Đăng ngày: 26/02/2024 - 08:33
RFI
Việt Nam và Philippines muốn khôi phục niềm tin và giảm thiểu các sự cố có thể xảy ra giữa hai nước khi thông qua hai bản ghi nhớ an ninh ký ngày 30/01/2024 về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển”. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, không nên coi sự kiện đó thể hiện lập trường thống nhất giữa Manila và Hà Nội trong việc đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.Ảnh tư liệu : Người Việt ở Philippines và người Philippines biểu tình trước lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Makati, Philippines, ngày 16/05/2014 để phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào gần quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. AP - Bullit Marquez
Thu Hằng
Philippines có lập trường cứng rắn hơn, trông cậy vào liên minh với Mỹ nhiều hơn kể từ khi ông Marcos Jr. làm tổng thống. Sự xoay trục này có thể có lợi cho Việt Nam, nhưng Hà Nội không có chung cách tiếp cận với Manila. Việt Nam thận trọng, khẳng định chủ quyền nhưng không rầm rộ phản đối theo cách của Philippines. Đây là một trong những nhận định với RFI Tiếng Việt của giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ.
RFI : Việt Nam và Philippines ký hai bản ghi nhớ về an ninh về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển” giữa lực lượng tuần duyên hai nước. Hai văn bản này có lợi ích như nào cho hai nước cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một số thực thể ở Biển Đông ?
GS. Alexander Vuving : Tôi nghĩ là bất kỳ sự hợp tác nào giữa Việt Nam và Philippines trên biển đều tốt cho cả hai nước bởi vì hai nước có đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa, một phần lớn khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Khi Việt Nam đòi hỏi chủ quyền trên một số đảo-đá ở đó thì có sự chồng lấn, rất dễ gây ra những sự cố, những tranh chấp. Bất kể một thỏa thuận nào về hợp tác trên biển giữa lực lượng tuần duyên hai nước, ngăn ngừa sự cố đều hết sức có lợi cho hai quốc gia.
Đặc biệt hơn, Việt Nam và Philippines là hai nước mà không nước nào lớn hơn hẳn nước kia để có thể “bắt nạt” nước kia. Có nghĩa là khi Việt Nam và Philippines ngồi lại đàm phán với nhau thì đó là một cuộc đàm phán tương đối bình đẳng. Cho nên kết quả cuộc đàm phán nói chung là tương đối công bằng cho cả hai bên. Tôi nghĩ là những bản ghi nhớ vừa ký giữa lực lượng tuần duyên của hai nước, dù không rõ nội dung cụ thể là gì vì họ không công bố, nhưng có thể hiểu rằng thỏa thuận sẽ có lợi cho cả hai nước. Đồng thời có thể nói rằng họ có những thỏa thuận về cách thức để cho hai bên hành xử như thế nào đó để giữ được hợp tác, ngăn ngừa những sự cố thì đó cũng có thể coi là bước đầu tiên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Như chúng ta biết là từ hàng chục năm nay, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thương thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông và không đi đến được thỏa thuận nào cụ thể. Tôi nghĩ là bởi vì trong trường hợp này, Trung Quốc đòi hỏi quá xa và gần như vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật Biển Quốc Tế, trong khi một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines muốn rằng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông phải đi đúng tinh thần của luật quốc tế, nhất là Luật Biển Quốc Tế. Ở đây, chúng ta có Việt Nam và Philippines cùng đồng ý dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tôi hy vọng những thỏa thuận của hai nước là những bước tiến thực chất và tiến bộ trong việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, trước hết là song phương giữa Việt Nam và Philippines, sau này có thể mở đa phương với một số nước khác ở Đông Nam Á.
RFI : Trung Quốc đòi hầu hết chủ quyền đối với Biển Đông, chồng lấn với Việt Nam và Philippines. Nhưng hai nước Đông Nam Á này lại có cách cư xử khác nhau đối với Trung Quốc !
Alexander Vuving : Mỗi một nước có cách cư xử khác nhau, kể cả ngay bản thân mỗi nước lại có cách cư xử khác nhau trong từng thời kỳ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cư xử này. Thứ nhất là hoàn cảnh khác nhau khiến người ta cư xử khác nhau. Thứ hai, ngay trong bản thân nội bộ mỗi nước lại có cách hiểu hoàn cảnh khác nhau khi lãnh đạo thay đổi một chút.
Một điểm quan trọng nữa là mỗi nước có kinh nghiệm lịch sử khác nhau. Việt Nam có kinh nghiệm lịch sử với Trung Quốc rất khác với Philippines. Cho nên cách ứng xử trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử cũng rất khác nhau. Thêm nữa, ngay bản thân mỗi nước, tuy họ chung một kinh nghiệm lịch sử nhưng mỗi một cá nhân, một nhóm lãnh đạo lại rút ra những bài học khác nhau từ cùng một kinh nghiệm lịch sử cho nên họ có cách cư xử khác nhau.
