chặn sự hư đốn trong tăng đoàn, bảo hộ sự thanh tịnh hòa hợp của tăng thân, cũng như giữ gìn bản thể tỳ-kheo không cho hư hủy.

Từ câu chuyện trên cho thấy những nhà sư như Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh đứng tên sở hữu góp vốn kinh doanh, mặc dù lợi nhuận có được sẽ phục vụ công việc tu tập của các nhà sư khác trong chùa, nhưng nếu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam lơi lỏng giám sát thì dễ biến sang các hình thức lũng đoạn – trục lợi tôn giáo của đương sự đang khoác áo tu sĩ đó.

Giới kinh của Đức Phật Câu Lưu Tôn (hay Câu Lâu Tôn, là tên gọi của vị Phật thứ 25, cũng là vị Phật đầu tiên của hiền kiếp, tức kiếp hiện tại, và là vị Phật thứ 4 trong số bảy vị Phật quá khứ): “Vị tỳ-kheo đi vào làng khất thực, cũng ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương hương sắc. Chớ nên ngó lỗi người, chớ nên coi họ đã làm hay không làm; chỉ nên ngó hành động của mình, coi đã làm được gì hay chưa làm được gì”.

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần làm một cuộc cải tổ chấn chỉnh

Dặn dò trên nếu đối chiếu với đoàn tăng sĩ trong nghi thức cúng sớt bát hay tổ chức trì bình khất ở chùa Ba Vàng trong suốt thời gian vừa qua, thì quả là quá mỉa mai trong lề lối hành xử của trụ trì Thích Trúc Thái Minh.

Ngoài ra trong thời đại truyền thông internet hiện nay, cho thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần thiết quan tâm tu chỉnh giáo luật với các quy định về công việc pháp thoại trong hàng ngũ tăng ni.

 


 

No comments:

Post a Comment