Việt Nam quản lý xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông tốt hơn Philippines?
Trương Nhân Tuấn
25-2-2024
Tiengdan
Vấn đề Biển Đông, năm 2023, Việt Nam “quản lý xung đột tốt hơn” Philippines? Đây là một câu hỏi trong bài phỏng vấn học giả Biển Đông của Việt Nam trên RFA.
So sánh, năm 2023, một bên là Philippines dồn mọi nỗ lực để giành lại đá Scarborough, tọa lạc trong vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý) của Philippines mà Trung Quốc đã chiếm năm 2012 (bằng thủ đoạn bội ước). Philippines cũng đang tìm cách củng cố “tiền đồn” của mình trên bãi Cỏ Mây, thực chất là một tàu chiến mắc cạn, bất chấp những cản trở của tàu hải giám Trung Quốc.
Thành công hay không chưa biết, nhưng ít ra Philippines đã nỗ lực làm những chuyện mà họ có thể làm.
Còn Việt Nam, Việt Nam đã làm gì đối với các đảo Hoàng sa (Trung Quốc chiếm năm 1974), hay các đảo đá ở Trường Sa bị Trung Quốc cướp năm 1988? Việt Nam không làm bất cứ chuyện gì.
Việt Nam đã có động thái nào để đấu tranh với Trung Quốc để giành quyền khai thác các mỏ dầu khí tại bờ rìa bồn trũng Nam Côn Sơn hay tại bãi Tư Chính? Các lô dầu khí 5.0, 5.2, 6.1, 6.2, 131, 132, 134… Việt Nam khai thác được cái gì? Việt Nam phải đền Repsol hàng tỉ đô la, vì bị Trung Quốc áp lực. BP, ExxonMobil, thậm chí Rosneft… vì bị Trung Quốc hù dọa phải “bỏ của chạy lấy người”. Các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Tây, Lan Đỏ, Phong Lan Dại… phải lấp lại chờ thời…
Tức là Việt Nam đã không làm được gì với Trung Quốc để giành lại quyền khai thác trên thềm lục địa chính đáng của mình.
Vì vậy, ai đó nói rằng Việt Nam quản lý tranh chấp với Trung Quốc “tốt” hơn Philippines là chuyện không hề có, là chuyện “nói lấy được”.
Thực tế cho thấy, từ tháng 12 năm 2020, Việt Nam đã ban hành luật về “bí mật nhà nước của đảng”. Trong đó, luật qui định các vấn đề liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ, biển đảo” từ nay thuộc “bí mật nhà nước” của đảng.
Thực tế cũng cho thấy, từ tháng 12 năm 2020 đến nay, báo chí trong nước im lặng tuyệt đối trên các vấn đề lãnh thổ, hải phận Biển Đông. Viết về các đề tài này, tác giả có thể bị chụp mũ “tiết lộ bí mật nhà nước của đảng”.
Người dân không ai biết việc khai thác các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam đã phát triển ra sao?
Mỏ Kèn Bầu (lô 114) được cho là “khủng”, lớn nhứt lịch sử dầu khí Việt Nam, hợp tác với Ý năm 2020, đến nay phát triển tới đâu?
Mỏ Cá Voi Xanh, cũng được cho là “khủng”, hợp tác khai thác với ExxonMobil đến nay thế nào? Hai mỏ khí đốt này không bị đường chữ U của Trung Quốc vắt qua, tức là “không có tranh chấp”.
Năm qua miền Bắc bị “thiếu điện”, người ta đổ thừa “ông trời”, vì hạn hán khiến các đập thủy điện ngưng hoạt động. Cá nhân tôi không hề biết từ khi nào Việt Nam là quốc gia “thủy điện”? Rốt cục Việt Nam mua điện của Trung Quốc và Lào về bù trừ. Tức là không hề có mét khối gaz nào được đưa về từ các mỏ ngoài khơi để “chạy” các nhà máy nhiệt điện.
Việt Nam, một nước lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhưng lại bị Trung Quốc đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam khấu đầu với Trung Quốc để cùng Trung Quốc “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai”. Không có vụ “ngoại giao cây tre” với “quốc phòng 4 không”. Việt Nam như con cá bị dính lưới, không vùng vẫy đi đâu được hết cả.
No comments:
Post a Comment