RFI : Philippines thể hiện cứng rắn hơn trong hành động và lời nói, lên án những hành động hăm dọa của tầu thuyền Trung Quốc trong những vùng biển Manila đòi chủ quyền, đặc biệt trong thời gian gần đây. Tuần duyên Philippines hiện giờ cố tỏ ra minh bạch hơn, cập nhận thông tin thường xuyên hơn với báo chí về hoạt động của tầu Trung Quốc. Nhưng dường như Việt Nam không theo chủ trương này ?
Alexander Vuving : Hành xử của Philippines đối với Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), phải nói thẳng là khác hẳn với chính cách cư xử của Philippines trong thời kỳ tổng thống Duterte bởi những lý do tôi nói ở trên về cách hiểu của lãnh đạo, cách lãnh đạo rút ra bài học từ cùng một kinh nghiệm lịch sử.
Tuy nhiên, cách cư xử hiện nay của Philippines ở Bãi Cỏ Mây lại tương đối giống cách hành xử của Việt Nam cách đây khoảng 10 năm vào thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981. Theo tôi hiểu, lãnh đạo hiện nay của Philippines, đặc biệt là tổng thống Marcos Jr., đã học được những bài học lịch sử từ những cách ứng xử của Philippines, kể cả của Việt Nam với Trung Quốc trong một, hai thập niên qua. Đặc biệt tôi nghĩ rằng họ cũng đã học được bài học từ chính cách hành xử của Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981.
Chính thời đó, Việt Nam, cũng tương tự Philippines hiện nay, giữ thế của mình, không để Trung Quốc lấn lướt, tìm cách minh bạch. Thậm chí, Việt Nam còn đưa phóng viên quốc tế trên tầu cảnh sát biển Việt Nam ra tận nơi để chứng kiến, thu hình, nghi âm và viết bài, đưa thành một vấn đề quan trọng, nóng hổi trong thời sự quốc tế. Philippines hiện nay cũng tương tự như vậy, có những chuyến tầu đưa phóng viên quốc tế ra tận nơi để ghi lại những sự kiện đó, họ minh bạch thông tin.
Thế nhưng hiện nay, Việt Nam không hành xử kiểu như vậy nữa. Cách hành xử của Việt Nam gần như đi ngược lại cách ứng xử thời kỳ giàn khoan 981. Tức là suốt từ khoảng năm 2017 trở lại đây, Trung Quốc liên tục đưa tầu tầu hải cảnh, tầu dân quân biển vào sách nhiễu hoạt động kinh tế ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong những vùng khoan dầu khí của Việt Nam, thậm chí có những lúc khiến Việt Nam hủy bỏ hợp đồng, tốn kém đến cả tỉ đô la bồi thường cho các công ty. Thiệt hại rất lớn cho Việt Nam nhưng chính phủ không hề đưa thông tin ra ngoài như thời giàn khoan 981. Công luận Việt Nam gần như không động đậy gì. Đó là sự khác biệt rất lớn. Chúng ta không biết cụ thể tại sao. Tuy nhiên, có thể có một vài giải thích như sau.
Thứ nhất, Việt Nam học được bài học. Tức là từ cùng một sự kiện giàn khoan 981, có người rút ra bài học : Muốn giữ được chủ quyền với Trung Quốc thì phải kiên quyết đối với họ, không được lùi bước, phải giữ những gì mình có quyền chiểu theo Luật Biển quốc tế, đồng thời phải hết sức minh bạch, đưa các nhà báo quốc tế, đưa công luận quốc tế vào để cho thế giới trông thấy sự thật. Đó là một bài học mà có thể một số người ở Việt Nam và ở Philippines đã rút ra và họ áp dụng hiện nay ở Bãi Cỏ Mây.
Ngoài ra, người ta cũng có thể rút ra một bài học khác nữa. Bởi vì trong thời kỳ giàn khoan đó, ở Việt Nam đã xảy ra những sự kiện, biểu tình dẫn đến việc sát hại một số công nhân Trung Quốc, ví dụ làm việc ở khu vực Hà Tĩnh, rồi hàng loạt vụ phá hoại những công xưởng có chữ Hoa. Hồi đó đại đa số những công xưởng bị đập phá là của Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc. Điều đó gây ra những bất ổn rất ghê gớm, gây rất nhiều thiệt hại về tài sản cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam.
Từ đó, có thể có một số người rút ra bài học : Nếu căng thẳng với Trung Quốc mà thông tin được đưa ra thì nhân dân sẽ bị lợi dụng và có thể dẫn đến những phản ứng quá khích, gây hậu quả xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc… Bài học rút ra : Từ giờ, nếu có chuyện gì xảy ra ở Biển Đông, trừ trường hợp Trung Quốc đi quá vạch đỏ, như đặt một giàn khoan, còn nếu họ chỉ sách nhiễu, đưa tàu bè vào quấy nhiều thì thôi, cố gắng im lặng để tránh gây ra những sự kiện như thế.
Còn một vấn đề nữa được gọi là “những ưu tiên chiến lược của lãnh đạo”. Như đã nói ở trên, Philippines thời tổng thống Duterte có những ưu tiên chiến lược khác với tổng thống Marcos Jr. hiện nay. Ông Duterte rất là nhũn với Trung Quốc. Khi Trung Quốc gây hấn thì ông không làm mạnh vì sợ gây ra chiến tranh bởi vì ưu tiên chiến lược của ông Duterte, về mặt quốc nội là chống ma túy, về đối ngoại là hướng tới thế ngoại giao cân bằng hơn. Ông Duterte không tin tưởng vào Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ, ông nghĩ đó chỉ là tờ giấy lộn và Mỹ không thực sự cam kết với thỏa thuận đó.
Đây cũng là một kinh nghiệm lịch sử của ông Duterte đối với những gì mà tổng thống Mỹ Obama hành xử với Philippines năm 2012 khi có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarboroug. Khi đó Mỹ, thay vì đứng ra bảo vệ Philippines, lại đề xuất làm trung gian hòa giải. Chính vì thế Philippines mất Scarborough về tay Trung Quốc. Nhưng hiện nay, tổng thống Marcos Jr. lại có suy nghĩ khác và nhận thấy Mỹ đã có những cam kết mạnh mẽ hơn đối với Hiệp ước phòng thủ song phương cho nên ông ấy đã thể hiện cứng rắn hơn ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây.
Phải nói là ưu tiên chiến lược của mỗi lãnh đạo khác nhau. Rất có thể lãnh đạo Việt Nam bây giờ có những ưu tiên chiến lược khác so với thời kỳ năm 2014. Tuy cùng một tổng bí thư nhưng thủ tướng khác, rồi hoàn cảnh điều kiện khác.
RFI : Việt Nam hiểu rằng tranh chấp ở Biển Đông sẽ kéo dài và tìm cách tránh xung đột quân sự. Vậy Việt Nam có chiến lược cụ thể như nào để có thể bảo vệ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông ?
Alexander Vuving : Về mặt chính thức, Việt Nam có mấy “K”, tức là “kiên quyết”, “kiên trì”… Còn cụ thể, chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông, tôi tạm gọi là “mỗi thứ một chút”. Tức là Việt Nam sử dụng hầu như các công cụ từ quyền lực cứng đến quyền lực mềm để ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông.
Quyền lực cứng như là tìm cách tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt trong chiến lược quân sự của Việt Nam có vấn đề hiện đại hóa quân đội, nhất là các binh chủng Hải quân và Không quân - những lực lượng sử dụng nhiều ở Biển Đông - thì đi trước một bước, tức là mua sắm nhiều trang thiết bị, tăng cường khả năng phòng thủ. Ngoài ra còn trang bị thêm cho những lực lượng bán quân sự như hải cảnh, dù không được bằng Trung Quốc nhưng dùng phương pháp “chiến tranh nhân dân” trên biển.
Ngoài những biện pháp quân sự như vậy, Việt Nam còn thông qua những biện pháp phi quân sự, như giữ vững chủ quyền ở khu vực đặc quyền kinh tế bằng những hoạt động kinh tế, đặc biệt là khai thác dầu khí. Việt Nam cũng rất chú trọng đến hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, của những nước lớn đứng sau, chẳng hạn của Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản để giữ chủ quyền ở Biển Đông. Có thể nói đây là một hình thức phần nào “quốc tế hóa”, dùng lực lượng phi quân sự từ bên ngoài răn đe Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiếp theo, trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam rất chịu khó đưa vấn đề Biển Đông ra cho các nước bàn thảo và để lôi kéo về phía mình, đặc biệt là giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế. Chẳng hạn Việt Nam lập ra một nhóm bạn bè ủng hộ Công ước Quốc tế về Luật Biển ở Liên Hiệp Quốc. Lúc đầu có khoảng hơn 10 nước, trong đó Việt Nam và Đức đồng chủ trì, hiện nay đã có 110-120 nước, có cả Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, mỗi khi có tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam với các nước, đều có câu nói về vấn đề Biển Đông. Việt Nam tìm mọi cách, phương pháp ngoại giao để lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của mình ở Biển Đông rằng tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác về kinh tế để đưa các nước vào nhằm tạo sự đan xen lợi ích của nước ngoài với mình, kể cả với Trung Quốc để làm cho họ bớt hung hăng, bớt chèn ép. Đó cũng là một phương pháp. Có hiệu quả hay không lại là một chuyện khác. Việt Nam cũng dùng cả tình đoàn kết anh em giữa hai đảng Cộng sản, một hình thức “quyền lực mềm” để làm Trung Quốc bớt hung hăng.
Tóm lại, Việt Nam tìm mọi cách, mỗi thứ một chút, từ cứng cho đến mềm. Tuy nhiên, có thể hiểu là chiến lược của Việt Nam có rất nhiều mũi tên theo rất nhiều hướng. Nhưng mũi tên đó lúc dài lúc ngắn tùy theo thời kỳ. Về hiệu quả, cũng có lúc hiệu quả hơn, cũng có lúc kém hiệu quả.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á tại Hawai, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment