Mỹ gởi 5 hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương : Răn đe quá mức ?
Minh Anh
Đăng ngày: 26/02/2024 - 11:22
RFI
Ảnh minh họa: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại vùng Biển Đông ngày 07/10/2019. AFP - ERWIN JACOB V. MICIANO
Trang mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 14/02/2024 đưa tin, hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt đang hiện diện trong khu vực và đã có cuộc tập trận chung với Nhật Bản tại vùng biển Philippines. Chiếc USS Ronald Reagan thì đang neo đậu tại cảng quân sự Yokosuka, Nhật Bản. Hai chiếc còn lại là USS Abraham Lincoln đã rời cảng San Diego hồi đầu tháng Hai, và USS George Washington trong vài tuần nữa sẽ đến Yokosuka để thay phiên cho hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.
Thái Bình Dương : Ưu tiên quân sự !
Đây là lần đầu tiên cùng lúc 5 trong số 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ hoạt động trong cùng khu vực. Nhiều chuyên gia được SCMP trích dẫn nhận định rằng sự tập trung bất thường sức mạnh hải quân Mỹ cùng lúc tại một khu vực là một tín hiệu răn đe trước các hành động quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Trong năm 2023, chính quyền Biden đã nêu rõ sẽ thực hiện nhiều hoạt động phô trương sức mạnh hơn ở Đông Á nhằm trấn an các đồng minh châu Á rằng Hoa Kỳ vẫn chưa quên họ. Tầm quan trọng mà Hoa Kỳ gắn cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như vai trò tích cực của Mỹ tại khu vực là không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng cách thức Washington thực hiện có thể góp phần làm gia tăng căng thẳng cả với Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng.
Nhà sử học Daniel Larison, và cũng là một cây bút xã luận, trên trang mạng Responsible Statecraft, đánh giá : « Mặc dù việc triển khai này được cho là nhằm báo hiệu quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, nhưng chúng có thể dễ dàng khuyến khích Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lao vào các cuộc biểu dương sức mạnh đáp trả của chính họ. Cần nhắc lại rằng cách tiếp cận của Mỹ tại Đông Á vẫn là cách tiếp cận "ưu tiên quân sự", vốn dĩ coi nhẹ và dành tương đối ít nguồn lực cho ngoại giao và lôi kéo về kinh tế ».
Việc triển khai đông đảo hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương dường như là một nỗ lực để « bù đắp » cho việc Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư quá mức các nguồn lực và năng lượng cho cuộc chiến ở Gaza và các cuộc xung đột có liên quan ở Trung Đông từ bốn tháng qua. Nếu như việc phô trương sức mạnh này có thể làm hài lòng các chính phủ đồng minh, nhưng cũng có nguy cơ xác nhận một cảm giác ở cả các nước thân thiện lẫn thù địch rằng Mỹ đang bị « căng » quá mức và cố gắng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.
Nhưng thói quen trấn an đồng minh thường xuyên có những cái giá phải trả, bao gồm cả việc khuyến khích các đồng minh phụ thuộc nhiều hơn và như vậy, có nguy cơ gây ra các bất ổn ở khu vực rộng lớn. Trên trang mạng Responsible Statecraft, Daniel Larison phân tích như sau :
« Một trong những điểm yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đông Á là dựa quá nhiều vào răn đe quân sự. Chiến lược này có xu hướng làm gia tăng căng thẳng quá mức cần thiết và làm suy giảm những trấn an đáng tin cậy đối với đối thủ. Hoa Kỳ rất xuất sắc trong việc trấn an các đồng minh bằng cách phô trương sức mạnh quân sự, nhưng thường vì không đạt được sự cân bằng qua việc đưa ra các trấn an cho đối thủ về các ý định của mình, chính phủ Mỹ có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lo sợ và thúc đẩy họ nghĩ đến điều tồi tệ nhất về những gì Mỹ đang làm. »
Cân bằng răn đe và trấn an : Điều cần thiết ?
Việc triển khai đông đảo hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương cho thấy chính quyền Biden không hiểu sự cần thiết của việc cân bằng giữa răn đe và trấn an. Không cân bằng được hai rủi ro này sẽ dễ xảy ra xung đột do những tính toán sai lầm.
Michael Swaine, một nhà nghiên cứu địa chính trị tại Viện Quincy khi nhận định về Đài Loan và thế răn đe của Mỹ có nhận định : « Thế cân bằng này là cần thiết, bởi vì, nếu cấp độ trừng phạt hay khả năng phủ nhận đạt được trên thực tế bị coi là một mối đe dọa cho các lợi ích sống còn của đối thủ, thì chính đối thủ, thay vì bị cản trở có những hành động hung hăng, sẽ có khuynh hướng thực hiện hoặc đe dọa đánh phủ đầu hay có những động thái trừng phạt của riêng mình để bảo vệ các lợi ích của họ và như vậy, làm gia tăng nguy cơ xung đột thay vì là giảm đi. »
Vì quá dựa vào phô trương sức mạnh để đe dọa Trung Quốc, chính quyền Biden đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Nhưng mối nguy hiểm tiềm tàng với Bắc Triều Tiên thậm chí còn lớn hơn, vì chính phủ Bắc Triều Tiên có lịch sử lâu dài trong việc đáp trả các áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ bằng chính những hành động khiêu khích và dọa dẫm của nước này.
Trong một chừng mực nào đó, Bình Nhưỡng cảm nhận việc triển khai nhiều hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương có phần nào nhắm thẳng vào Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong Un có thể kết luận rằng ông ấy cần phải chứng tỏ năng lực thật sự của đất nước qua việc thử nghiệm thêm nhiều tên lửa và thậm chí có thể là một vụ thử hạt nhân mới.
Năm 2023, Bắc Triều Tiên đã có phản ứng giận dữ về việc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến cảng Busan của Hàn Quốc. Nếu lần này có nhiều hàng không mẫu hạm cùng lúc tại các vùng phụ cận, đương nhiên Bình Nhưỡng có thể phản ứng gay gắt hơn. Việc chế độ Kim Jong Un trong vài tháng qua có những lời lẽ ngày càng trở nên thù địch, một cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ chẳng phải đợi lâu.
Tóm lại, Hoa Kỳ khó thể cáng thêm một cuộc khủng hoảng mới ở Đông Á cùng với nhiều cuộc xung đột khác mà nước này can dự vào, nhưng cách tiếp cận quân sự quá mức trong vùng không phải là phương cách tốt để tránh xảy ra khủng hoảng. Theo tác giả Daniel Larison, việc hiểu rõ suy nghĩ của đối thủ và đưa ra những bảo đảm có thể làm họ tin tưởng là những việc Washington nên làm. Nhưng rủi thay Hoa Kỳ rất ít hành động theo hai hướng này và đặt Mỹ và các nước đồng minh trong thế bất an !
No comments:
Post a Comment