VNTB – Cúm gia cầm không đáng sợ bằng cách xử lý của Nhà nước
Mỹ Tiến
14.02.2024 4:02
VNThoibao
![](https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2024/02/Dich-cum-H5N1.jpg)
Ngày 12/02, Bộ Y tế Campuchia xác nhận một thiếu niên 16 tuổi bị nhiễm virus cúm gia cầm, nhưng không có triệu chứng. Trước đó, ngày 09/12/2023, em trai của bệnh nhân này đã tử vong vì nhiễm H5N1. Ngày 09/02, Bộ Y tế Campuchia thông báo rằng có 5 con gà và 3 con vịt đã chết tại nhà của cậu bé này, gia đình này đã nấu những con gia cầm chết này để làm thức ăn. (1)
Việc Campuchia có người tử vong do nhiễm H5N1 là dấy lên quan ngại về việc lây lan sang Việt Nam, vì là hai nước láng giềng của nhau. Nhiều nông dân chăn nuôi gia cầm trong nước tỏ ra lo lắng về việc rớt giá gà vịt, hoặc Trung Quốc sẽ hạn chế thông thương mặt hàng này. Một số người thậm chí còn quan ngại rằng nhà nước có thể thực hiện chiến dịch thiêu huỷ gia cầm trên diện rộng như những năm trước.
Theo WHO trong vòng 20 năm qua toàn thế giới đã ghi nhận 882 ca cúm A/H5N1 ở người, báo cáo từ 23 quốc gia, trong đó hơn một nửa đã tử vong (461 người). Dựa trên bằng chứng cho đến nay, virus này không dễ dàng lây nhiễm từ động vật sang người và việc lây từ người sang người dường như là điều bất thường. WHO đánh giá khả năng lây kéo dài từ người sang người của loại virus này là thấp, nguy cơ đối với dân chúng nói chung là thấp.
WHO nhấn mạnh không nên thực hiện bất kỳ hạn chế thông thương nào dựa trên thông tin hiện có về sự kiện này, cũng như không khuyến cáo sàng lọc cho du khách. Cơ quan y tế này chỉ khuyên người dân duy trì vệ sinh tay, tránh tiêu thụ gia cầm hoặc chim hoang dã bị bệnh hoặc chết đột ngột. (2)
Như vậy, nếu căn cứ theo các khuyến cáo của WHO thì dịch cúm gia cầm không quá đáng sợ như các dịch bệnh khác. Cái đáng sợ và gây thiệt hại nặng nề cho người dân chính là cách xử lý dịch bệnh của cơ quan chức năng.
Mỗi lần có thông tin người bị lây nhiễm H5N1 là người chăn nuôi lại lo sợ các biện pháp xử lý cực đoan của Nhà nước. Gà vịt bị mất giá chỉ là một phần, nhưng Nhà nước họ dập dịch bằng cách tiêu huỷ gia cầm trên diện rộng, có khi họ chôn sống toàn bộ gia cầm của cả một địa phương để phòng dịch. Thiệt hại vô cùng nặng nề cho người nông dân.
Tiêu hủy như vậy có thể tạo ra ảnh hưởng tâm lý, căng thẳng và hoang mang lâu dài trong xã hội. Những biện pháp xử lý cực đoan không cần thiết của nhà chức trách càng như đổ thêm dầu vào lửa, khiến nhiều người không dám mua gia cầm trong thời gian dài.
Không chỉ sợ cách tiêu hủy của Nhà nước Việt Nam, mà người dân còn sợ cách kiểm soát như cách ly và giới hạn giao thương, kiểu soát biên giới của Trung Quốc. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh không nên thực hiện bất kỳ hạn chế thông thương nào, nhưng Trung Quốc vẫn viện cớ dịch bệnh để gây áp lực cho Việt Nam. Và thế là người nông dân không khổ vì cúm, mà khổ vì cách xử lý của Nhà nước…
_____________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment