Giới hoạt động kêu gọi Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết về Hoàng Sa, Trường Sa
2024.02.01
RFAHình minh hoạ: Người dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc và đòi lại Hoàng Sa năm 2016
AFP
Gần hai tuần sau dịp 50 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm, một số tổ chức xã hội dân sự độc lập và nhiều nhân sỹ trí thức đã đưa ra một thỉnh nguyện thư kêu gọi Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết khẳng định chủ quyền quốc gia tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm tổ chức Lập Quyền dân, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, và Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cùng hàng chục cá nhân ngày 01/2 công bố thỉnh nguyện thư gửi cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam kêu gọi ra nghị quyết để tái khẳng định chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo ở Biển Đông.
Nghị quyết này cần được gửi đến toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, Văn phòng Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) và tất cả các quốc gia thành viên của LHQ, thỉnh nguyện thư cho biết.
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và là người khởi xướng, chia sẻ về mục tiêu của thỉnh nguyện thư:
“Từ trước tới nay Quốc hội chưa có nghị quyết để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nên yêu cầu Quốc hội ra nghị quyết để thông báo cho thế giới cũng như trong dân biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Chống tình trạng Hoàng Sa rơi vào thuyết lãng quên và đồng thời cũng là một cái để luôn luôn nhắc nhở đối với thế giới cũng như trong nước rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.”
Thỉnh nguyện thư bác bỏ tuyên bố của Phát ngôn nhân Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/1 vừa qua về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa và Nam Sa.
“Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là sự dối trá, xuyên tạc lịch sử và vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông,” thỉnh nguyện thư của các nhân sỹ trí thức nói.
Từ Pháp, nhà nghiên cứu Biển Đông Trương Nhân Tuấn cho biết ông rất đồng tình với nội dung của thỉnh nguyện thư và lời kêu gọi của các nhân sỹ trí thức.
“Việt Nam cần phải có một thái độ khẳng định cho quốc dân mình là quốc gia Việt Nam, chính phủ Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình hết cả và cũng như là chính phủ Việt Nam lúc nào cũng quan tâm đến vấn đề đó.”
Theo ông, Quốc hội, Chủ tịch nước, và Bộ Ngoại giao là các cơ quan có quyền phát biểu về chủ quyền quốc gia. Việc ban hành và phổ biến nghị quyết cần phải được tiến hành đúng trình tự.
“Một nghị quyết được thông qua bởi Quốc hội, được Bộ Ngoại giao hay là Chủ tịch nước đọc lên và gửi qua Văn phòng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hoặc là Chủ tịch nước hay là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đọc nghị quyết đó trước một cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ thì tôi nghĩ là nó có giá trị cao trong trường hợp một vùng lãnh thổ có tranh chấp.
Nhân dịp đó mình trưng bày những bằng chứng lịch sử chứng minh rằng chủ quyền của mình có ở tại vùng lãnh thổ đó để được sự ủng hộ hay là sự tạo ra nhìn nhận của những quốc gia khác ủng hộ cái cái yêu sách của Việt Nam.”
Ông cũng đồng ý với ý kiến của ông Lê Thân về việc phải liên tục nhắc đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa cả ở quốc nội và diễn đàn quốc tế.
Theo ông, việc này sẽ vô hiệu hoá các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và tất cả các hành vi Bắc Kinh dựa vào chủ quyền Hoàng Sa để áp đặt cho những quốc gia khác đều không có hiệu lực pháp lý.
Bên cạnh đó, vẫn theo nhà nghiên cứu sống ở Pháp, Quốc hội Việt Nam cần vinh danh 75 quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng hoà đã ngã xuống khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và cả các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông báo đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Đài tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa với tổng kinh phí 70 tỷ đồng, tuy nhiên, cho tới nay không có thông tin gì nữa về đài tưởng niệm này.Theo ông Trương Nhân Tuấn, chính phủ cần sớm hoàn thiện công trình này.
Thỉnh nguyện thư ngày hôm 01/2 là thỉnh nguyện thư thứ hai của các tổ chức xã hội dân sự độc lập về Hoàng Sa trong tháng 1/2024.
Trước đó, vào đúng dịp 50 năm ngày mất Hoàng Sa, các tổ chức trên đã kêu gọi chính quyền Việt Nam ghi sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo này và xây đài tưởng nhớ các quân nhân Việt Nam Cộng hoà tử trận trong trận hải chiến ngắn ngủi.
No comments:
Post a Comment